Góc nhìn nghị trường: Sử dụng hiệu quả không gian ngầm cho phát triển Thủ đô

Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Một trong những nội dung của dự thảo luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm. Với việc Hà Nội tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt đô thị và nhu cầu phát triển của Thủ đô, không gian ngầm nếu được khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ góp phần tạo thêm dư địa, tăng thêm nguồn lực rất lớn cho thành phố trong tương lai.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn TP Cần Thơ) đánh giá, quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về quản lý, sử dụng không gian ngầm đã tiếp thu các nội dung góp ý của nhiều đại biểu Quốc hội. Hiện nay, không gian ngầm của đô thị cần phải được quản lý và sử dụng có hiệu quả, đây chính là một nguồn tài nguyên để phát triển Hà Nội.

Người dân tập thể dục trong khu vực hầm đi bộ Ngã Tư Sở. Ảnh minh họa: TTXVN

Người dân tập thể dục trong khu vực hầm đi bộ Ngã Tư Sở. Ảnh minh họa: TTXVN

Để phát huy hơn nữa giá trị của không gian ngầm, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai của Chính phủ cần tích hợp những quy định về giá đất, trường hợp miễn giảm tiền sử dụng, áp dụng cho không gian ngầm, các công trình ngầm mà không nhằm mục đích kinh doanh thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm-TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch không chỉ dự báo nhu cầu sử dụng không gian ngầm mà còn phân vùng chức năng, định hướng bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, mạng lưới giao thông, bãi đỗ xe ngầm.

Theo quy hoạch, các đầu mối giao thông lớn của Hà Nội như nhà ga đường sắt gồm cả đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia sẽ là hạt nhân để phát triển không gian ngầm phục vụ công cộng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD (mô hình lấy giao thông công cộng là trung tâm), do vậy, việc khai thác không gian ngầm càng cần được chú trọng hơn nữa và cần cụ thể hóa bằng danh mục công trình, dự án sẽ được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn sắp tới, tránh việc xây dựng nhỏ lẻ, phân tán, manh mún.

Khai thác không gian ngầm để mở rộng dư địa phát triển đô thị là xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại. Bên cạnh tăng thêm diện tích, không gian cho các phương tiện giao thông công cộng, không gian ngầm cũng rất thuận lợi để thúc đẩy các loại hình dịch vụ, thương mại, kết nối đồng bộ với không gian trên mặt đất, khai thác tối ưu quỹ đất đô thị.

Để sử dụng không gian ngầm hiệu quả, bền vững cần quan tâm đến việc khảo sát và bảo đảm các yếu tố về địa chất, môi trường, nguồn nước trước khi tiến hành xây dựng công trình. Đầu tư cho công trình ngầm đòi hỏi nguồn vốn lớn, quá trình xây dựng, khai thác có nhiều yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Vì vậy, công tác chuẩn bị càng phải sát sao, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ theo quy hoạch và tầm nhìn dài hạn.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/goc-nhin-nghi-truong-su-dung-hieu-qua-khong-gian-ngam-cho-phat-trien-thu-do-779887