Góc nhìn: Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải vừa nâng cao khả năng quản lý và tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới. Việc sửa luật phải đáp ứng hai yêu cầu là vừa tăng cường khả năng quản lý nhà nước, vừa tạo động lực mới cho doanh nghiệp dùng sức mạnh của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, biến thành năng lực đổi mới sáng tạo. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của ĐBQH Tráng A Dương - Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) hiện hành đã đưa ra các nguyên tắc chung về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hợp tác quốc tế; đồng thời, các điều khác của Luật đã lồng ghép các quy định, cam kết về minh bạch hóa, hoạt động thông báo, hỏi đáp về quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp.
Tuy nhiên, các quy định này mới rừng ở mức độ cơ bản và phù hợp tại thời điểm năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO, khi quy mô hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất quốc tế chưa sâu rộng như hiện nay. Vì vậy, Luật TC&QCKT không còn hoàn toàn phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các cam kết mở hơn cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời, phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về tính công khai, minh bạch liên quan đến hoạt động xây dựng, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế, khu vực.
Với nghiên cứu này, tác giả phân tích, đánh giá và đưa ra một số giải pháp cho việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta hiện nay.
Việc sửa luật phải đáp ứng hai yêu cầu là vừa tăng cường khả năng quản lý nhà nước, vừa tạo động lực mới cho doanh nghiệp dùng sức mạnh của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, biến thành năng lực đổi mới sáng tạo. Nếu thiếu một trong hai nội dung trên thì sẽ không đạt được mục tiêu của việc sửa Luật.
Như vậy, các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng và bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, một số quy định liên quan đến việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong Luật TC&QCKT hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như ảnh hướng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (xây dựng Thông tư ban hành Quy chuẩn Việt Nam) và quy trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật tại Luật TC&QCKT hiện hành khiến các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh gặp khó khăn, bất cập khi xây dựng Quy chuẩn Việt Nam (QCVN), quy chuẩn địa phương (QCĐP) (phải thực hiện hai quy trình khác nhau). Thêm vào đó, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành chưa có quy định về đánh giá tác động khi xây dựng QCVN khiến một số QCVN sau khi ban hành không phù hợp khi áp dụng; chưa có quy định về trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp khẩn cấp vì an toàn, thiên tai, dịch bệnh.
Về tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), theo quy định pháp luật hiện hành thì tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện nay, TCCS được xây dựng và chỉ áp dụng trong giới hạn phạm vi hoạt động của tổ chức công bố TCCS, nên không phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước. Khi triển khai thực tế “quy định này đã làm phát sinh một số trường hợp lách luật khi cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, công bố TCCS (theo quy định pháp luật chỉ được áp dụng giới hạn trong phạm vi của cơ quan nhà nước đó, nhưng thực tế lại áp dụng cho các tổ chức, cá nhân liên quan trên phạm vi toàn quốc), gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh”.
Thêm vào đó, một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng TCCS lại mang tính chất đối phó, không nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất chất lượng của tổ chức, doanh nghiệp khi xây dựng TCCS; hiện nay thì quy định, cơ chế quản lý TCCS rất mở, tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần thông báo tiêu chuẩn áp dụng thông qua hình thức ghi số hiệu tiêu chuẩn hoặc các đặc tính cơ bản trên nhãn, bao gói sản phẩm hàng hóa, hoặc trong các tài liệu giao dịch liên quan. Với quy định như vậy thì trong công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc thống kê, cập nhật thông tin, số liệu về TCCS, gây khó khăn, hạn chế trong công tác hậu kiểm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm về chất lượng liên quan tới TCCS, ảnh hướng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Một nội dung nữa cần được xem xét trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT là các bộ, ngành xây dựng TCVN chủ yếu là dựa trên các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, sử dụng ngân sách nhà nước. Vì vậy, theo quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ, các bộ trưởng là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các TCVN, do đó, các bộ hoàn toàn có quyền trực tiếp xuất bản, phát hành các TCVN do các bộ trực tiếp xây dựng bằng ngân sách nhà nước. Việc xuất bản, phát hành các TCVN của các bộ, ngành còn gặp vướng mắc khi phải thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ (quy định tại Điều 21 Luật TC&QCKT hiện hành); Tình trạng này tạo ra khó khăn trong việc áp dụng và phổ biến các TCVN của các bộ, ngành.
