Góc nhìn mới của nghiên cứu khoa học chỉ ra Đế chế La Mã sụp đổ do tiểu băng hà

Các nhà khoa học cho rằng một kỷ băng hà 'mini' trong thế kỷ thứ 6 có thể là 'giọt nước tràn ly' dẫn đến sự tan rã cuối cùng của đế chế hùng mạnh La Mã.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một nghiên cứu mới về những tảng đá bất thường được tìm thấy tại Iceland đang mở ra góc nhìn mới về sự sụp đổ của Đế chế La Mã. Các nhà khoa học cho rằng một kỷ băng hà "mini" trong thế kỷ thứ 6 có thể là "giọt nước tràn ly" dẫn đến sự tan rã cuối cùng của đế chế hùng mạnh này.

Trong giai đoạn từ năm 536 đến 547 sau Công nguyên, ba vụ phun trào núi lửa liên tiếp đã tạo ra đủ tro bụi để che khuất ánh mặt trời trong khoảng 200 đến 300 năm, khiến nhiệt độ bề mặt Trái đất giảm xuống vài độ.

Giờ đây, bằng chứng mới về thời kỳ băng giá nhỏ này đã được phát hiện tại Iceland thông qua việc nghiên cứu những tảng đá được băng trôi mang từ Greenland đến bờ biển phía tây Iceland.

Christopher Spencer, Phó Giáo sư về địa hóa học tại Đại học Queen's ở Kingston, Ontario, người dẫn đầu nghiên cứu, giải thích: "Những thay đổi môi trường và khí hậu đáng kể có thể đã ảnh hưởng đến các cuộc di cư, đặc biệt là ở những khu vực dễ bị mất mùa và đói kém. Sự kết hợp của những áp lực này có thể đã làm trầm trọng thêm các căng thẳng xã hội vốn đã tồn tại trong thời kỳ này, góp phần vào sự tan rã cuối cùng của đế chế."

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những tảng đá granite bất thường trên một lớp bãi biển có niên đại từ năm 500 đến 700 sau Công nguyên. Sau khi nghiền mẫu đá và phân tích hóa học các tinh thể zircon bên trong, họ đã xác định được nguồn gốc của những tảng đá này từ Greenland, cách đó khoảng 285 km theo đường chim bay.

Ông Spencer nhận định: "Sự di chuyển của các mảnh đá từ Greenland đến Iceland chủ yếu là do quá trình băng trôi, trong đó các tảng băng trôi chứa mảnh vụn từ sông băng được dòng hải lưu đưa qua đại dương." Điều này cho thấy thời kỳ băng giá nhỏ đã đủ khắc nghiệt để tạo ra số lượng lớn băng trôi từ Greenland.

Tuy nhiên, các nhà sử học lưu ý rằng câu chuyện thực tế có thể phức tạp hơn nhiều. Shane Bobrycki, Trợ lý Giáo sư lịch sử tại Đại học Iowa, chỉ ra rằng thời kỳ băng giá này xảy ra khi Đế chế La Mã phương Tây đã suy tàn. Hoàng đế La Mã phương Tây cuối cùng, Romulus Augustulus, đã bị phế truất 60 năm trước khi đợt lạnh này bắt đầu.

Có thể kỷ băng hà nhỏ đã ngăn cản La Mã phục hồi như họ đã từng làm trước đó. "La Mã đã từng đối mặt với những cuộc khủng hoảng gần như sinh tử trong thế kỷ thứ ba và đã vượt qua được trong thế kỷ thứ tư," Bobrycki nói. "Vì vậy, có thể nói vai trò quyết định của Thời kỳ Băng giá Cổ đại Muộn là đã ngăn cản nỗ lực phục hưng của Justinian."

Những phát hiện này còn có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Theo Spencer, việc hiểu được tác động của thời kỳ băng giá nhỏ đối với Đế chế La Mã có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ ảnh hưởng đến thế giới toàn cầu hóa như thế nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/goc-nhin-moi-cua-nghien-cuu-khoa-hoc-chi-ra-de-che-la-ma-sup-do-do-tieu-bang-ha-post1035310.vnp