Góc nhìn TTCK 7/4 - 11/4: Còn dư chấn thương chiến, cân nhắc điều chỉnh chiến lược đầu tư
Trong kịch bản thị trường không giữ được vùng hỗ trợ 1.160 - 1.165 điểm, nhà đầu tư nên chuẩn bị cho kịch bản bất lợi đối với thị trường và có khả năng thị trường rơi vào trạng thái giá xuống.
Tuần qua, thị trường chứng khoán chứng khiến phiên “chao đảo” chưa từng có trong lịch sự sau sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, khiến chỉ số VN-Index “bay hơi” gần 88 điểm. Mức giảm điểm này là kịch sàn trong phiên 3/4/2025.
Đà giảm tiếp tục kéo dài sang ngày 4/4, với tổng mức giảm 107 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục 6.800 tỷ đồng trong 2 ngày, nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu năm đến nay lên xấp xỉ 35.500 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán giảm 107 điểm trong hai phiên giao dịch mức thuế đối ứng 46% của Việt Nam nằm ngoài dự báo. Theo chuyên gia CTCK MB (MBS), Trong khi phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á tỏ ra “bình tĩnh” trước các thông tin về thuế, thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến tiêu cực nhất trong ngày 3/4 và ngày 4/4/2025. Ngoài ra, một phần nguyên nhân của phiên bán tháo còn xuất phát từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam phần nào đi ngược lại với đà giảm của thị trường chứng khoán thế giới trong 1 tháng gần đây
Sau phiên giảm điểm kỷ lục với mức giảm 6,68% của VN-Index, có thể thấy gần như tất cả các mã cổ phiếu thuộc tất cả các nhóm ngành đều giảm sàn dù có chịu tác động trực tiếp của chính sách thuế quan hay không. Điều này diễn ra bởi tác động tâm lý vô cùng lớn từ mức thuế quan lên đến 46%, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó được áp cho Việt Nam.
Nhìn lại giai đoạn 2018-2019 khi thương chiến 1.0 bắt đầu, thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm mạnh khoảng 20% bao gồm cả thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù Việt Nam là quốc gia hưởng lợi trong giai đoạn đó. Vậy nên, hiệu ứng tâm lý tiêu cực trong giai đoạn hiện tại có thể còn lớn hơn nhiều bởi Việt Nam là một trong các quốc gia chịu tác động lớn nhất. Tuy nhiên, mặt bằng định giá hiện tại lại thấp hơn nhiều so với giai đoạn thương chiến 1.0 diễn ra, nên mức độ sụt giảm có thể mạnh trong ngắn hạn, nhưng sẽ có nhịp phục hồi kỹ thuật nhanh sau đó.
Các nhóm ngành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất bởi chính sách thuế quan sẽ là các nhóm ngành xuất khẩu (thủy sản, dệt may, đồ gỗ), ngành cảng biển - logistics, ngành bất động sản khu công nghiệp. Nền kinh tế và nhiều nhóm ngành khác có thể chịu tác động gián tiếp trong xu hướng phi toàn cầu hóa, xu hướng bảo hộ đang được thúc đẩy dưới thời Tổng thống Donal Trump bởi Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP ~ 200%) và chiến lược phát triển phụ thuộc nhiều vào dòng vốn FDI.
Về mặt thông tin hiện tại, Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc đàm phán với Mỹ để có thể giảm mức thuế nhập khẩu xuống là thông tin tích cực nhất. Quãng nghỉ cuối tuần cùng dịp nghỉ lễ là thời gian để thị trường đánh giá lại một cách kỹ lưỡng hơn những tác động của chính sách thuế quan đến từng nhóm ngành và từng doanh nghiệp cụ thể.
Ngoài ra, sau giai đoạn chịu áp lực bán giá sàn và giảm nhanh, thị trường có thể sẽ thu hẹp đà giảm trong tuần tới hoặc thậm chí là xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật trong khi chờ đợi những thông tin tích cực từ cuộc đàm phán giữa hai nước.
Ông Lê Đức Huy, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Agrbank cho rằng, mức thuế 46% đối với Việt Nam là một mức rất cao, vượt mọi dự báo trước đó. Nếu mức thuế này được áp dụng, nền kinh tế sẽ phải chịu một cú sốc lớn bởi Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế cao và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ chiếm đến hơn 30% tổng kim ngạch. Vậy nên, chắc chắn Chính phủ Việt Nam sẽ hướng đến việc đàm phán với Mỹ để có thể giảm mức thuế trên xuống mức thấp nhất có thể.
