Góc nhìn TTCK tuần 12 - 16/6: Tìm cơ hội ở nhóm bán lẻ, hàng tiêu dùng
Theo chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap thị trường đã xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn, nhưng đang có dấu hiệu FOMO, nhà đầu tư cần giữ tỷ trọng tiền mặt nhất định.
Thanh khoản tiếp tục tăng, khối ngoại vẫn đứng ngoài cuộc chơi
Thị trường chứng khoán tiếp tục có một tuần giao dịch sôi động, sắc xanh ngập tràn với thanh khoản tăng cao đột biến. VN-Index đóng cửa tuần ở mốc 1.107,53 điểm với hơn 4,5 tỷ cổ phiếu trao tay theo hình thức khớp lệnh, tương ứng với giá trị hơn 83 nghìn tỷ đồng (tăng 18,5% so với tuần giao dịch trước đó). Trung bình thanh khoản đạt 16.600 tỷ đồng/ngày.
Tự doanh đã có tuần thứ hai liên tiếp duy trì ở vị thế mua, với giá trị ròng hơn 528 tỷ đồng. Top những cổ phiếu được tự doanh mua nhiều nhất là MBB, NVL và STB.
Ngược lại với khối tự doanh, khối ngoại đã có tuần thứ ba liên tiếp bán ròng với hơn khối lượng bán ròng là hơn 5,2 tỷ cổ phiếu, tương đương giá trị khoảng 482 tỷ đồng. Top những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng tiếp tục là VNM, CTG, trong đó, VNM đã có tuần thứ 4 liên tiếp bị khối ngoại bán ròng.
Khi khối ngoại tiếp tục đứng ngoài cuộc chơi thì nhà đầu tư cá nhân đã có tuần thứ 2 liên tiếp chiếm trọng số giao dịch chính của thị trường. Nhất là phiên giao dịch 8/6, thanh khoản tăng lên mốc 23.000 tỷ đồng, diễn biến VN-Index cho thấy vừa có lực bán chốt lời, tuy nhiên dòng tiền mới tiếp tục “gom” hết hàng được bán ra. Trong đó, top các cổ phiếu khớp lệnh nhiều nhất là VND, GEX và NVL.
Theo chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap, dòng tiền hiện tại đang có dấu hiệu FOMO, vì khi nhìn vào bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại, mọi chỉ số kinh tế đều chưa có dấu hiệu khởi sắc, động lực tăng trưởng chính là đầu tư công còn chưa được khơi thông, chính sách tiền tệ nới lỏng chưa thẩm thấu tới doanh nghiệp thì việc tăng điểm, tăng thanh khoản đột biến của VN-Index là một xu hướng tăng không chắc chắn và ẩn chứa nhiều rủi ro nhiều hơn là cơ hội.
World Bank nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu nhưng Việt Nam bị hạ mục tiêu
Tuần qua, Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên 2,1%, do Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đã chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn so với kỳ vọng. Sau hơn 1 năm tiến hành chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát của nước Mỹ và EU đã được hạ nhiệt và tiếp tục cho thấy mục tiêu sẽ được cải thiện trong tương lai.
Tuy nhiên với Việt Nam, World Bank đã có sự thận trọng khi hạ mức dự báo tăng trưởng xuống còn 6%, giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo của tổ chức hồi tháng 1, ít hơn 6,5% so với mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đặt ra từ đầu năm.
Điều này cho thấy World Bank đã có sự thay đổi kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh các chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ triển khai chưa được nền kinh tế hấp thụ tính đến thời điểm hiện tại. Bằng chứng ở việc sau 5 tháng triển khai, giải ngân đầu tư công (động lực tăng trưởng chính) chỉ đạt 25,5% kế hoạch năm. Ở chính sách tiền tệ, sau 3 lần hạ lãi suất điều hành mặc dù thanh khoản hệ thống vẫn hết sức dồi dào tuy nhiên dòng vốn được Ngân hàng Nhà nước bơm ra vẫn chưa được khơi thông vì chính sách tài khóa mở rộng chưa được hấp thụ hết, lãi suất cho vay chưa thể hạ khi các doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn ở khâu đầu ra.
Thông tin đáng chú ý khác, Đông Nam Bộ sắp có sân bay giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Tuần qua,Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 648/QĐ-TTg để phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo mô hình trục nan với 2 đầu mối Hà Nội và TPHCM, hình thành 30 cảng hàng không. Đáng chú ý, quy hoạch lần này đã cho phép 2 sân bay quân sự là sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) tiến hành quy hoạch để khai thác lưỡng dụng. Với sân bay Biên Hòa, nếu được đưa vào khai thác lưỡng dụng sẽ lập tức giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất trong bối cảnh việc triển khai thi công sân bay Long Thành còn gặp nhiều khó khăn. Góp phần cải thiện hệ thống giao thông, logistics của khu vự Đông Nam Bộ nói chung và của tỉnh Đồng Nai nói riêng. Tạo nền tảng cho việc thu hút vốn FDI của Tỉnh Đồng Nai trở lại mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tuần này, Quốc hội sẽ tạm nghỉ làm việc, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục đợt 2 từ 19 - 26/6, đây sẽ là đợt làm việc mà Quốc hội sẽ thông qua nhiều quyết sách quan trọng liên quan tới kinh tế - xã hội, đặc biệt là quyết định giảm thuế VAT.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% sẽ trực tiếp làm giảm giá bán, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó sẽ kích cầu tiêu dùng trong nước, làm tăng tổng mức bán lẻ góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP.
