Góc nhìn: Thực trạng và giải pháp trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ DTTS&MN
Công tác cán bộ DTTS&MN vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ ở những nơi này chưa đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Do vậy, cần xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm và các chính sách khác có liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ DTTS&MN. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của ĐBQH Tráng A Dương - Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Một trong những nội dung quan trọng để giải quyết tốt vấn đề dân tộc là phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) có phẩm chất và năng lực. Với đường lối đúng đắn đó, trong những năm qua, Đảng ta chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ người DTTS cho vùng đồng bào dân tộc. Bởi vậy, đội ngũ cán bộ người dân DTTS đã dần phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đồng chí cán bộ người dân tộc thiểu số được giao những trách nhiệm quan trọng từ Trung ương đến địa phương, góp phần to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, vùng dân tộc và miền núi nói riêng.
Công tác cán bộ là một trong những khâu then chốt trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ nói chung và công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ là người DTTS nói riêng.
Trong bài viết này, tác giả nghiên cứu sâu về hai nội dung quan trọng đó là: Đánh giá thực trạng và giải pháp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS giai đoạn hiện nay theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030.
Trong nhiều năm qua, quan điểm, đường lối của Đảng về công tác cán bộ, về đào tạo cán bộ, cán bộ người DTTS được thể hiện rõ nét trong các văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam. Qua từng kỳ Đại hội Đảng, nội dung về đào tạo cán bộ người DTTS đã thường xuyên được đề cập cụ thể như: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) đã chỉ rõ “Có chính sách ưu tiên đào tạo cán bộ cho cơ sở. Ban hành các chính sách khuyến khích cán bộ công tác ở vùng cao, vùng sâu, cán bộ miền xuôi lên công tác ở miền núi”; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001) khẳng định: “Tích cực thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số. Động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương. Chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc”; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006) nhấn mạnh: “Thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trí thức người dân thiểu số. Cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải gần gũi, hiểu phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào dân tộc, làm tốt công tác dân vận. Chống các biểu hiện kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc”; Gần đây, nhất Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) một lần nữa khẳng định “... tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc... Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số”.
Để thực hiện thành công các chủ trương, chính sách về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại ở vùng DTTS và miền núi, tạo thế và lực cho cách mạng, vai trò của cán bộ nói chung, của cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS nói riêng được xem là một khâu then chốt, trọng yếu, có tính quyết định.
Vận dụng quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân tộc, những năm qua, các cấp các ngành, từ trung ương tới địa phương đã luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống chính trị; ngày càng có nhiều hơn cán bộ người DTTS tham gia trong hệ thống chính trị.
Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022, của Ủy ban Dân tộc về “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc”, tính đến năm 2021, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 3.952.225 người. Trong đó, một số bộ, ngành quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ, công chức người DTTS trên 5% tổng số biên chế, số lượng người được giao, như Ủy ban Dân tộc (25,4%), Bộ Tư pháp (7,2%), Bộ Quốc phòng (6,69%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (5,45%), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (5,64%),... Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc thực hiện đã đạt được mục tiêu tỷ lệ đề ra theo Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”. Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 10% đến trên 70% tổng dân số của tỉnh đã thực hiện theo đúng hoặc vượt mức tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chiếm từ 5%, 10%, 15%, 20% tổng số biên chế được giao.
Cũng theo Báo cáo số 732/BC-UBDT, ngày 10/6/2021, của Ủy ban Dân tộc, về “Tổng kết chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”, có 50.696 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; 222.229 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; 10.516 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tin học. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ người DTTS ngày càng được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, đa dạng về thành phần dân tộc.
Nhờ triển khai tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thu hút, tuyển dụng, sử dụng cán bộ người DTTS nên số lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng tăng, tỷ lệ cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Bí thư cấp ủy là người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã cao hơn nhiệm kỳ trước, trong đó tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số hiện chiếm khoảng 14,5%; trong đó, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp chiếm 17,2%; Quốc hội khóa XV có 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,8%. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 13 đồng chí là người dân tộc thiểu số, chiếm 6,5%; Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025: Cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số đạt 11,7%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,8%; Ủy viên ban thường vụ đạt tỷ lệ 11,8%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,5%; bí thư cấp ủy người dân tộc thiểu số là 6 đồng chí, đạt 9,2%, cao hơn nhiệm kỳ trước 1,5%. Với việc tăng lên về số lượng, gia tăng về chất lượng của đội ngũ cán bộ người dân DTTS trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - chính trị, trật tự xã hội vùng dân tộc thiểu số của cả nước.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX chỉ rõ: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”; Đặc biệt Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới nhấn mạnh “Tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm tỉ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong cấp ủy và các cơ quan dân cử các cấp. Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số”. Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với các mục tiêu cụ thể về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số “Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương”.
Với vai trò hết sức to lớn và quan trọng của đội ngũ cán bộ DTTS, việc thu hút, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ này thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm “Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của địa phương”, đồng thời “có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở và cấp huyện là người dân tộc thiểu số;... sử dụng có hiệu quả số học sinh, sinh viên đã được đào tạo từ các trường, số thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là con em đồng bào dân tộc thiểu số làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở”… Cùng với đó, các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tiếp tục được lồng ghép vào các dự án, nhiệm vụ được quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 12/NQ-CP,Quyết định số 1719/QĐ-Ttg và đã được phân công tổ chức triển khai cụ thể trong từng giai đoạn, bảo đảm kế thừa và phát huy hết các kết quả đạt được trong việc triển khai các nhiệm vụ.
