Gói 120.000 tỷ: Doanh nghiệp than khó vay, ngân hàng phân trần mòn mỏi tìm khách
Chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho biết tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ không dễ dàng trong khi ngân hàng lại khẳng định mòn mỏi tìm khách vay, thậm chí đã ký hợp đồng tín dụng nhưng doanh nghiệp vẫn 'không thèm' giải ngân.
Gói 120.000 tỷ giải ngân chậm, doanh nghiệp than khó
Tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư diễn ra sáng nay (12/3), NHNN cho biết, tính đến nay, mới 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình 120.000 tỷ với 68 dự án.
Trong đó, một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là: Hà Nội (6 dự án), Thành phố Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)...Trong số 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn. Các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng ; trong đó, có 10 dự án có nhu cầu giải ngân bao gồm: 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng và đã được giải ngân 640 tỷ đồng; cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.
Cụ thể, Ngân hàng BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng. Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 1 dự án với số tiền là 0,4 tỷ đồng. Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng.
Giải ngân gói 120.000 tỷ đồng còn khiêm tốn, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là do các địa phương thiếu nguồn đất sạch, thủ tục vay vốn ngân hàng quá lâu.
Đại diện Công ty cổ phần Đức Mạnh tại Đà Nẵng cũng cho rằng, thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc. Lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ đồng còn cao (không thấp hơn lãi suất bình thường trên thị trường).
Về lãi suất, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lan Hưng - doanh nghiệp chuyên làm dự án nhà ở xã hội lại kiến nghị, có thể nhích lãi suất cho vay với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án lên 9-9,5%/năm nhưng giảm lãi suất cho vay với người dân xuống 6%/năm để hỗ trợ người mua nhà. Vì lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ hiện nay vẫn còn cao so với thu nhập và khả năng trả nợ của các đối tượng mua nhà ở xã hội. Cũng theo ông Toàn, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp, cần đơn giản hóa hơn.
Ngân hàng kể khổ vì doanh nghiệp không thèm giải ngân vốn
Trong khi doanh nghiệp than khó tiếp cận vốn thì nhiều ngân hàng thương mại lại khẳng định đang mòn mỏi tìm khách hàng. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với khách hàng với hạn mức tín dụng khá lớn, song khách hàng vẫn chưa thèm giải ngân.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, tính từ đầu năm đến nay, tín dụng của BIDV vẫn âm hơn 1%, ngân hàng đang “đỏ mắt tìm khách hàng”.
Riêng với gói 120.000 tỷ đồng, BIDV đã tiếp cận 8 dự án, phê duyệt phê duyệt 4 dự án với tổng dư nợ gần 1.000 tỷ đồng song đến nay mới giải ngân hơn 96 tỷ đồng, nguyên nhân là các doanh nghiệp muốn thực hiện dự án bằng vốn tự có trước, chưa muốn dùng đến vốn vay ngân hàng.
Tương tự, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, BIDV đã ký kết hợp đồng tín dụng với 8 dự án nhà ở xã hội, cam kết cho vay 2.500 tỷ và đã giải ngân 400 tỷ. Hiện ngân hàng đang tiếp cận 5 dự án mới với tổng số tiền khách hàng vay khoảng 2.000 tỷ.
Theo bà Bình, một trong các nguyên nhân khiến gói 120.000 tỷ giải ngân chậm là nhiều dự án gặp vướng mắc về pháp lý, đối tượng mua nhà ở xã hội quá hẹp.
Đây cũng là tình trạng gặp phải tại nhiều ngân hàng, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Đơn cử, BIDV từng rót vốn cho Tập đoàn Lan Hưng thực hiện một dự án nhà ở xã hội ở Thuận Thành (Bắc Ninh), song dự án thực hiện xong không bán được vì Sở Xây dựng chỉ cho phép công nhân tại huyện Thuận Thành được mua. Cuối cùng, hàng trăm hồ sơ đăng ký mua không được chấp thuận trong khi chủ đầu tư buộc phải xin ngân hàng cơ cấu nợ nhiều lần vì nhà không bán được.
Đại diện BIDV mong mỏi Bộ Xây dựng và các bộ ngành, địa phương tháo gỡ thủ tục pháp lý về dự án cho doanh nghiệp, mở rộng đối tượng thuê mua nhà ở xã hộ để ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm đầu tư vốn.
Liên quan đến đề xuất của doanh nghiệp về việc giảm thêm lãi suất, các ngân hàng thương mại cho biết, nguồn vốn để duy trì gói 120.000 tỷ hiện nay là nguồn lực của chính các ngân hàng thương mại, không phải vốn hỗ trợ từ ngân sách. Trong bối cảnh xu hướng lãi suất chưa rõ ràng, kéo dài thời gian ưu đãi lãi suất lên 5 năm sẽ rủi ro cho ngân hàng. Do đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu cơ chế hỗ trợ lãi suất hoặc chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất 2% (40.000 tỷ đồng) sang hỗ trợ nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đang đề nghị các địa phương báo cáo về việc thực hiện gói 120.000 tỷ đồng để tìm ra các khó khăn cùng tháo gỡ giải quyết. Đồng thời, Bộ sẽ trao đổi với Ngân hàng Nhà nước để rà soát xem trong quá trình vay vốn chủ đầu tư, người mua nhà gặp phải những khó khăn để cùng tháo gỡ.