Chương trình 'Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết' là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây cũng là dịp để các thế hệ người Việt Nam thể hiện sự đoàn kết, tương thân, tương ái, hướng tới Tết cổ truyền Nhâm Dần 2022 bình an, tốt đẹp.
Chương trình "Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết" là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, kinh phí được huy động từ xã hội hóa, đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp có tấm lòng hảo tâm.
Chương trình Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết năm 2022 với chủ đề “Chia sẻ yêu thương - Đón xuân Nhâm Dần” diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Chương trình do Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Công đoàn Bộ VHTTDL và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có tấm lòng hảo tâm chung tay thực hiện
Tham gia hoạt động gói bánh chưng có các công đoàn viên thuộc Bộ VHTTDL, cán bộ chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân I, công đoàn viên Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và đại diện các cộng đồng dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại “Làng”
Nghệ nhân Y Sinh (dân tộc Xơ Đăng đến từ tỉnh Kon Tum) cho biết, nhiều đồng bào khi lần đầu tiên có dịp ghé thăm Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, được tận mắt nhìn thấy ngôi nhà, ngôi làng của mình ngay giữa Thủ đô Hà Nội và được tham gia vào các hoạt động hết sức ý nghĩa, bổ ích trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình cũng như các dân tộc khác đều vô cùng xúc động. “Về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được gặp gỡ đồng bào các dân tộc thấy rất là ấm áp, rất tình cảm; bà con các dân tộc thân mật như người một nhà. Tiếng nói khác nhau, phong tục khác nhau, thấy mình được mở rộng tầm mắt khi được giao lưu với nhiều cộng đồng các dân tộc”, nghệ nhân Y Sinh bộc bạch
Tại chương trình này, Ban tổ chức đã huy động được trên 600 xuất quà, mỗi xuất trị giá khoảng 1 triệu đồng gồm bánh chưng, mứt Tết, gạo tẻ, quần áo… để gửi tặng gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội) và đồng bào đang sinh hoạt hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.