Có thể nói, thực hiện chủ trương, chính sách về công tác cán bộ người DTTS của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động gắn liền nội dung tiến độ công việc, lộ trình thực hiện. Theo đó, tạo điều kiện cho cán bộ người DTTS tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và kỹ năng quản lý... Sau khi hoàn thành các khóa học, đội ngũ cán bộ được xem xét, bố trí vào những vị trí, chức danh phù hợp, phát huy kiến thức đã học, cơ bản đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ công tác.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút, tuyển dụng, sử dụng cán bộ người DTTS cũng còn một số hạn chế, yếu kém nhất định, dẫn đến tình trạng “số lượng cán bộ người DTTS trong các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp nhiều nơi còn rất thấp so với tỷ lệ dân số người dân tộc thiểu số trên địa bàn, thậm chí có tỉnh chưa bằng 1/2 so với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS chưa đồng đều ở các cấp, giữa các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, các ngành... Càng ở cấp cao, số lượng, tỷ lệ cán bộ người DTTS càng thấp (cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số đạt 11,7%). Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng, hiện nay những con số về tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức người DTTS đang không đạt so với chỉ tiêu đặt ra. Cụ thể, tính đến 31/1/2022, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh là 642 người/7.255 biên chế, đạt 8,85%. Tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp cấp huyện, đạt 10%. Như vậy 10/10 huyện (không tính hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc) đều chưa đạt. Tại các xã, phường, thị trấn, đạt 23,66%; Báo cáo tổng kết năm 2023 của Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cấp tỉnh, cấp huyện là hơn 8.000 người, chiếm 33,6%; Tỷ lệ đó ở Kon Tum là 15,86% với 2.985 người trong tổng số 18.814 cán bộ, công chức, viên chức… Ở một số tỉnh, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số rất thấp, như Trà Vinh, Bình Phước, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, An Giang, Phú Yên, Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế cán bộ DTTS chỉ chiếm 0,5%. Thậm chí tại cùng một địa phương, còn tồn tại tình trạng mất cân đối giữa các nhóm người DTTS trong đội ngũ cán bộ, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc (trừ dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, còn lại các DTTS khác có số lượng cán bộ rất thấp so với tỷ lệ dân số). Ngoài ra, đội ngũ cán bộ DTTS chưa qua đào tạo, bồi dưỡng còn chiếm tỷ lệ khá lớn, nhất là cán bộ cơ sở.
Những hạn chế, yếu kém trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS chưa thực sự gắn với nhu cầu thực tế. Ở một số chuyên ngành thiếu cán bộ nhưng không có nguồn để tuyển dụng (bác sĩ, kinh tế, kỹ thuật...); chưa có quy định cụ thể về ưu tiên tuyển dụng, đặc cách đối với đối tượng thuộc các DTTS ít người; tình trạng sinh viên được cử đi đào tạo theo chế độ cử tuyển hoặc tạo nguồn sau khi tốt nghiệp không được bố trí việc làm, gây áp lực lớn cho công tác tuyển dụng trong các cơ quan, đơn vị ở các địa phương; kinh phí, chỉ tiêu, cho việc thu hút, tuyển dụng cán bộ giỏi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc thu hút, tuyển dụng đội ngũ cán bộ người DTTS; việc phát triển nguồn nhân lực từ sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở vùng dân tộc và miền núi còn thấp nên năng lực, trình độ của một số cán bộ người DTTS còn hạn chế. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành thiếu thống nhất nên các địa phương gặp khó khăn khi triển khai thực hiện.
Để tiếp tục triển khai tốt chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn hiện nay theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, trước hết cần xác định cần làm tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là: Các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc”, các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Trung ương.
Hai là: Tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Làm tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ là người DTTS, đảm bảo các DTTS có tỷ lệ cán bộ hợp lý tham gia các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tăng cường công tác bồi dưỡng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp.
Ba là: Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, trong đó quan tâm luân chuyển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS đế đào tạo nguồn cán bộ lâu dài cho các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bốn là: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS là để góp phần phát triển nguồn nhân lực; tạo nguồn cán bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược công tác cán bộ dân tộc và vùng dân tộc; Chiến lược này cần được quán triệt sâu sắc trong nhận thức và quyết tâm chính trị ở mọi cấp quản lý nhà nước, đặc biệt là ở các địa phương. Trực tiếp và trước mắt là gắn liền với việc thực hiện “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030” được Chính phủ phê duyệt ngày 15/7/2021 trong Nghị quyết số 76/ NQ-CP.
Năm là: Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu của vị trí việc làm, bảo đảm không trùng lắp, tiết kiệm, hiệu quả; rà soát, cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết.
Với nghiên cứu này đã phần nào đánh giá được thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS trong thời gian qua. Trên cơ sở đó đã đưa ra một số giải pháp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS giai đoạn hiện nay theo Nghị quyết số 88/2019/QH14.
Một số giải pháp này không chỉ bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo, mà còn góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ chất lượng cao, có tầm nhìn, tâm huyết, năng lực và động lực để thực hiện chính sách dân tộc của Đảng. Đặc biệt, cán bộ người DTTS là rất cần thiết để tạo ra một môi trường giáo dục đa dạng, tôn trọng và bảo đảm quyền lợi của tất cả các dân tộc. Việc Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ người DTTS nói riêng là công việc thận trọng, khoa học, dân chủ, mang tầm chiến lược, là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, nâng cao năng lực và chất lượng cán bộ người DTTS theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 sẽ giúp họ có thể tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điều này không chỉ có lợi cho các DTTS mà còn góp phần tạo ra một xã hội công bằng, phát triển bền vững và hòa hợp./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=88716