Góc nhìn TTCK tuần 5-9/6: Thị trường ẩn chứa rủi ro, nhà đầu tư nên cẩn trọng

Dòng tiền đột biến, lan tỏa đều ở các nhóm ngành, 60% cổ phiếu vượt kháng cự MA200 xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn, nhà đầu tư nâng cao cẩn trọng, không FOMO trong tuần tới.

Dòng tiền đột biến, VN-Index áp sát mốc 1.100 điểm

Sắc xanh ngập tràn, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một tuần giao dịch sôi động. VN-Index vượt cản 1.080 điểm (đường MA200), đạt 1.090 điểm và tiếp tục hướng về kháng cự tiếp theo 1.100 điểm.

Sau 2 tuần thanh khoản ổn định ở mức 54.000 tỷ đồng/tuần, thị trường đã thật sự bùng nổ trong tuần qua khi thanh khoản đạt mức 78.200 tỷ đồng, tăng 44,8% với với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu được trao tay tính trên cả HoSE, HNX và UPCOM.

Diễn biến giao dịch khối ngoại và tự doanh - Nguồn: FiinPro

Diễn biến giao dịch khối ngoại và tự doanh - Nguồn: FiinPro

Trái ngược với diễn biến chung, khối ngoại có tuần thứ 3 bán ròng liên tiếp với hơn 69 triệu cổ phiếu, tổng giá trị bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng. Top các cổ phiếu khối ngoại mua vào là FPT, VIC, SSI, KBC và BID. Ở chiều bán, các cổ phiếu được khối ngoại bán ròng là EIB, VPB, NVL, VRE và VNM. Đáng chú ý, VNM đã có tuần thứ ba liên tiếp bị khối ngoại bán ròng, NVL thì bị loại khỏi rổ ETF FTSE Russel Việt Nam.

Nguồn: FiinPro

Nguồn: FiinPro

Ở khối tự doanh mua ròng với giá trị 490 tỷ đồng. Top các cổ phiếu được tự doanh mua vào là CTG, VIC, MBB, MWG và VPB.

Khi khối ngoại bán ròng, lực mua tự doanh còn khiêm tốn thì nhà đầu tư cá nhân đã “cân cả thị trường”, với giá trị giao dịch lên đến hơn 135.000 tỷ đồng bao gồm cả giao dịch theo hình thức khớp lệnh và thỏa thuận. Top các cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân mua trong tuần qua tập trung vào nhóm chứng khoán với cổ phiếu VND, SSI; ngoài ra còn có EIB, STB và GEX.

Thị trường trái phiếu chuẩn bị bước vào tháng cao điểm đáo hạn

Theo báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 6 chính là tháng cao điểm đầu tiên của đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay. Cụ thể, sẽ có hơn 35 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó có gần 21 nghìn tỷ đồng đến từ các doanh nghiệp bất động sản.

Theo chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap, các doanh nghiệp bất động sản phải chịu một áp lực trả nợ cực kỳ lớn với con số đáo hạn trên. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thu nhập người dân bị ảnh hưởng, chi phí lãi vay tăng cao thì việc bán được hàng để có dòng tiền đáo hạn trái phiếu ngay là "nhiệm vụ bất khả thi".

Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng, hạ lãi suất điều hành thì việc tiếp cận các kênh tín dụng ngân hàng vẫn đang cực kỳ khó khăn. Nguyên nhân chính là tài sản của các doanh nghiệp bất động sản được đánh giá là rủi ro cao, thanh khoản thấp trong bối cảnh hiện tại. Cho nên việc tiếp cận vốn để tiến hành “đảo nợ” cũng là một việc cực kỳ khó khăn trong giai đoạn hiện tại. Chính vì vậy, áp lực đàm phán để hoãn nợ, giãn nợ là vấn đề mà các công ty bất động sản cần giải quyết trong tháng 6 để tránh rơi vào tình trạng “default”.

Nguồn: VBMA

Nguồn: VBMA

Tình hình vĩ mô vẫn còn nhiều bất ổn

Tuần qua, Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2023. Sau 5 tháng đầu năm, đã có nhiều tín hiệu lạc quan hơn của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ẩn sau sau những con số tích cực vẫn còn tiềm ẩn những mối lo mà các nhà quản lý kinh tế cần phải tính toán để đưa ra hành động điều hành chính sách vĩ mô phù hợp.

