Bàn chân bẹt: Chữa sai, hại con

Bàn chân bẹt là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi do ở độ tuổi này lớp mỡ lòng bàn chân chưa tiêu hết, dáng đi còn đang hoàn thiện, việc đánh giá và can thiệp quá sớm có thể phản tác dụng.

Không ít phụ huynh đã vội vàng cho con đi can thiệp khi chưa cần thiết, hoặc sử dụng những sản phẩm điều trị trôi nổi trên mạng mà không qua thăm khám y khoa. Và hậu quả có thể để lại lâu dài.

Một bé trai mới hơn 5 tuổi có dáng đi hơi bất thường, lo lắng cho con nên gia đình đưa bé đi khám. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị bàn chân bẹt và có ảnh hưởng nhẹ đến dáng đi của bé.

Còn một bệnh nhân 50 tuổi cũng vô tình phát hiện bàn chân bẹt khi đi khám xương khớp, tuy nhiên, bàn chân bẹt không ảnh hưởng gì đến vận động nên bệnh nhân cũng không phát hiện và cũng không điều cần điều trị. Các bác sĩ khuyến cáo, không phải ai có bàn chân bẹt cũng phải điều trị.

TS.BS Trình Quang Dũng, nguyên Trưởng khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: “Các bác sĩ phải khám và đánh giá xem nguyên nhân do vấn đề về xương, về khớp, về cơ, về thần kinh thì mới đưa ra được nhận định chứ không phải chỉ quan sát qua các dấu hiệu bên ngoài. Phải có một cái nhìn một cách đầy đủ, tổng thể và đánh giá chức năng thì mới đưa ra được kết luận những dấu hiệu đó là bình thường hay bất thường và có cần phải can thiệp không".

Các bác sĩ cho biết, bàn chân bẹt là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Ở độ tuổi này, lớp mỡ lòng bàn chân chưa tiêu hết, dáng đi còn đang hoàn thiện, việc đánh giá và can thiệp quá sớm có thể phản tác dụng.

TS.BS Trình Quang Dũng cho biết thêm: “Dựa trên các nghiên cứu đã được công bố trên thế giới của Mỹ, của Anh, của Pháp, của Canada, của Úc, của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam thì đều khuyến cáo là nên cho trẻ đi khám ở sau 6 tuổi nếu xuất hiện những vấn đề mà đáng lo ngại về bàn chân bẹt. Trong các nghiên cứu đã được công bố thì chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ là từ 3-5% là cần phải can thiệp".

Nhiều phụ huynh nghe quảng cáo trên mạng tự ý mua giày và đế chỉnh hình về cho đi là sai. Giày và đế phải được thiết kế riêng cho từng bàn chân, theo chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh nên theo dõi con, nếu qua 6 tuổi, trẻ vẫn có biểu hiện đi khập khiễng, mỏi chân sớm, hay đau cổ chân thì mới cần khám chuyên khoa. Và khi đó, trị liệu chủ yếu vẫn là các bài tập vận động, chứ không phải phụ thuộc vào đế chỉnh hình.

Các bác sĩ khuyến cáo, lo lắng cho con là đúng. Nhưng trong hành trình lớn lên của trẻ, hãy để y học đồng hành đúng cách. Vì không phải điều gì cũng cần can thiệp và đôi khi, điều tốt nhất lại là: để tự nhiên và quan sát cẩn trọng.

Bàn chân bẹt là tật dị dạng do lòng bàn chân không có hình vòm như bình thường, cung dọc của bàn chân bị sụp xuống, toàn bộ gan chân tiếp xúc với mặt đất. Khi đi bàn chân có xu hướng áp sát vào bên trong hoặc bên ngoài, do bàn chân bị mất cân bằng.

Trong y học, bàn chân bẹt là một tật gây nhiều bất lợi cho hệ vận động, khiến bệnh nhân phải hứng chịu những cơn đau kéo dài. Điều này trái ngược hoàn toàn với quan niệm dân gian, rằng bàn chân phẳng, bẹt là tượng trưng của quý tướng, giàu sang.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ban-chan-bt-chua-sai-hai-con-333462.htm