Gọi bệnh Whitmore là 'vi khuẩn ăn thịt người': Bịa đặt, không chính xác
Thời gian qua, dư luận xôn xao trước thông tin nhiều bệnh nhân nhập viện do nhiễm vi khuẩn whitmore, nhiều người gọi đó là 'vi khuẩn ăn thịt người', tên gọi này liệu có chính xác?
Khái niệm vi khuẩn “ăn thịt người” không chính xác
Thời gian qua, Whitmore được lan truyền nhanh chóng với những thông tin sai sự thật, vô căn cứ, thiếu tính khoa học, gây hoang mang dư luận và tạo tâm lý lo lắng cho người dân.
Trước thực tế đó, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã trao đổi với một số chuyên gia, bác sĩ chuyên nghiên cứu, chữa trị về loại bệnh này.
Ông Trịnh Thành Trung, trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc ĐHQGHN là một trong những nhà khoa học có hơn 10 năm nghiên cứu chuyên sâu về vi khuẩn Whitmore.
Nói về nguyên nhân gây bệnh, TS. Trịnh Thành Trung cho hay: “Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.
Whitmore có dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng đa dạng, khó phát hiện nên thường bị chẩn đoán nhầm thành lao phổi, ung thư phổi, ung thư gan…
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là vi khuẩn sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Nguyên nhân lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa cũng đã được đề xuất. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra những bằng chứng nhiễm bệnh khi ăn các thức ăn có vi khuẩn.
Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào về lây bệnh giữa người với người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí”.
Ông Trịnh Thành Trung khuyến cáo, khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn Whitmore, nên đến những cơ sở y tế uy tín, có xét nghiệm vi sinh để chẩn đoán. Một trong những xét nghiệm cuối cùng để chấn đoán có mắc bệnh này hay không đó là xét nghiệm vi sinh.
Khi đã phát hiện ca bệnh, các bác sĩ lâm sàng sẽ có phác đồ điều trị, bệnh nhân cần phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị, bởi điều trị bệnh này kéo dài ít nhất 6 tháng. Nếu không tuân thủ đúng thì sẽ dễ tái phát. Khi đã tái phát, tính nguy cấp của bệnh sẽ phát triển nhanh, khả năng tử vong cao.
Để phòng tránh vi khuẩn Whitmore, TS. Trịnh Thành Trung cho biết: “Bệnh này lây chủ yếu qua tiếp xúc vết trầy xước với đất và nước, nên một trong những yếu tố phòng bệnh là người dân cần có bảo hộ lao động như ủng, gang tay khi tiếp xúc đất, nước”.
Thông tin thêm về bệnh Whitmore mà nhiều người thường gọi là vi khuẩn “ăn thịt người” gây hoang mang dư luận thời gian qua, TS. Trịnh Thành Trung cho rằng: “Khái niệm vi khuẩn “ăn thịt người” hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc, không phải là khái niệm của bệnh này. Về cơ bản, đây là bệnh nhiễm khuẩn, có biểu hiện lâm sàng đa dạng. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là viêm phổi dẫn đến sốc nhiễm khuẩn huyết có thể dẫn đến tử vong, bên cạnh cơ quan tấn công là phổi thì còn nhiều cơ quan khác trên cơ thể gây áp se, bụi mủ chứ không phải vi khuẩn ăn thịt người. Gọi vi khuẩn “ăn thịt người” là không chính xác”.
Chẩn đoán sai, dẫn đến tử vong
Trao đổi với PV, Bác sĩ Quế Anh Trâm, Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới, bệnh viện đa khoa Nghệ An – là người trực tiếp điều trị nhiều ca bệnh Whitmore chia sẻ: “Bệnh viện tuyến dưới không phát hiện ra vi khuẩn Whitmore. Cho nên, những trường hợp chuyển lên tuyến tỉnh hay tuyến Trung ương hầu như đều ở giai đoạn nặng. Có những trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn rất khó điều trị. Cũng có nhiều trường hợp chúng tôi cứu sống được, nhưng có nhiều trường hợp tử vong”.
Theo trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Quế Anh Trâm, những ca bệnh về Whitmore có biểu hiện lâm sàng khác nhau.
“Việc điều trị bệnh này so với những nhiễm trùng máu khác là như nhau. Nhưng, thời gian điều trị từ 3 đến 6 tháng không phải là 1- 2 ngày. Ví dụ, như các nhiễm trùng khác, người bệnh chỉ điều trị trong khoảng 14 ngày là bệnh nhân có thể ra viện và chỉ tái khám. Nhưng, đối với bệnh này thì phải điều trị trong khoảng thời gian khá dài”, bác sĩ Quế Anh Trâm cho hay.
Được biết, từ ngày 16-18/10/2019, Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Vệ sinh, Vi sinh và Môi trường Y học - Đại học Y khoa Graz - Áo đăng cai tổ chức Hội thảo Khoa học bệnh Whitmore toàn cầu lần thứ 9.
Tại hội thảo, 100 nhà khoa học đến từ 26 quốc gia trên thế giới sẽ trình bày các báo cáo, thông tin về bệnh Whitmore, đặc biệt là các kết quả nghiên cứu tiêu biểu và nổi bật nhất về bệnh Whitmore trong vòng 3 năm qua.
TS. Trịnh Thành Trung nhấn mạnh: “Thông qua hội thảo này, tôi cũng như ban tổ chức gửi đến thông điệp là căn bệnh này có ở nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Qua đó, chúng tôi cũng muốn nhiều nhà khoa học, nhiều bác sĩ, cán bộ xét nghiệm vi sinh hiểu rõ hơn về bệnh Whitmore, có ý nghĩa trực tiếp trong công tác xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sau này”.