Điển hình, chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục tăng tính từ đầu năm, nhưng góp phần tăng trưởng chủ yếu là ngành sản xuất điện và nước. Còn những ngành chế biến chế tạo vẫn đang cho một bức tranh khá tiêu cực. Đó cũng là dẫn chứng giải thích cho việc có hơn 70.000 doanh nghiệp đóng cửa tính từ đầu năm.

Về xuất khẩu, tính trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu ròng 9,8 tỷ USD, bất chấp việc tổng kim ngạch hai chiều giảm mạnh. Đáng chú ý, trong số 9,8 tỷ USD xuất khẩu ròng, có đến hơn 70% đến từ các doanh nghiệp FDI. Sự chênh lệch về tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI tiếp tục khẳng định một thực trạng đáng lo ngại về tính kết nối trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn thì thị trường trong nước chính là nơi tiêu thụ chính của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong tháng 5, mặc dù có một kỳ nghỉ lễ kéo dài tuy nhiên tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ chỉ so với tháng trước chỉ đạt 1,47%, so với con số 3,84% của tháng 4 đã có sự sụt giảm đáng kể. Điều này là một tín hiệu báo động cho thấy sức cầu nội địa đang có dấu hiệu chững lại.

Điểm sáng từ dòng vốn FDI

Về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến tháng 5 vẫn tiếp tục đà giảm so với cùng kỳ năm ngoái, với mức giảm là 7,3%. Tuy nhiên, điểm tích cực là lượng vốn đăng ký mới vẫn tiếp tục đà tăng. Theo đó, tính đến hết tháng 5, có 962 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 5,26 tỷ USD, tăng 66,4% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27,8% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,43 tỷ USD, chiếm 84,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Vốn đầu tư từ nước ngoài tính đến tháng 5/2023. Nguồn: GSO

Vốn đầu tư từ nước ngoài tính đến tháng 5/2023. Nguồn: GSO

Nhìn ra thế giới, nước Mỹ đã đạt được thỏa thuận về trần nợ công mới. Thỏa thuận này giúp cho nước Mỹ thoát cảnh vỡ nợ và tạo dư địa để chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục thi hành những chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát trong năm nay và năm 2024.

Ngày 1/6, sau dự luật về trần nợ công mới của nước Mỹ được Hạ viện chính thức thông qua, thị trường chứng khoán toàn cầu đã bật tăng trở lại. Chỉ số vốn chủ sở hữu toàn cầu MSCI, chỉ số theo dõi cổ phiếu ở gần 50 quốc gia, đã tăng thêm 1,11%.

Chỉ số MSCI tăng 1.11% - Nguồn: Investing.com

Chỉ số MSCI tăng 1.11% - Nguồn: Investing.com

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 0,56% lên mức 33.093,93 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,81% lên mức 4.213,5 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,94% lên mức 13.056,35 điểm.

Trên thị trường hàng hóa, tuần qua đã chứng kiến một phiên giảm giá mạnh của than đá khi mức giảm đã lên tới hơn 18% từ mức 140,3 USD/tấn còn 130,15 USD/tấn. Nếu xét cả tháng 5, giá than đá đã giảm hơn 30%, tính từ mức 181 USD/tấn tính từ thời điểm đầu tháng 5.

Diễn biến giá than đá tính từ tháng 2/2023 - Nguồn: TradingEconomics

Diễn biến giá than đá tính từ tháng 2/2023 - Nguồn: TradingEconomics

Giá than giảm mạnh phần lớn là nhờ việc nhu cầu tiêu thụ điện năng tại châu Âu đã giảm, do khí hậu châu Âu đã qua mùa đông để chuyển sang giai đoạn khí hậu mát mẻ, nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ giảm mạnh. Tuy nhiên, theo chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap, việc giảm giá than chỉ diễn ra trong ngắn hạn vì giai đoạn khí hậu ôn hòa ở châu Âu sẽ nhanh chóng kết thúc khi bước sang tháng 7, khi đó nhu cầu tiêu thụ điện năng sẽ quay đầu tăng bởi khí hậu sẽ trở nên oi ức hơn. Lúc này, các nhà máy nhiệt điện ở châu Âu sẽ đẩy công suất cao trở lại khiến giá than tăng trở lại. Cho nên trong dài hạn, diễn biến giá than thế giới sẽ không có tác động đáng kể đến các doanh nghiệp sản xuất cần dùng than đá làm nguyên liệu đầu vào.

