Góc nhỏ của những trang sách

Hạt mầm yêu sách không nảy lên từ những lời giảng dạy, mà từ những lần được cùng nhau chạm vào trang giấy rồi cùng cười vang, hồi hộp, tưởng tượng theo từng con chữ, từng hình ảnh. Là những lần thở nhẹ ra sau một đoạn kết, để lại trong lòng con trẻ một chút bâng khuâng, một điều gì đó chưa gọi thành tên.

Cậu bé chưa đầy 2 tuổi của chị đã thuộc làu những hình ảnh, con số trong mấy cuốn sách giấy, sách vải đầu đời. Con chưa biết đọc, nói cũng chưa rõ nhưng cứ mở trang nào là chỉ đúng hình con mèo, con voi, hay chú chuột cụt đuôi… một cách hào hứng. Mỗi lần như vậy, con quay sang chờ mẹ gật đầu, rồi reo lên khi được vỗ tay khen ngợi. Những con vật, con số trong sách không nhấp nháy, không phát nhạc vẫn khiến con cười tít mắt, như thể vừa nhận được món quà.

Chị nhìn sang cậu con trai lớn 10 tuổi cái tuổi bắt đầu mê mẩn với những đoạn video đầy hấp dẫn trên điện thoại, nhưng hôm nay lại ôm sách đến ngồi cạnh mẹ. Những điều giản dị vậy thôi nhưng khiến lòng chị xao xuyến.

Nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ. (ảnh minh họa)

Nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ. (ảnh minh họa)

Chị không nghĩ điều ấy lại đến một cách dễ dàng đến vậy. Đã có lúc chị buông xuôi, khi mọi nỗ lực rủ con đọc sách đều thua trước một chiếc màn hình biết nhảy, biết hát, biết kể chuyện bằng giọng nói “thông minh” và hình ảnh sống động. Nhưng rồi, thay vì cấm đoán, chị chọn một cách khác: mở ra một thế giới mới, nơi sách không chỉ để đọc, mà để chạm tới sự thích thú và sự tò mò của con.

Chị bắt đầu bằng những điều nhỏ thôi. Một chiều chủ nhật rảnh rỗi, hai mẹ con cùng dán tường bằng giấy họa tiết hình mây, trang trí thêm những dây đèn nhỏ như những ngôi sao nhỏ xíu. Kệ sách được đặt vừa tầm tay con. Những cuốn truyện tranh, sách hình, sách khám phá vũ trụ, thế giới động vật… được sắp xếp như một kho báu nhỏ, dành riêng cho con.

Và quan trọng nhất, chị bắt đầu đọc cùng con mỗi ngày. Bằng giọng kể chậm rãi, bằng ánh mắt háo hức, như thể chính chị cũng là một đứa trẻ đang lạc vào thế giới kỳ diệu trong từng trang sách. Lúc đầu, con vẫn ngoái đầu tìm chiếc điện thoại quen thuộc. Nhưng dần dần, ánh mắt con đã dừng lại nơi những bức tranh minh họa. Rồi những câu hỏi bắt đầu vang lên:

- “Thiên hà là gì vậy mẹ?”

- “Câu này có nghĩa là sao hở mẹ?”

Chị mỉm cười. Chị hiểu, con đang bước chân vào một thế giới rộng lớn, thế giới của kiến thức, sự tò mò của những điều kỳ diệu trong vũ trụ, lịch sử, tự nhiên và cả những bài học dịu dàng về lòng tốt, về yêu thương.

Giữa một thời đại mà chỉ cần một cú chạm là có thể tiếp cận mọi thứ, sách vẫn giữ cho mình một không gian riêng lặng lẽ, yên tĩnh và bền bỉ. Với trẻ nhỏ, sách không chỉ là công cụ dạy chữ. Sách là người bạn đầu tiên mở ra thế giới bằng ngôn từ. Là cây cầu đưa con từ thấy đến nghĩ, từ cảm xúc đến trí tưởng tượng. Là mảnh đất nơi con học cách đặt câu hỏi, biết chờ đợi câu trả lời và lắng nghe cả những điều không phát ra thành tiếng.

Chị không mong con trở thành mọt sách. Chị chỉ mong, khi con lớn lên giữa muôn vàn lựa chọn, con vẫn giữ được một thói quen: Mở một trang sách và tìm thấy chính mình trong đó.

Nuôi dưỡng tình yêu sách cho con, suy cho cùng, không cần nhiều tiền. Chỉ cần thời gian. Không cần một giá sách lớn, chỉ cần một góc nhỏ đủ yên. Không cần lời giảng dạy to tát, chỉ cần một giọng kể dịu dàng, đều đặn mỗi tối. Mỗi câu chuyện kể, một giấc mơ nhỏ bé nhưng đủ sức nuôi dưỡng tâm hồn con từng ngày, từng tháng, trong một góc nhỏ đơn sơ của gia đình.

CÁT TƯỜNG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/goc-nho-cua-nhung-trang-sach-130403.html