Gói kích thích kinh tế Mỹ 900 tỷ USD: 'Liều thuốc' quý nhưng đến quá muộn?

Gói cứu trợ kinh tế 900 tỷ USD được nghị sĩ 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa thông qua giống như một 'liều thuốc' hỗ trợ hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp đã phải vật lộn trong nhiều tháng để tồn tại. Tuy nhiên, với nền kinh tế vẫn đang trong 'vòng vây' của đại dịch Covid-19, gói kích thích này có thể chưa đủ.

Quốc hội Mỹ chốt gói kích thích kinh tế trị giá 900 tỷ USD cho người dân. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Quốc hội Mỹ chốt gói kích thích kinh tế trị giá 900 tỷ USD cho người dân. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Ngày 21/12 (giờ Việt Nam), các lãnh đạo lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ đã đạt được đồng thuận về gói cứu trợ 900 tỷ USD nhằm khôi phục nền kinh tế Mỹ sau các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Dự kiến, gói kích thích sẽ cấp 600 USD hỗ trợ trực tiếp cho mỗi người dân và 300 USD hỗ trợ cho người thất nghiệp đến tháng 3 năm sau. Kế hoạch sẽ dành nhiều tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, cấp thực phẩm miễn phí, hỗ trợ phân phối vaccine ngừa Covid-19, giúp người vay thế chấp nhà giãn thời hạn trả nợ và hỗ trợ tiền thuê nhà cho một số đối tượng.

Hai đảng của Mỹ đã đạt được thỏa thuận sau gần một tháng đối đầu. Gói cứu trợ 900 tỷ USD sẽ là biện pháp kích thích kinh tế lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau dự luật viện trợ trị giá 2,3 nghìn tỷ USD mà Quốc hội nước này thông qua vào tháng 3.

Chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ của JPMorgan Chase Michael Feroli nhận định, gói kích thích sẽ rất hữu ích cho nền kinh tế Mỹ. "900 tỷ USD là một con số lớn. Theo thời gian, GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng thêm 2-3% nhờ gói kích thích trị giá 900 tỷ USD này", ông Feroli nói.

Theo các nhà kinh tế, gói kích thích mới cũng có thể đủ để ngăn chặn một cuộc suy thoái đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

S&P Global ước tính, số tiền này sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trở lại mức trước đại dịch vào quý III/2021. Nếu không có bất kỳ sự hỗ trợ nào, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không trở lại mức đó cho đến năm 2022.

Nền kinh tế Mỹ đang phải chịu đựng một đợt suy thoái mới, khi virus SARS-CoV-2 trỗi dậy. Điều đó đã gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp, người tiêu dùng đã ngừng mua sắm, đi du lịch, ăn uống và tham dự các sự kiện thể thao, giải trí. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ, chi tiêu cho du lịch đã suy yếu dần. Ngược lại, đơn xin trợ cấp thất nghiệp đang ngày một gia tăng.

Phân tích dữ liệu Điều tra dân số đang diễn ra của các nhà kinh tế tại Đại học Chicago và Đại học Notre Dame cho thấy, khoảng 7,8 triệu người Mỹ đã rơi vào cảnh nghèo đói kể từ tháng 6, khi các lợi ích từ gói cứu trợ Covid-19 trước đó hết hiệu lực.

Trong vòng 11 tháng kể từ khi Mỹ ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, hàng triệu người dân đã mất việc làm. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng của Mỹ vẫn chưa thể thoát khỏi "vòng vây" của đại dịch cho tới khi vaccine ngừa Covid-19 được tiêm chủng rộng khắp vào khoảng giữa năm 2021.

Nhà kinh tế trưởng Hoa Kỳ tại Oxford Economics Gregory Daco cho biết, một gói kích thích kinh tế sẽ tốt hơn là không có gì. Nhưng 900 tỷ USD có thể sẽ không đủ để giải quyết khó khăn cho nhiều hộ gia đình và các công ty nhỏ.

Hầu hết các nhà kinh tế đều nhận thấy, gói kích thích kinh tế trị cho các doanh nghiệp nhỏ nên tập trung chủ yếu vào việc giữ cho doanh nghiệp tồn tại bởi nếu một doanh nghiệp ngừng hoạt động thì rất khó để khôi phục lại khi đại dịch được kiểm soát.

Ngoài ra, gói kích thích này không bao gồm sự trợ giúp về ngân sách đối với các bang và địa phương khi nguồn thu từ thuế của họ đang dần cạn kiệt. Đây là một lực cản tiềm tàng về lâu dài đối với nền kinh tế.

Trang CNBC nhận định, "liều thuốc" hỗ trợ này đã đến quá muộn đối với gần 8 triệu người dân rơi vào cảnh nghèo đói. Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ cũng cho rằng, đề xuất mới chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế hiện nay tại quốc gia này.

(theo AP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/goi-kich-thich-kinh-te-my-900-ty-usd-lieu-thuoc-quy-nhung-den-qua-muon-132162.html