Góc nhìn văn hóa: Dân số Việt Nam 100 triệu người - Một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ
Dự báo trong tháng 4/2023, Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu, chính thức trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Giới chuyên gia nhận định, con số 100 triệu này vừa là cơ hội vừa là thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có những bước đi và chiến lược để tận dụng cơ hội phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Theo Tổng cục Thống kê: Việt Nam bước vào danh sách quốc gia thứ 3 trong 11 quốc gia Đông Nam Á và thứ 15 trong 195 quốc gia Liên Hợp Quốc có quy mô dân số đạt 100 triệu người.
Sự biến đổi trong quy mô dân số Việt Nam ghi nhận rõ nét nhất qua hai giai đoạn. Theo dòng thời gian, từ đầu những năm 1950, quy mô dân số Việt Nam chỉ khoảng 25 triệu người. Đến những năm 1970, quy mô tăng lên 50 triệu người.
Nguồn: Internet.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Với quy mô đạt 100 triệu người, Việt Nam mất 20 năm để dân số tăng lên gấp đôi, từ 25 triệu lên 50 triệu trong giai đoạn 1950-1970. Nhưng phải mất 50 năm để quy mô dân số tiếp tục tăng lên gấp đôi, từ 50 triệu lên 100 triệu trong giai đoạn từ sau những năm 1970 đến nay. Tốc độ tăng bình quân hàng năm khoảng 0,9%, tương đương hơn 900.000 người, trong khi giai đoạn 1999-2009, tốc độ tăng bình quân hàng năm là trên 1%.
Trong giai đoạn 2009-2019, dân số cao tuổi tăng từ 7,45 triệu lên 11,41 triệu, tương ứng với tăng từ 8,68% lên 11,86% tổng dân số. Dân số cao tuổi tăng thêm chiếm gần 40% tổng dân số tăng thêm.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số 2019, cả nước có hơn 6 triệu người di cư và đây là chỉ con số thống kê với những người có thời gian di cư dài và ổn định. Xu hướng di cư và cường độ di cư của người dân sẽ ngày càng tăng lên.
Luồng di cư chủ yếu của Việt Nam hiện nay là thành thị - thành thị. Tức là di chuyển của dân số giữa các khu vực thành thị là rất mạnh, chiếm gần 50% trong số các luồng di cư. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, số lượng người và loại hình di cư sẽ ngày càng tăng, đặc biệt đối với các loại hình di cư ngắn hạn.
Các chuyên gia cho rằng: Con số 100 triệu dân thể hiện quy mô dân số khá lớn so với các quốc gia trên thế giới cho Việt Nam 2 tiềm năng lớn. Thứ nhất là dân số của Việt Nam vẫn đang tiếp tục gia tăng tự nhiên, chưa bị rơi vào nguy cơ như một số quốc gia là dân số giảm. Thứ hai dân số tăng cao sẽ tạo ra các thế hệ trẻ tương lai, cơ cấu tuổi trẻ gia tăng khiến nguồn lực lao động cho xã hội tiếp tục được bổ sung. Điều này giúp làm chậm quá trình bị già hóa dân số và kéo dài thời kỳ dân số vàng của đất nước.
Gia tăng dân số dẫn đến di cư sôi động sẽ tạo ra sự tích tụ dân số với quy mô khác nhau tại mỗi vùng miền, địa phương. Nó cũng đặt ra những áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng xã hội, tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên cũng như đưa tới các vấn đề xã hội cần giải quyết như vấn đề nghèo đói đô thị, chất lượng cuộc sống của người di cư… Dân số gia tăng đặt áp lực lên các nguồn lực như đất đai, tài nguyên, môi trường ngày càng lớn và có thể dẫn đến nguy cơ quá tải áp lực dân số trên các nguồn lực. Nếu không kiểm soát tốt có thể khai thác quá mức giới hạn, gây hủy hoại tài nguyên, môi trường. .
Quy mô dân số đạt 100 triệu người là một dấu mốc quan trọng, mang đến cho Việt Nam nhiều lợi thế nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức. Quy mô dân số lớn đồng nghĩa với việc phải giải quyết số lượng lớn các nhu cầu phục vụ đời sống của người dân. Mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều có quy mô và đặc điểm dân số khác nhau.
Nâng cao chất lượng dân số là thách thức rất lớn. Một trong những thước đo của chất lượng dân số là chỉ số phát triển con người (HDI), đây được cho là thước đo tổng hợp và toàn diện nhất để phản ánh vấn đề về chất lượng dân số của một quốc gia. Hiện nay, chỉ số phát triển con người của Việt Nam là 0,726, thuộc vào nhóm các nước có trình độ phát triển con người ở mức cao trên thế giới. Tuy nhiên, đạt được thành tựu này phần nhiều là nhờ việc nâng cao sức khỏe, tuổi thọ của người dân, vẫn còn khá khiêm tốn trong các lĩnh vực như giáo dục, kinh tế, xã hội
Đạt mốc dân số 100 triệu người là một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ đối với Việt Nam, được coi là một dấu mốc giúp nâng cao vị thế của Việt Nam đối với bạn bè và đối tác quốc tế. Điều này cho thấy sự tăng trưởng dân số mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, việc có một dân số lớn cũng đặt ra nhiều thách thức và vấn đề phải được giải quyết. Việt Nam cần phải tăng cường các chính sách về kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ sinh con, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cũng như đảm bảo cơ sở hạ tầng phù hợp để đáp ứng nhu cầu của dân số đông đúc.
Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng cần đưa ra các chính sách kinh tế và xã hội nhằm phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề liên quan đến đô thị hóa, ô nhiễm môi trường và giảm nghèo.
Tóm lại, việc đạt mốc dân số 100 triệu người là một thành tựu quan trọng của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu các giải pháp khôn ngoan để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.