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn đô lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, qua rà soát, có 5 trong tổng số 104 Luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật TC&QCKT, bao gồm: (1) Luật Khoa học và công nghệ, (2) Luật Dự trữ quốc gia, (3) Luật an toàn thực phẩm, (4) Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, (5) Luật Phòng cháy và chữa cháy. Nội dung vướng mắc tập trung vào bảy vấn đề: trình tự thủ tục thẩm định ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến đối tượng, nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn, công bố sản phẩm, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy cho sản phẩm, quyền xuất bản, phát hành đối với tiêu chuẩn quốc gia, các khái niệm, thuật ngữ về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hoạt động của tổ chức chứng nhận sự phù hợp, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp.
Về hình thức công bố hợp quy theo Luật TC&QCKT hiện hành có 2 hình thức công bố hợp quy: (1) Căn cứ Điều 48. Công bố hợp quy; Điều 49. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp quy; (2) Căn cứ thủ tục tự công bố sản phẩm tại Điều 6,7,8 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì cần xem xét, thống nhất hình thức công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm có phù hợp với các quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuân kỹ thuật.
Luật TC&QCKT hiện hành chưa có quy định rõ nội dung và ngưỡng giới hạn của quy chuẩn kỹ thuật địa phương so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (đối với cùng một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình được giao quyền tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hay văn bản quy phạm pháp luật liên quan).
Trong quản lý của một số ngành vẫn còn một số sản phẩm hiện nay chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã gây khó khăn trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm cụ thể như: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm chế độ ăn đặc biệt, chất hỗ trợ chế biến...
Nhiều tỉnh trong cả nước hiện chưa có phòng thử nghiệm có đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của một số sản phẩm, hàng hóa.
Đối với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa quy định cụ thể về hoạt động truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, cần bổ sung quy định "Quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa" nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay về truy xuất nguồn gốc và mang lại các hiệu quả thiết thực; đồng thời, giải quyết những khó khăn, bất cập trong thời gian vừa qua như việc hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc của Việt Nam chưa đầy đủ và thống nhất; tem truy xuất nguồn gốc áp dụng trên các sản phẩm hiện nay chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức; các hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện tại mang tính khép kín, không có khả năng tương tác, liên kết, chia sẻ và trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác.
Để tháo gỡ vướng mắc cho việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT, trước hết cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Xây dựng chính sách tiêu chuẩn hóa quốc gia trên cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết trong FTA thế hệ mới đã ký kết, nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu. Chủ động rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Có cơ chế thích hợp thúc đẩy xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, thực tiễn sản xuất kinh doanh tại Việt Nam nhằm phát huy hết khả năng, tiềm lực của doanh nghiệp.
Tăng cường cơ chế phối hợp, cộng tác hiệu quả giữa các bộ ngành liên quan, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động xây dựng TCVN, tạo cơ chế thông thoáng nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp trực tiếp xây dựng TCVN, hướng hệ thống TCVN gắn kết hữu cơ hơn với nền kinh tế thị trường, đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi khách quan từ thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ưu tiên xây dựng các nhóm tiêu chuẩn cốt lõi về cơ khí chế tạo, vật liệu công nghiệp, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, đô thị thông minh, an ninh thông tin, nông sản chủ lực, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng, hệ thống quản lý tiên tiến…; từng bước tăng cường, nâng cao yêu cầu quản lý, chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu kiểm soát ô nhiễm môi trường theo hướng tiếp cận chuẩn mực quốc tế, khu vực, có tính đến năng lực sản xuất kinh doanh trong nước và điều kiện phát triển kinh tế xã hội vùng miền.