Theo Bộ Tài chính ước tính, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng. Đây là chính sách hỗ trợ thiết thực và đi ngay vào cuộc sống khi được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều ý kiến đóng góp thảo luận về thời gian áp dụng quyết định giảm thuế, có thể sẽ kéo dài đến 2024 với lĩnh vực ngành nghề áp dụng được mở rộng hơn. Quyết định cuối cùng sẽ được Quốc hội thông qua vào tuần làm việc 19 - 29/6, điều mà rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ tiêu dùng chờ đợi.
Tại Mỹ, 14/6 Ủy ban thị trường mở (FOMC) sẽ tiến hành họp định kỳ. Tại lần họp này, FOMC sẽ tiếp tục thảo luận về PCE (chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân) và CPI (chỉ số giá tiêu dùng) để đưa ra những quyết sách về điều hành lãi suất.
Theo báo cáo của Cục thống kê lao động của Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia đã tăng lên 3,7% vào tháng 5 năm 2023, cao nhất kể từ tháng 10 năm 2022 và cao hơn kỳ vọng của thị trường là 3,5%. Bất chấp sự gia tăng này, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp trong lịch sử. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động không thay đổi ở mức 62,6%, duy trì ở mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Với một mức thất nghiệp thấp, cộng với việc PCE tháng 5/2023 nước Mỹ vẫn cho thấy dấu hiệu tăng với tỷ lệ 4,7% so với cùng kỳ. Cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn chưa thể dừng lại để tiến tới mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát ngày 10/6/2023 của CME FedWatch, hiện xác suất các nhà giao dịch dự đoán rằng FED sẽ không tăng lãi suất ở kỳ họp sắp tới đang ở mức 70.1%, có sụt giảm nhẹ so với khảo sát ngày 7/6 ở mức là 74,7%. Hiện đang có sự khác biệt giữa kỳ vọng nhà đầu tư ở Mỹ và số liệu thực tế của Chính phủ nước này về tình hình thất nghiệp và lạm phát, chính vì vậy quyết định lãi suất điều hành sắp tới của FED sau kỳ họp của FOMC đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của thế giới tài chính nói chung và của các nhà đầu tư nói riêng.
Dòng tiền lớn trở lại, tìm cơ hội ở nhóm bán lẻ và hàng tiêu dùng
Sau 3 lần hạ lãi suất điều hành, và trần lãi suất huy động ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước khiến mặt bằng lãi suất huy động đã giảm đáng kể. Điều này góp phần tạo nên dòng tiền lớn quay trở lại thị trường chứng khoán. Với thanh khoản hiện tại, chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, thanh khoản sẽ vẫn duy trì trong ngắn hạn, và đây là điểm tích cực của thị trường trong tuần giao dịch kế tiếp.
Ở kịch bản tích cực, VNIndex xác lập một biên độ dao động mới ở mức 1.100 - 1.120 ở tuần giao dịch tới. Với dòng tiền cá nhân chiếm đa số và có dấu hiệu FOMO như hiện nay thì sẽ có nhiều lực cầu vào đỡ thị trường khi xuất hiện lực bán chốt lời. Để tìm kiếm cơ hội trong ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể giải ngân vào các nhóm ngành có sự kỳ vọng phục hồi vào 2 quý cuối năm như bán lẻ và hàng tiêu dùng.
Ở nhóm hàng tiêu dùng, đặc biệt chú ý những cổ phiếu đã tích lũy nền cứng như VNM, MSN. Ở nhóm bán lẻ (MWG, FRT, DGW), sau khi có một lực chốt lời lớn vào phiên giao dịch ngày thứ 5 (ngày 8/6 ) ngay lập tức lực cầu đã xuất hiện để đỡ giá và vẫn giữ xu hướng tăng ngắn hạn cho thấy sự ổn định của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu này.
Chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, thị trường chứng khoán và nền kinh tế đang có sự “mâu thuẫn” nhất định. Khi nền kinh tế chưa hấp thụ được những chính sách vĩ mô từ Chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế đã bắt đầu hạ dự báo tăng trưởng, cho thấy nền kinh tế vẫn đang còn nhiều bất định trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, dòng tiền mới đã đẩy mạnh vào thị trường chứng khoán và liên tục tăng trong những ngày qua, đặc biệt lại đến từ nhà đầu tư cá nhân mà không có sự tham gia của các quỹ đầu tư, khối ngoại… điều này cho thấy hiện tượng FOMO khá rõ rệt.
Mặc dù vậy, khi nhìn vào dòng tiền có thể khẳng định VN-Index đã xác nhận xu hướng tăng trong ngắn hạn, bất chấp nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng này có xu hướng giống giai đoạn Covid-19 khi xã hội phải cách ly, phong tỏa, doanh nghiệp người dân không thể sản xuất kinh doanh thì dòng tiền mới liên tục đổ vào thị trường chứng khoán khiến thanh khoản thị trường liên tục lập kỷ lục.
Tuy nhiên giai đoạn hiện tại có sự khác biệt vì không xuất hiện “thế hệ F0” mới vào “đỡ” thị trường, chính vì vậy Chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap nhìn nhận, xu hướng tăng này khó có thể tăng mạnh và kéo dài như giai đoạn Covid-19 diễn ra vào năm 2021. Khi dòng tiền có dấu hiệu FOMO, không thể xác định được khi nào xu hướng tăng sẽ kết thúc. Nhưng chắc chắn rằng thị trường chứng khoán lúc này ẩn chứa nhiều rủi ro hơn là cơ hội.
Đặc biệt, tuần tới vào ngày 15/6 sẽ là ngày đáo hạn phái sinh, cho nên thị trường tuần sau dự kiến sẽ có những biến động khó lường về lực cung - cầu. Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đưa ra quyết định mua/bán trong tuần.