Gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng: Doanh nghiệp đón chờ để phục hồi
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Cộng đồng doanh nghiệp đặt kỳ vọng chương trình phục hồi gần 350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022 - 2023 đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất và có hiệu quả.
Doanh nghiệp mong chính sách hỗ trợ nhanh và trúng đối tượng
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, đây là gói hỗ trợ lớn và rất thiết thực, nhưng cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu gói hỗ trợ vừa mới ban hành không thực hiện một cách có hiệu quả, hoặc chậm trễ. Chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và triển khai càng sớm càng tốt trên các lĩnh vực, từ phục hồi lao động cho đến kích thích bằng hỗ trợ lãi suất, thuế cho doanh nghiệp…
Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, ông Bùi Xuân Thắng - Giám đốc Công ty CP vận tải Đại Phát, là doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải và dịch vụ logistics cho biết, trong 2 năm qua, khó khăn của doanh nghiệp vận tải, logistics là dòng tiền, vì chi phí đầu vào tăng cao nhưng doanh thu liên tục suy giảm. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ lãi suất chưa đủ mạnh để doanh nghiệp có thể phục hồi.
“Do vậy, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350 nghìn tỷ đồng triển khai, trong đó tiếp tục hỗ trợ lãi suất và giảm thuế VAT 2% sẽ thực sự là liều thuốc hữu ích để các doanh nghiệp cơ cấu lại nợ và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi mong chính sách hỗ trợ đúng và trúng đối tượng, công khai, minh bạch và giám sát thực hiện tốt để nguồn lực đến đúng địa chỉ” - ông Thắng cho hay.
Giám đốc Công ty CP Thương mại du lịch Bình Minh Nguyễn Văn Điều cho biết, là đơn vị chuyên về nhà hàng ăn uống và du lịch, trải qua năm 2021 với nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty đã phải đóng cửa nhiều nhà hàng, may mắn là tới nay công ty vẫn tồn tại, có cơ hội để tiếp tục phát triển khi các địa phương triển khai thích ứng an toàn với dịch và mở cửa lại du lịch. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn việc triển khai các giải pháp hỗ trợ cần phải nhanh chóng, vì hơn lúc nào hết, đây mới là thời gian doanh nghiệp cần nhất. Đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm để doanh nghiệp giảm được một khoản chi phí và có nguồn vốn sớm để phục hồi kinh doanh.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chịu thiệt hại lớn nhất từ đại dịch là hàng không và du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietravel Holdings cho rằng, sau khủng hoảng, tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, lịch sử hình thành, đều phải xếp hàng trên một vạch xuất phát, doanh nghiệp nào bật lên nhanh thì lấy lại được thị trường. Muốn xuất phát nhanh, phải chuẩn bị từ sớm, từ xa và cần có sức bật mạnh từ các gói hỗ trợ của Chính phủ.
“Thời điểm này, hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế phụ thuộc vào quy mô gói hỗ trợ và tốc độ triển khai để kịp cứu doanh nghiệp trước khi phá sản. Doanh nghiệp mong muốn chính sách hỗ trợ cũng phải nhanh và hiệu quả như chiến lược ngoại giao
vắc-xin. Bên cạnh đó, cần mở cửa và duy trì hoạt động kinh tế một cách liên tục, nhất quán là chính sách hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp trong thời gian tới” - ông Kỳ chia sẻ.
Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm
Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp (Học viện Tài chính) dự báo nền kinh tế năm 2022 sẽ tăng trưởng lạc quan. Tuy nhiên, vẫn có những điểm yếu như chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí logistics, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng…
Vì vậy, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, các doanh nghiệp rất mong mỏi gói hỗ trợ sớm được triển khai bởi họ đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Nhưng các gói hỗ trợ phải công khai, minh bạch về điều kiện, đối tượng. Đặc biệt các gói hỗ trợ cần hướng đến giúp các doanh nghiệp giảm chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó hạ thấp giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.
Bên cạnh hỗ trợ những ngành sản xuất quan trọng như lương thực, thực phẩm, công nghiệp nhẹ, công nghệ thông tin thì cần hỗ trợ ngành du lịch, logistics. Đặc biệt, cần mở cửa du lịch càng sớm thì càng có lợi cho nền kinh tế như vận tải, hàng không và nhiều dịch vụ khác.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), quy mô gói hỗ trợ lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng nên cần hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn đều cho tất cả. Doanh nghiệp trong những lĩnh vực, ngành nghề hoạt động chưa tốt, chưa hiệu quả thì không được hỗ trợ hoặc nhận hỗ trợ ít. Nhưng nếu hoạt động của doanh nghiệp đó gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo thì sẽ nhận được hỗ trợ từ ngân sách để kích thích tăng trưởng tốt hơn và có tính lan tỏa.
Quý I/2022, triển khai ngay các nhiệm vụ để giải ngân gói hỗ trợ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Trần Duy Ðông cho rằng, sự cẩn trọng là không thừa khi chuẩn bị tung gói hỗ trợ có quy mô lớn, dự kiến tác động đến tất cả lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội và các chỉ tiêu quan trọng của kinh tế vĩ mô. Nhưng yêu cầu đặt ra cũng không kém phần cấp bách là gói hỗ trợ này cần nhanh chóng được triển khai, vì sau thời gian bị bào mòn sức lực bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp tiếp cận được vốn rẻ sẽ có cơ hội phục hồi và phát triển tốt hơn. Với tính cấp bách của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, chậm nhất trong quý I/2022, các bộ, ngành, địa phương phải triển khai ngay các nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền được giao để giải ngân gói hỗ trợ và giải ngân trong hai năm 2022 - 2023.