Đổi mới quy trình xây dựng, thẩm định, công bố TCVN; Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT, tăng cường áp dụng các công cụ, giải pháp CNTT vào hoạt động ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, bảo vệ bản quyền tiêu chuẩn, xuất bản phát hành TCVN; Tham gia hiệu quả và thực chất hơn vào hợp tác đa phương, khu vực, song phương (ISO, IEC, ITU, Codex, APEC, ASEAN, PASC…); Tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia trẻ về tiêu chuẩn hóa để chuẩn bị lực lượng kế cận tại các ban kỹ thuật TCVN.
Thứ nhất: Khoản 2, Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 7 của Luật hiện hành có sửa đổi: “2. Đảm bảo kinh phí cho các cơ quan, tổ chức của nhà nước tham gia các hoạt động hợp tác, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đào tạo phục vụ hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật”. Việc quy định như vậy chưa đảm bảo theo định hướng tại khoản 4, khoản 7 của Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư: “4. Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác tiêu chuẩn,đo lường, chất lượng trong tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ tương xứng với vị trí, vai trò.”; “7… Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát thực hiện Chỉ thị; bảo đảm ngân sách nhà nước cho việc phát triển và nâng cao hiệu quả công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng”.
Thứ hai: Điều 8c, khoản 3 Dự thảo Luật “Tổ chức công bố tiêu chuẩn cơ sở có trách nhiệm thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…, nội dung thông báo gồn tên, số hiệu, đặc tính cơ bản của tiêu chuẩn đó”. Tuy nhiên, theo nghiên cứu không có định nghĩa về “đặc tính cơ bản của tiêu chuẩn”. Vì vậy, rất khó khi thực thi, dễ làm phát sinh thủ tục hành chính mới, không phù hợp với thông lệ quốc tế và không mang lại lợi ích thực tiễn.
Thứ ba: Đối với các QCVN còn có nhiều bất cập và là rào cản lớn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế- xã hội, tuy nhiên vì quy chuẩn là bắt buộc áp dụng, mà thời gian sửa đổi đúng quy trình sẽ mất hàng năm, do đó cần có quy định mở trong luật để cơ quan ban hành tạm ngừng áp dụng một phần hay toàn bộ quy chuẩn trong thời gian chờ sửa đổi. Vì vậy việc bổ sung khoản mở là khoản 4 vào Điều 35:4. Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật có bất cập lớn, cần phải sửa đổi, nếu cần thiết, cơ quan ban hành quy chuẩn có thể ra quyết định tạm ngừng áp dụng một phần hoặc toàn bộ quy chuẩn đó trong thời gian tiến hành sửa đổi quy chuẩn.
Thứ tư: Kiến nghị bãi bỏ quy chuẩn kỹ thuật và chứng nhận hợp quy, với lý do: Việc chứng nhận hợp quy hiện nay theo Điều 48, 49 Luật hiện hành không quyết liệt, làm nửa vời; không bắt buộc ghi nhãn và không có mối liên kết giữa kết quả chứng nhận hợp quy với danh mục lưu hành.
Thứ năm: Thành lập hệ thống Tiêu chuẩn Quốc gia, Tiêu chuẩn hiệp hội và Tiêu chuẩn cơ sở, việc chấp nhận các tiêu chí này là căn cứ để đánh giá sự phù hợp.
Thứ sáu: Cho phép thành lập Hội chuyên gia đánh giá sự phù hợp hoặc tương đương để giúp cơ quan Nhà nước, giúp xã hội giám sát chất lượng chuyên gia đánh giá sự phù hợp.
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và khu vực về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia như Hiệp định WTO, CPTPP, EVFTA, APEC, ASEAN... nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định chưa hoàn chỉnh, chồng chéo và các khoảng trống pháp lý đang tồn tại trong thực tiễn triển khai Luật TC&QCKT.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT với mục tiêu thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế và nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật TC&QCKT, cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật TC&QCKT./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Nam: “Vai trò của tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đối với sự phát triển kinh tế – xã hội”.
Minh Thiện: "Hơi thở thực tiễn" vào dự thảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Thu Phương: “Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật: Tạo động lực mới cho hội nhập quốc tế”.
Nguyễn Trung Thực: “Tránh nhầm lẫn giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn”.
Nguyễn Thị Mai Hương: “Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=88726