Trong kịch bản tích cực, mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể được điều chỉnh giảm về khoảng 20% hoặc thấp hơn. Cơ sở cho kịch bản trên là có khi Tổng thống Donald Trump vẫn để ngỏ khả năng đàm phán và sẵn sàng hạ mức thuế nếu có một đề nghị đủ sức hấp dẫn. Việt Nam thời gian vừa qua đã liên tục có các giải pháp như: Đồng ý cho Starlink nghiên cứu và thí điểm hoạt động ở Việt Nam; Giảm thuế nhiều mặt hàng từ Mỹ; Tăng nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump để trao đổi và đưa mức thuế nhập khẩu của Mỹ về 0%, đồng thời cũng đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự với hàng hóa từ Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực khi 2 nước đã có những bước đầu trong trao đổi đàm phán để giảm nhiệt thuế quan.
"Chúng ta cần theo dõi thêm những yêu cầu từ phía Mỹ đặt ra cho Việt Nam để có thể đàm phán về mức thuế. Tôi cho rằng, sau đàm phán, mức thuế 46% mà Mỹ đang áp cho Việt Nam khả năng cao sẽ được điều chỉnh giảm, nhưng mức giảm đến đâu sẽ phụ thuộc vào việc đàm phán giữa 2 bên", ông Huy chia sẻ.
Về kỹ thuật phân tích kỹ thuật, chuyên gia MBS cho rằng, vùng hỗ trợ 1.160- 1.165 điểm khá quan trọng, đây là xu hướng tăng kể từ năm 2020, do vậy, tín hiệu bất lợi về mặt kỹ thuật là thị trường không giữ được vùng hỗ trợ này.
Việc thị trường rơi vào vùng hỗ trợ này, tức giảm 13,5% từ đỉnh cũng tương đương mức điều chỉnh của một số thị trường lớn trên thế giới như Mỹ (S&P 500) dù chỉ số VN-Index điều chỉnh sau. Do vậy, trong kịch bản thị trường không giữ được vùng hỗ trợ này, nhà đầu tư nên chuẩn bị cho kịch bản bất lợi đối với thị trường và có khả năng thị trường rơi vào trạng thái thị trường giá xuống.
Theo ông Huy, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành phòng thủ hoặc những cổ phiếu tập trung vào thị trường trong nước sẽ là cơ hội sau giai đoạn chiết khấu chung từ thị trường - như ngân hàng, bất động sản, xây dựng, bán lẻ, công nghệ sẽ được đẩy mạnh để thay thế động lực tăng trưởng cũ đến từ xuất khẩu và FDI. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu phòng thủ liên quan đến lĩnh vực điện nước, hoặc nhóm cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao cũng sẽ là các nhóm ngành phù hợp cho giai đoạn hiện tại.
Hạ dự báo mục tiêu VN-Index xuống mức 1.350 - 1.380 điểm trong năm 2025, từ mức 1.400 - 1.420 điểm
Theo quan điểm của MBS, trong ngắn hạn, thị trường sẽ khó có nhịp phục hồi nhanh chóng. Ngoài dư âm của thuế đối ứng, còn một số yếu tố rủi ro tác động đến thị trường trong ngắn hạn.
Ở bối cảnh thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ đang bước vào giai đoạn điều chỉnh khi đà bán tháo các cổ phiếu công nghệ vẫn chưa chấm dứt. Với tác động kém tích cực từ chính sách thuế quan, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn được dự báo sẽ duy trì xu hướng giảm trong 2 tháng tới. Về yếu tố mùa vụ, tháng 4, tháng 5 cũng đồng thời là thời điểm “vùng trống thông tin”, không có thông tin tích cực hỗ trợ, vì vậy, diễn biến thị trường thế giới sẽ tác động đến chỉ số VN-Index lớn hơn.
Ở bối cảnh trong nước, tỷ giá vẫn là rủi ro lớn nhất, gây áp lực lên thị trường trong suốt nửa đầu năm. Sau thông tin thuế đối ứng tỷ giá USD/VND liên ngân hàng bật tăng lên mức gần 25.800 VND (tăng +1.3% so với đầu năm, tỷ giá tự do cũng áp sát ngưỡng 26.000 VND, cao nhất từ đầu năm đến nay.
Với quan điểm thuế suất cuối cùng được áp dụng cho Việt Nam khó về mức thấp như kỳ vọng, MBS hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt từ mức 18% - 19% xuống còn 16% - 16,5% cho giai đoạn 2025 - 2026. Đồng thời, hạ định giá của thị trường xuống mức 12,5 lần PE forward từ mức 13 lần PE forward trước đây, nhằm phản ánh các rủi ro về sự chuyển dịch của dòng vốn nước ngoài.
Tổng hợp các yếu tố trên, MBS hạ dự báo mục tiêu VN-Index xuống mức 1.350 - 1.380 điểm trong năm 2025, từ mức 1.400 - 1.420 điểm trước đây. Với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái vẫn là các yếu tố đảm bảo cho sự tăng trưởng của chỉ số VN-Tndex trong năm 2025. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường mới nổi của FTSE trong năm 2025 cũng như MSCI trong năm 2026.
Theo MBS, thị trường điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu đầu ngành, ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng với mức định giá hấp dẫn.