Góc nhìn kỹ thuật phiên giao dịch chứng khoán ngày 14/1: Cần một nhịp rung lắc kỹ thuật
VN-Index đang tiệm cận vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm, cùng với RSI đang trong nằm sâu trong vùng quá mua, do đó, chỉ số có thể cần một nhịp rung lắc kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng phục hồi bền vững hơn.
Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 14/1.
CTCK Bảo Việt - BVSC
VN-Index hiện đã vượt lên ra ngoài cận trên của kênh giá song song đi lên hình thành từ đầu tháng 4 tới nay. Xu hướng tăng điểm vẫn đang được hỗ trợ bởi các đường trung bình động hướng lên.
Tuy nhiên, việc độ dốc của đường giá tăng lên cũng đi cùng rủi ro điều chỉnh gia tăng, làm thoải đường xu hướng, trước khi tiếp tục hướng lên. Vùng kháng cự hiện tại của chỉ số đang nằm quanh mốc 1.210-1.220 điểm.
Ngược lại, cận trên của kênh giá song song từ đầu tháng 04 tới nay, tương ứng vùng 1.155-1.165 điểm, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số.
Hệ thống chỉ báo kỹ thuật của chúng tôi vẫn chưa đưa ra các cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, việc khoảng cách giữa đường giá và SMA200 đang tiến tới mức cực đại đang cảnh báo khả năng xu hướng tăng điểm của chỉ số có thể gặp rủi ro đảo chiều.
Chỉ số được kỳ vọng sẽ quay lại thử thách vùng kháng cự 1.200-1.220 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn sẽ là vùng kháng cự tâm lý mạnh và có thể tiếp tục khiến chỉ số gặp áp lực điều chỉnh rung lắc khi tiếp cận.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS.
CTCK Phú Hưng - PHS
VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch gia tăng và duy trì trên bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền vẫn ở lại thị trường.
Không những vậy, xu hướng phục hồi vẫn đang tiếp diễn, khi chỉ số duy trì đóng cửa trên MA5, cùng với chùm MA 5, 10, 20 ở trạng thái phân kỳ dương tích cực.
Tuy nhiên, chỉ số đang tiệm cận vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm, cùng với RSI đang trong nằm sâu trong vùng quá mua, do đó, chỉ số có thể cần một nhịp rung lắc kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng phục hồi bền vững hơn.
Trong trường hợp này, đường MA5 có thể đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ chính cho nhịp rung lắc, tương đương vùng 1.177 -1.180 điểm.
HNX-Index có diễn biến tích cực hơn. Chỉ số vẫn duy trì được chuỗi tăng điểm phiên thứ chín liên tiếp, cùng với chùm MA5, 10, 20 ở trạng thái phân kỳ dương tích cực, cho thấy xu hướng phục hồi vẫn tiếp diễn. Chỉ số có thể tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự quanh 238 điểm (Fib 261,8).