GÓC NHÌN: MỘT SỐ GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6. Quan tâm góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Tòa án năm 2014 là cần thiết, nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của đại biểu Hoàng Quốc Khánh về nội dung này.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 phù hợp với các nghị quyết, văn kiện của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Hồ sơ dự án Luật đã được Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

1. Về quy định cụ thể Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự án luật (khoản 1, điều 3) nên quy định cụ thể thực hiện quyền tư pháp là những quyền gì, đây cũng là nội dung được quy định trong Hiến pháp 2013.

2. Về đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyệntheo thẩm quyền xét xử thành Tòa án nhân dân phúc thẩm; Tòa án nhân dân sơ thẩm. Đây là vấn đề mới, việc đổi tên nhưng nhiệm vụ quyền hạn không thay đổi, do đó, trong thời gian trước mắt chưa cần thiết phải đổi tên, với các lý do được nêu trong báo cáo thẩm tra của UB tư pháp. Để đảm bảo tính độc lập trong xét xử của Tòa án nhân dân, trên thực tế hiện nay không có cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào công việc của ngành Tòa án; tạo điều kiện để Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ, Cấp ủy, chính quyền địa phương cơ cấu Chánh án Tòa án nhân dân tham gia cấp ủy cùng cấp, giới thiệu ứng cử bầu làm đại biểu HĐND các cấp; hàng năm HĐND bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí tổ chức xét xử. Việt Nam với trên 65% người dân sống vùng nông thôn, tên gọi Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân huyện đã gắn bó và đi vào tiềm thức của mỗi người, do đó việc đổi tên cần cân nhắc kỹ, trước mắt chưa nên thực hiện.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, ngày 24/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, ngày 24/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015.

3. Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ (Điều 15). Quy định này là phù hợp, việc bỏ quy định Tòa án có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; Tòa án chỉ hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ việc dân sự, hành chính và chỉ hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, hành chính theo quy định pháp luật (khoản 3) đây là quy định cần thiết. Tuy nhiên trong trường hợp người dân khó khăn khi thu thập chứng cứ, có yêu cầu thì tòa án phải hỗ trợ bằng việc ban hành các quyết định, văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu cho người dân, do đó nội dung này cần được bổ sung trong dự thảo luật.

Đồng thời cần cụ thể hơn “người yếu thế theo quy định pháp luật”, vì hiện nay nhiều luật có quy định hỗ trợ người yếu thế trong các giao dịch dân sự, hành chính nhưng mỗi luật quy định đối tượng khác nhau phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật đó, ví dụ: Bộ Luật dân sự, Luật trợ giúp pháp lý hay Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người yếu thế ở mỗi dự án luật là khác nhau. Đề nghị cần cụ thể hơn nội dung này, tránh vướng mắc khi thực hiện.

4. Về Thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm pháp quốc gia (điều 39), dự thảo luật có bổ sung 2 thành viên là đại diện Bộ nội vụ và Bộ Tài chính vào thành viên của Hội đồng, nâng số thành viên từ 9 người lên 11 người, trong đó có 4 cơ quan thuộc Chính phủ - Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính và Bộ Nội vụ. Đề nghị làm rõ lý do bổ sung Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ làm thành viên, trong khi nhiệm vụ của Hội đồng hết sức quan trọng cần có sự tham gia của một số cơ quan có chức năng giám sát, phản biện xã hội. Tôi thống nhất với việc bổ sung thành viên Hội đồng nhưng thay vì Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính bằng đại diện của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt nam và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

5. Điều 21, quy định về Giám sát hoạt động của Tòa án, tại khoản 2 quy định Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận “Giám sát hoạt động của Tòa án để kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Việc giám sát phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và độc lập xét xử của Tòa án”. Đề nghị không quy định nội dung này trong luật tránh trùng lặp với luật về hoạt động giám sát, cụ thể:

Theo quy Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì giám sát của Quốc hội và HĐND là giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước, giám sát thông qua việc theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, rất tổng thể– không chỉ là giám sát để kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng của cơ quan Tòa án. Tại khoản 3, điều 3 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã quy định về nguyên tắc hoạt động giám sát “không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát”. Vì vậy không sao chép lại những gì đã quy định trong luật về hoạt động giám sát.

6. Điều 34 quy định về Xây dựng pháp luật, đây là nội dung mới bổ sung, theo đó có 4 nội dung quy định Tòa án tối cao thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền xây dựng pháp luật thông qua các hoạt động cụ thể: Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ban hành văn bản theo thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác xây dựng pháp luật. Đây là nhiệm vụ, quyền hạn đương nhiên của Tòa án Nhân dân Tối cao được quy định trong Hiến pháp, Luật ban hành VBQPPL và khỏa 6 Điều 78 luật này, để tránh trùng lặp, đề nghị bỏ điều này.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại Quy định về tiêu chuẩn Hội thẩm nhân dân. (hình minh họa)

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại Quy định về tiêu chuẩn Hội thẩm nhân dân. (hình minh họa)

7. Về Hội thẩm nhân dân, (Chương IV), có 2 vấn đề đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại: (1) Quy định về tiêu chuẩn Hội thẩm nhân dân, tại các điểm e, g và h, bao gồm không bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc; không thuộc trường hợp đã hoặc đang bị xử lý hình sự; không thuộc trường hợp đã bị bãi nhiệm Hội thẩm – đề nghị chuyển 3 nội dung này sang Điều 123, quy định những người không được làm Hội thẩm cho phù hợp; (2) Điều 129, Điều kiện miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm, trong dự thảo luật quy định Hội thẩm được miễn nhiệm vì lý do sức khỏe, theo nguyện vọng cá nhân và vi phạm về phẩm chất đạo đức hoặc vi phạm pháp luật. Quy định như vậy chưa đủ, vì thực tế nhiều Hội thẩm kể từ ngày được bầu không tham gia hoạt động, không chấp hành sự phân công của Tòa, với các lý do bận công tác chuyên môn, nhưng chưa có chế tài để miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm, do đó đề nghị bổ sung thêm điều kiện về thực hiện nhiệm vụ của Hội thẩm.

8. Về chế độ bảo vệ Tòa án (Điều 140) khoản 3 có quy định “Trụ sở khác được Tòa án bố trí lực lượng bảo vệ chuyên trách. Kinh phí và điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng bảo vệ chuyên trách do Ngân sách nhà nước bảo đảm”. Vấn đề này đề nghị cần có đánh giá kỹ lưỡng vì đối với Tòa án nhân dân cấp huyện thì có cần phải bố trí bảo vệ chuyên trách 24/24 không; việc bảo vệ các phiên xét xử của tòa án đã có quy định pháp luật và do lực lượng Công an đảm nhận theo yêu cầu của Tòa án, do đó không cần thiết quy định như trên tránh phát sinh biên chế, kinh phí.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu góp ý dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu góp ý dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

9. Cơ cấu, tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao (Điều 46) và tổ chức lại bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp cao (Điều 51). Tại 2 điều này có nội dung quy định “đơn vị sự nghiệp công lập khác - điểm đ, khoản 1 điều 46 và “ các vụ và tương đương - điểm d, khoản 1 điều 51”, đề nghị cần làm rõ đơn vị sự nghiệp công lập khác và tương đương vụ đây là những đơn vị nào; hiện nay các cấp, các ngành đang nỗ lực thực hiện việc tinh gọn bộ máy, tinh giảm đầu mối, biên chế, do đó nếu thực sự cần thiết phải thành lập cần có giải trình cụ thể không ghi chung chung./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83379