VN-Index xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn

Độ rộng thị trường. Nguồn: Market Watch VND

Độ rộng thị trường. Nguồn: Market Watch VND

Tuần qua, đã có hơn 60% cổ phiếu vượt kháng cự ở mốc MA200, cho thấy dòng tiền đã có sự lan tỏa đồng đều ở các nhóm ngành, xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi VN-Index chạm kháng cự 1.100 và lưu ý tín hiệu kỹ thuật RSI hiện tại đã chạm vùng quá mua.

Với khối lượng, giá trị giao dịch tăng đột biến, VN-Index xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn, mốc tiếp theo thị trường chinh phục là 1.100 điểm và xa hơn là đỉnh cũ ở mốc 1.117 điểm.

Sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành trước đó có tích lũy tốt đều bước vào xu thế tăng như nhóm phân đạm, ngân hàng và chứng khoán. Với xu hướng dòng tiền mạnh trở lại với sự lan tỏa đều ở các nhóm ngành, chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, tuần tới VN-Index sẽ tiếp tục có một tuần giao dịch sôi động với thanh khoản cao để hướng đến chinh phục các kháng cự mạnh ở mốc 1.100 và 1.120 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần kiềm chế sự hưng phấn bởi thị trường sẽ sẽ có những lực bán chốt lời mạnh khi chạm các mốc kháng cự này.

Nguồn: Fireant.vn

Nguồn: Fireant.vn

Cổ phiếu nhóm Penny đã có những phiên tăng giá ấn tượng, cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Đáng chú ý như cổ phiếu QCG đã có chuỗi tăng trần 5 phiên liên tục, xác lập mức tăng 50% từ vùng đáy.

Diễn biến dòng tiền ngành Nguồn: Market Watch - VND

Diễn biến dòng tiền ngành Nguồn: Market Watch - VND

Nhà đầu vẫn cần cẩn trọng

Dòng tiền lan tỏa đều ở các nhóm ngành, bất chấp việc nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tín hiệu kỹ thuật đã xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn của VN-Index tuy nhiên chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, thị trường vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng.

Khi các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn ở đầu ra sản phẩm, sức cầu trong nước đã có dấu hiệu chững lại, xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn do Mỹ và EU vẫn đang chìm trong khủng hoảng. Việc dòng tiền mạnh mẽ quay trở lại chứng khoán, đặc biệt là đến từ các nhà đầu tư cá nhân đang cho thấy một hiện lặp lại khá thú vị của giai đoạn uptrend của VN-Index thời điểm Covid-19 xảy ra.

Tuy nhiên, sự khác biệt của giai đoạn hiện tại là dòng tiền đến từ các nhà đầu tư “F0” mới sẽ không xuất hiện vì người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên sẽ không có lực đỡ thị trường dài như giai đoạn Covid-19. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần tránh hiện tượng FOMO, chú ý những mốc kháng cự 1.100 và 1.120 điểm để đưa ra quyết định giao dịch phù hợp.

Tuần tới sẽ là tuần làm việc cuối cùng của Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sẽ có nhiều dự luật, quyết định được thông qua. Đáng chú ý nhất là quyết định về việc giảm thuế VAT. Có nhiều ý kiến vẫn đang được Quốc hội thảo luận, về thời gian áp dụng, giới hạn ngành nghề áp dụng mức giảm thuế, tất cả sẽ được quyết định vào tuần tới.

Việc giảm VAT kỳ vọng sẽ kích thích được tổng cầu trong nước làm nền tảng cho tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm. Tất cả các ngành nghề nằm trong phạm vi giảm thuế VAT sẽ được hưởng lợi vì điều này sẽ kích thích tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Chính vì vậy, cần chú ý nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng trong tuần tới để tìm cơ hội.

Trương Thạch

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/goc-nhin-ttck-tuan-5-96-thi-truong-an-chua-rui-ro-nha-dau-tu-nen-can-trong-d191211.html