Gói 65.000 tỉ: Kích mạnh vào căn hộ giá rẻ
Doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng nếu có gói vốn 65.000 tỉ đồng cần tập trung hỗ trợ người mua nhà.
Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa vào chương trình phục hồi kinh tế gói tín dụng 65.000 tỉ đồng cho người lao động, công nhân vay mua nhà và hỗ trợ chủ đầu tư.
Đây là đề xuất chính thức Bộ Xây dựng gửi Chính phủ và Bộ KH&ĐT, thay cho phương án gói 30.000 tỉ đồng cơ quan này đưa ra trước đó.
Sẽ có nhiều căn hộ giá rẻ
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, gói tín dụng 65.000 tỉ đồng được chia làm hai phần. Thứ nhất là gói tín dụng cấp bù lãi suất trị giá 15.000 tỉ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, 14.000 tỉ đồng sẽ được cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ khách hàng cá nhân theo Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà. Phần còn lại dành cho các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội (NƠXH) (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, LienVietPost Bank, VIB, ACB...) và các cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ NƠXH vay.
Gói thứ hai trị giá 50.000 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ một số đối tượng vay ưu đãi như công nhân, người lao động; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án NƠXH.
Như vậy, so với phương án đề xuất trước đó, kiến nghị chính thức của Bộ Xây dựng tăng hơn hai lần về quy mô và hướng tới hỗ trợ cả người mua nhà, thay vì chỉ chủ đầu tư. Bộ Xây dựng cho biết gói tín dụng này nhằm góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ là vừa bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế, vừa giúp kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.
Với kinh nghiệm từng làm nhà ở cho công nhân ở Long An, ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh, cho biết nếu đề xuất trên được Chính phủ chấp thuận thì rất đáng mừng, người lao động có nhà ở sẽ an tâm hơn trong lao động, sản xuất.
Năm 2018, Tập đoàn Trần Anh đã xây dựng, bàn giao dự án nhà giá rẻ có diện tích khoảng 35 m2 giá chỉ 200 triệu đồng/căn tại Đức Hòa, Long An. “Người mua còn được hỗ trợ trả góp không lãi suất trong vòng 24 tháng trực tiếp với chủ đầu tư” - ông Thiện nói.
Theo ông Thiện, nếu có gói tín dụng này thì tập đoàn sẽ tiếp tục xây dựng những dự án nhà ở giá rẻ cho người lao động thu nhập thấp ở Long An, với hàng ngàn căn hộ giá khoảng 300-400 triệu đồng trong thời gian tới.
Tập trung hỗ trợ người mua nhà
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đồng tình với đề xuất này của Bộ Xây dựng. Căn hộ bình dân, vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân nhưng hiện rất khan hiếm hàng. Do đó, nguồn vốn mồi từ ngân sách nhà nước có vai trò rất quan trọng. Thời gian triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trước kia đã chứng minh với 1 đồng từ ngân sách cấp bù lãi suất, ngân hàng thương mại sẽ huy động thêm được 33 đồng từ nguồn vốn xã hội nên rất hiệu quả.
Ông Châu cho biết nếu gói 65.000 tỉ đồng được triển khai sẽ mở ra nhiều cơ hội mua nhà cho người thu nhập thấp, sẽ có nhiều căn hộ ở mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Hiện nay thị trường giá thấp nhất khoảng 30-32 triệu đồng/m2, được phân bổ ở các khu vực xa trung tâm như quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.
“Hiệp hội đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng đồng tình về xây dựng đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp, dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới. Mục tiêu là phát triển được loại căn hộ quy mô 25-50 m2; đơn giá tại đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM không vượt quá 25 triệu đồng/m2”
- ông Châu nói.
Là doanh nghiệp chuyên làm dự án nhà ở giá rẻ nhiều năm qua, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, cho rằng để làm nhà ở cho công nhân cần lưu ý ba vấn đề. Thứ nhất, quy định không nên ở đông, hai người/căn hộ là phù hợp. Thứ hai, không quản lý giờ giấc quá chặt, gần như phải bố trí bảo vệ 24/24 giờ để linh hoạt giờ giấc cho công nhân. Thứ ba, doanh nghiệp phải cởi mở việc cho người không phải là công nhân của công ty được ở ghép cùng người của công ty, tạo điều kiện cho họ hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
“Quy định về chuyển nhượng NƠXH cũng phải linh hoạt hơn. Người mua nhà sau năm năm được quyền chuyển nhượng, có trường hợp người mua NƠXH có thể bán lại cho Nhà nước sau hai năm. Quy định này hợp lý, vì có trường hợp người dân kẹt tiền, con ốm đau, học hành nên cần bán…” - ông Nghĩa chia sẻ.
Khoảng 53.000 cá nhân, hộ gia đình hưởng lợi từ gói 30.000 tỉ đồng
Theo Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm kết thúc giải ngân gói 30.000 tỉ đồng là ngày 31-12-2016, doanh số giải ngân đạt 29.679 tỉ đồng. Trong đó, doanh số cho vay cá nhân là hơn 24.285 tỉ đồng; doanh số cho vay doanh nghiệp gần 5.394 tỉ đồng, đạt gần 99% số tiền dự kiến của gói. Tính đến cuối năm 2019, dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại còn hơn 14.046 tỉ đồng.
Có khoảng 53.000 cá nhân, hộ gia đình đã được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để mua, sửa chữa nhà ở. Cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản là theo hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm nhà ở có giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu thực, hạn chế sản phẩm đầu cơ, giá cả vượt quá mức thu nhập trung bình của người dân. Ngoài ra, chính gói 30.000 tỉ đồng cũng tạo sức lan tỏa giúp cho thị trường bất động sản tan băng, thông qua đó người dân có thể mua bán, giao dịch thuận lợi, cải thiện điều kiện về chỗ ở. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng, bất động sản được tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho, vật liệu xây dựng, giảm nợ xấu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san/goi-65000-ti-kich-manh-vao-can-ho-gia-re-1025974.html