Góc tối trên thị trường kính mắt thế giới
Các loại kính giả, kính kém chất lượng tràn ngập thị trường là vấn đề mà nhiều nước đang phải đối mặt. Nhưng ít ai ngờ rằng người tiêu dùng còn bị 'trấn lột' bởi chính các loại kính mắt thật. Những tập đoàn kính mắt thế giới đang kiếm hàng tỷ USD mỗi năm qua những hành vi kinh doanh thiếu đạo đức. Tại sao họ có thể làm việc này một cách công khai đến vậy?
Quy về một mối
Bất kỳ khách hàng nào bước vào một cửa hàng kính mắt cũng sẽ có cảm giác choáng ngợp. Khách bị “bủa vây” bởi hàng chục thương hiệu khác nhau như Ray-Ban, Chanel, Vogue, Oakley, Burberry, Raph Lauren,… cái tên nào nghe cũng sang trọng cả. Họ không biết rằng cái sự choáng ngợp đó thực chất nhằm “che mắt” mình.
Giá bán của một chiếc gọng kính cao cấp ở Mỹ vào khoảng 400-500 USD. Điều gì khiến cho chiếc gọng kính này đắt giá hơn một mẫu khác có giá trị chỉ 40-50 USD? Không có gì cả. Ngoài kiểu dáng khác nhau, giá trị sản xuất của cả hai sản phẩm trung bình chỉ khoảng 25-35 USD. Các thương hiệu kính mắt có thể làm lợi từ 2 đến 20 lần giá trị của mỗi chiếc gọng kính họ bán ra. Khó thấy loại hàng hóa nào bị đội giá cao đến mức như vậy.
Giáo sư Tim Wu tại trường Đại học Colombia (Mỹ) giải thích về hiện tượng nói trên trong cuốn sách “The Master Switch”: “80% các thương hiệu kính mắt trên thế giới do tập đoàn Luxottica của Ý sở hữu. Bề ngoài thì những thương hiệu như Ray-Ban, Oakley, Persol, Oliver People, Arnettes… bề ngoài là đối thủ cạnh tranh của nhau, nhưng thực chất tất cả đều nằm dưới sự giật dây của Luxottica. Luxottica đã đổ không biết bao nhiêu tiền vào quảng cáo để khách hàng không nhận ra điều này. Một số ngành như điện tử liên tục cải tiến để sản xuất ra những sản phẩm ưu việt hơn với giá thành rẻ hơn. Nhưng kính mắt thì khác, kể từ khi Luxottica giành được thế độc tôn trên thị trường, công nghệ kính mắt không thay đổi gì nhiều trong khi giá thành vẫn được giữ ở mức rất cao”.
Quyền lực của Luxottica đối với ngành kính mắt khó đo đếm hết. Khi Google mới cho ra mắt sản phẩm kính mắt thông minh Google Glass của mình, hầu hết các bộ phận của kính họ đều phải mua từ Luxottica. Không biết vì lý do gì mà nhà sáng lập Luxittica Leonardo Del Vecchio đăng dòng tweet chê Google Glass là lỗi thời và “bị lạc ở thập niên 1970”. Chỉ vài ngày sau khi dòng tweet được đăng tải, Google đã phải đối mặt với một “cơn bão” PR. Mặc dù họ đã rất cố gắng cải thiện hình ảnh của Google Glass, sản phẩm này vẫn trở thành “hàng ế” rồi bị rút khỏi thị trường.
Hầu hết các nhà quan sát cho rằng đã đến lúc phải phá bỏ thế độc quyền của Luxottica để cải thiện tính cạnh tranh của thị trường. Nói thì dễ hơn làm, nhất là sau khi Luxottica mua lại Essilor, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ. Hiện tập đoàn EssilorLuxottica đang sở hữu ¼ doanh số kính mắt hàng năm trên toàn thế giới. Luxottica đã và đang gây sức ép lên chính phủ nhiều nước để buộc họ phải cho phép tập đoàn này được thống trị thị trường.
Giáo sư Tim Wu giải thích: “Vụ sát nhập giữa Luxottica và Essilor là trường hợp vi phạm luật chống độc quyền điển hình, nhưng cả EU và Trung Quốc đều chấp thuận thương vụ. Lý do đơn giản là vì quyền lực của hai công ty. Essilor/Luxottica nằm trong số 50 công ty lớn nhất Châu Âu”.
Không phải lần đầu
Trước khi Luxottica trở thành “tay chơi” tầm quốc tế, vụ scandal đình đám nhất trong ngành kính mắt có liên quan đến Tập đoàn Bausch&Lomb (Canada). Họ là công ty đầu tiên trên thế giới bán kính áp tròng mềm, và nhờ vậy mà chiếm lĩnh được thị phần vượt qua các đối thủ cạnh tranh. Từng có thời điểm Bausch&Lomb là công ty có doanh thu lớn nhất Canada.
Tất cả mọi chuyện sụp đổ sau khi Đài truyền hình CBS (Mỹ) tiến hành một cuộc điều tra. Bausch & Lomb khi đó vừa mới ra mắt dòng sản phẩm kính áp tròng dùng một lần. Sản phẩm này chỉ dùng được trong đúng một ngày, sau đó người dùng phải bỏ kính ra vứt đi. CBS gửi một cặp kính áp tròng dùng một lần đi xét nghiệm khoa học, đồng thời so sánh nó với sản phẩm kính áp tròng dùng nhiều lần Optima F.W. cũng của Bausch & Lomb.
Kết quả khiến ai cũng sững sờ: Cả hai loại kính có thành phần giống hệt nhau, trong khi kính áp tròng dùng một lần bán với giá 3 USD còn kính Optima F.W. giá bán 70 USD. Chưa hết, người đeo kính áp tròng dùng nhiều lần còn phải mua nước rửa kính và thuốc nhỏ mắt có chi phí rất cao. Theo kết quả điều tra của CBS, nước rửa kính và thuốc nhỏ mắt được Bausch & Lomb bán không khác gì những sản phẩm tương tự ở hàng thuốc có giá chỉ bằng 1/3.
Không lâu sau khi vụ gian lận được phát hiện, hàng nghìn khách hàng Mỹ và Canada kiện Bausch & Lomb ra tòa. Vụ kiện kéo dài nhiều năm liền cho dù bằng chứng đã rõ ràng. Phải đến tận năm 1996, Bausch & Lomb mới chịu bồi thường tất cả 68 triệu USD cho những khách hàng đã “mắc bẫy”.
Từ Bausch & Lomb đến Luxottica, thị trường kính mắt thế giới vẫn là “điểm nóng” cho những hành vi kinh doanh mờ ám, thiếu đạo đức. Giáo sư Tim Wu nhận xét: “Kính là loại mặt hàng lừa đảo hoàn hảo vì giá thành khá thấp, khách hàng buộc phải sử dụng nhưng chẳng mấy người thật sự hiểu về sản phẩm. Trong bối cảnh này, cách duy nhất là chính quyền, báo chí và các tổ chức trọng tài quốc tế phải vào cuộc, sử dụng quyền lực của mình để buộc những tập đoàn mắt kính tuân thủ luật pháp và đạo đức kinh doanh”.