Lắng nghe và thấu hiểu doanh nghiệp: 'Thước đo' sự hài lòng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2024 đến nay, có 27/28 kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tỉnh đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, đến giữa tháng 10/2024, toàn tỉnh Kon Tum có gần 4.400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có hơn 2.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Hoạt động của các doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Tỉnh Kon Tum cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, trao đổi để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các doanh nghiệp, nhờ đó sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Dấu ấn từ kinh tế tư nhân
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực như tốc độ tăng trưởng đạt 7,34%, đứng thứ 27/63 tỉnh thành và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên; tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ.
Ngành du lịch của tỉnh tiếp tục khởi sắc, thu hút được hơn 1,8 triệu lượt khách, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh thu hút được 16 dự án đầu tư, thành lập mới 226 doanh nghiệp...
"Để đạt được kết quả đó, có sự đóng góp vô cùng to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Kon Tum. Ủy ban Nhân dân tỉnh ghi nhận, trân trọng cảm ơn và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của tỉnh nhà trong thời gian qua," ông Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Một trong những dấu ấn lớn nhất mà kinh tế tư nhân mang lại cho tỉnh Kon Tum là phát triển du lịch. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, 9 tháng năm 2024, tỉnh đã thu hút được xấp xỉ 2 triệu lượt khách, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2023, mang lại khoản doanh thu 598 tỷ đồng. Đây được xem là con số khá ấn tượng, bởi năm 2023, phải đến cuối năm, tỉnh Kon Tum mới đón du khách thứ 1 triệu.
Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, nhận định bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch, vai trò của các công ty dịch vụ, du lịch, lữ hành cũng rất quan trọng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã xây dựng các tour, tuyến, xây dựng các hành trình, giúp du khách có cái nhìn tổng quan về điểm đến Kon Tum và tạo được thiện cảm đối với khách du lịch.
Đơn cử, Công ty Du lịch Quốc tế Hải Vân Kon Tum đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các điểm tham quan ở Khu Du lịch sinh thái Măng Đen hay Ngã ba Đông Dương, thu hút được sự quan tâm lớn của du khách trong và ngoài tỉnh.
"Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng thường xuyên đưa ra những kiến nghị, đề xuất giúp ích cho tỉnh như việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; khai thác sâu các văn hóa bản địa, du lịch sinh thái để tạo ra sự khác biệt và thu hút khách quốc tế; phát triển du lịch xanh, bền vững… Đó đều là những kiến nghị cụ thể, có vai trò quan trọng để Sở tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai thực hiện, qua đó, giúp du khách biết và đến với Kon Tum ngày một nhiều hơn," bà Bạch Thị Mân nói.
Luôn lắng nghe và thấu hiểu
Cho đến nay, định kỳ mỗi tháng một lần, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức Chương trình Càphê doanh nghiệp-doanh nhân. Cùng với đó, tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh định kỳ 2 lần/năm nhằm tạo không gian gặp gỡ, đối thoại cởi mở, thân thiện giữa chính quyền tỉnh Kon Tum với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân,qua đó, nắm bắt kịp thời, tham mưu những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ông Huỳnh Mười, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, có 28 kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; trong đó có 27 kiến nghị đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết, một kiến nghị đang được nghiên cứu giải quyết theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Ông Nghiêm Đức Thuần, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản VINA Kon Tum, cho biết từ đầu năm đến nay, đơn vị đã đưa ra hai kiến nghị, đề xuất để các cấp, các ngành của tỉnh hỗ trợ tháo gỡ liên quan đến các thủ tục hoàn thuế và vấn đề trạm cân nông sản.
"Tôi thấy việc gặp gỡ, đối thoại hay chương trình Càphê doanh nhân-doanh nghiệp rất thiết thực, giúp các doanh nghiệp giải tỏa được các thắc mắc để yên tâm sản xuất. Chúng tôi đưa ra các kiến nghị và bây giờ thì các thủ tục hoàn thuế đã nhanh hơn so với các năm trước; việc quy hoạch, phân bổ các trạm cân nông sản cũng đã có chuyển biến tích cực, qua đó, góp phần ổn định sản xuất. Chín tháng năm nay, công ty đã sản xuất được trên 40.000 tấn nông sản, doanh thu đạt khoảng 400 tỷ đồng," ông Nghiêm Đức Thuần chia sẻ.
Bên cạnh việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chương trình Càphê doanh nghiệp-doanh nhân còn là điểm đến cho các doanh nghiệp được giao lưu, quảng bá các sản phẩm của doanh nghiệp được giao lưu, quảng bá các sản phẩm của doanh nghiệp nhằm tạo kênh thông tin lan tỏa, quảng bá sản phẩm đặc trưng đến chính quyền và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là nơi để các doanh nghiệp trao đổi, góp ý nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Đoàn Quốc Anh Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo Kon Tum, cho biết tại các Chương trình Càphê doanh nghiệp-doanh nhân, các sản phẩm của Hợp tác xã đã được giới thiệu, quảng bá, qua đó, nhận được sự góp ý của các thành viên Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng như các doanh nghiệp.
"Sau khi nhận được sự hỗ trợ của chương trình đối thoại doanh nghiệp và Càphê doanh nghiệp-doanh nhân, Hợp tác xã được hỗ trợ quảng bá sản phẩm bằng cách trình chiếu giới thiệu sản phẩm, gian hàng trưng bày sản phẩm trong các chương trình, từ đó, sản phẩm được nhiều người biết đến, doanh thu của Hợp tác xã đã tăng từ 15-20% so với lúc chưa nhận được hỗ trợ của các chương trình," ông Khôi chia sẻ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn nêu rõ các cấp chính quyền trong tỉnh sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, phát triển; tiếp tục quyết liệt cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư cạnh tranh, bình đẳng, thông thoáng, hấp dẫn, minh bạch.
"Với sự quan tâm của tỉnh, sự hỗ trợ của các Hiệp hội, Hội Doanh nghiệp; sự nỗ lực, đoàn kết, trí tuệ của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh, tôi tin tưởng rằng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Kon Tum sẽ phát huy những thành tích đã đạt được, vượt qua khó khăn, thử thách, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển xanh, nhanh và bền vững," ông Lê Ngọc Tuấn khẳng định./.