Góc nhìn TTCK tuần 17-21/6: Hạn chế bán tháo đối với biến động bất ngờ của thị trường

Cần hạn chế mua mới khi biến động tăng cao đi kèm lực cung gia tăng mạnh; đồng thời, hạn chế bán tháo đối với biến động bất ngờ của thị trường, sẽ xuất hiện điểm hồi cho nhà đầu tư muốn cơ cấu khi đang có tỷ trọng cao

Điểm nhấn trong tuần qua là việc chỉ số đã thành công vượt mốc 1.300 trong phiên ngày 12/6 tạo phấn khích cho nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên dấu hiệu chốt lãi xuất hiện và rõ ràng hơn ở phiên cuối tuần. Giảm hơn 21 điểm trong phiên cuối tuần chỉ số đã để mất hết thành quả tăng từ đầu tuần, so với cuối tuần trước VN-Index đã giảm 7,67 điểm (-0,6%) và chốt tuần tại 1.279,91.

Dĩ nhiên, phiên giảm mạnh cuối tuần chưa đủ tạo ra sự đảo chiều sang trạng thái giảm điểm của VN-Index trong ngắn hạn, nhưng cần lưu ý vùng hỗ trợ 1.270 – 1.275 để đánh giá về khả năng giảm điểm của VN-Index.

Phiên giao dịch cuối tuần cũng ghi nhận sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ viễn thông nổi bật với cổ phiếu “họ Viettel” như CTR, VGI,…dù không duy trì mức cao nhất phiên nhưng mức tăng duy trì được tương đối tích cực. Trong đó VGI và CTR đều tiếp tục xác lập mức cao kỷ lục mới. Nhóm cổ phiếu này duy trì được diễn biến tích cực nhờ vào sóng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu, đồng thời kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định thời gian qua cũng củng cố cho đà tăng này.

Thông tin đáng chú ý trong tuần qua là giá cước vận tải biển thế giới tăng cao và tình trạng tắc nghẽn xảy ra tại cảng Singapore do tác động dây chuyền từ cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ.

Theo SSI Research, gần đây, Chỉ số Container Thế giới (WCI) gần đây đã đạt mức 4.716 USD/FEU (áp dụng cho container 40 feet), tăng 181% svck và tương đương với 232% so với mức trung bình năm 2019 (1.420 USD/FEU). Trong khi đó, giá cho thuê tàu định hạn đối với tàu 1700 TEU tăng 65% từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 5 và hiện tại mức tăng đã đạt 90% so với đầu năm.

Về phía cung, tác động của việc chuyển hướng khỏi Biển Đỏ đã xuất hiện dần ở những nút thắt của chuỗi cung ứng bắt đầu ở các cảng chính như Singapore, Dubai hay Rotterdam. Việc mất cân bằng số lượng container cũng dẫn đến việc thiếu hụt container tại một số cảng trọng điểm ở Trung Quốc, càng đẩy giá cước vận tải lên cao.

Về phía cầu, SSI Research nhận thấy xu hướng tăng lượng hàng tồn kho trở lại kể từ quýI/2024 cùng với nhu cầu vận chuyển tăng mạnh từ Trung Quốc đến các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ đã đẩy giá cước vận chuyển container tăng mạnh gần đây.

Nhìn lại quá khứ, sự kiện tàu Evergiven mắc cạn làm tê liệt kênh đào Suez trong 6 ngày vào tháng 5/2021, cùng với tình trạng thiếu hụt container trong thời gian này đã tác động tới toàn bộ chuỗi cung ứng và đẩy giá cước giao ngay tăng vọt 100% trong vòng 6 tháng, kể từ tháng 5/2021 đến tháng 11/2021. Mặc dù nguyên nhân khác nhau nhưng có thể thấy rằng cả hai trường hợp hiện tại và quá khứ đều chứng kiến việc quãng đường di chuyển đẩy nhu cầu TEU-dặm cao hơn.

Hiện tại chỉ mới bắt đầu mùa cao điểm vận chuyển, SSI Research cho rằng những áp lực hiện tại sẽ tiếp tục diễn ra, thậm chí tăng lên vào mùa cao điểm và có thể chỉ dịu bớt vào quý IV/2024 khi mùa vận chuyển cao điểm kết thúc, khi các hãng vận tải có thể sắp xếp lại chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, thông tin khiến nhiều nhà đầu tư có phần e ngại, nhất là xuất hiện ở phiên điều chỉnh, đó là quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF thuộc BlackRock công bố dừng hoạt động tại Việt Nam dự kiến vào cuối quý 1/2025.

Nhìn chung, cấu trúc tăng ngắn hạn của chỉ số vẫn chưa hề bị thay đổi. Theo đó, nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ vị thế đang có sẵn trong danh mục và duy trì động lực tăng tốt. Đồng thời, các nhịp điều chỉnh quanh vùng hỗ trợ mạnh vẫn đang mở ra cơ hội mua, tối ưu vị thế tích lũy cổ phiếu, đặc biệt chú ý tại nhóm cổ phiếu có động lượng tăng tốt, còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Theo ông Hoàng Tuấn, Chuyên gia tư vấn chứng khoán CTCK SSI, thị trường đang phát ra tín hiệu cần quan sát thêm, đồng thời cần chú ý đến việc quản trị rủi ro tài khoản, trong đó cần hạn chế mua mới khi biến động tăng cao đi kèm lực cung gia tăng mạnh; đồng thời, hạn chế bán tháo đối với biến động bất ngờ của thị trường, sẽ xuất hiện điểm hồi cho nhà đầu tư mong muốn cơ cấu khi đang có tỷ trọng cao (trên 70%NAV).

Những nhóm ngành có thể quan sát khi về hỗ trợ gồm ngân hàng (STB, ACB, MBB); chứng khoán (SSI, VND); thép (HPG, HSG), logistics (GMD, HAH).

Theo ước tính của SSI Research, các cổ phiếu có KQKD tăng trưởng vững chắc trong các nhóm ngành Bán lẻ, Thép-Tôn mạ, Chứng khoán và Xuất khẩu sẽ có cơ hội nhiều nhất trong năm 2024. Trong khi đó, sự chú ý của thị trường còn mở rộng sang một số nhóm ngành có định giá gần như đi ngang nếu tính từ đầu năm 2023 như nhóm Thực phẩm đồ uống và nhóm Tiện ích (điện) và các cổ phiếu dự kiến trả cổ tức cao.

Danh mục khuyến nghị tháng 6 của SSI Research gồm HAH, PPC, VPB, IDC, ACV, PVS, MSN

Cho cả tháng 6, CTCK SHS cho rằng, VN-index khả năng sẽ tiếp tục diễn biến tích lũy trong kênh 1.250 điểm – 1.300 điểm và chưa có khả năng hình thành uptrend thực sự. Diễn biến này là phù hợp trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới có dấu hiệu gia tăng, lãi suất tại Mỹ khả năng vẫn tiếp tục giữ ở mức cao trong cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 13/6 và áp lực lạm phát, tỷ giá trong nước vẫn duy trì, nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.

Nhã An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/goc-nhin-ttck-tuan-17-216-han-che-ban-thao-doi-voi-bien-dong-bat-ngo-cua-thi-truong-d217793.html