'Gọi' sếu đầu đỏ quay về trên những đồng ruộng sinh thái
Để khôi phục và phát triển sếu đầu đỏ ở Vườn quốc gia Tràm Chim, đề án bảo tồn và phát triển loại chim quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới này vừa được tỉnh Đồng Tháp phê duyệt. Trong đó, điểm đáng lưu ý của đề án là 'kiến tạo' đồng ruộng sinh thái ở vùng đệm làm nơi cho sếu đầu đỏ sinh sản…
Trao đổi với KTSG Online gần đây, TS Dương Văn Ni, Chuyên gia về đa dạng sinh học cho biết, vào những năm 1989-1990, một quần thể sếu đầu đỏ khoảng 1.800-2.000 con đã được ghi nhận ở Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, loại chim quý hiếm này đã không còn xuất hiện ở đây.
Hệ sinh thái cho đàn chim quý hiếm
Có nhiều yếu tố tác động đến sự biến mất của sếu đầu đỏ ở Vươn quốc gia Tràm Chim, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất, đó là việc trữ nước chống cháy rừng dẫn đến mất đi nguồn củ cỏ năn kim, tức nguồn thức ăn của sếu đầu đỏ.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đề án như nêu trên nhằm mục tiêu phục hồi và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên; trong 10 năm (2022-2032), nuôi 100 cá thể sếu với ít nhất 50 con sống sót; đàn sếu thả ra môi trường tự nhiên có thể sinh sản và tồn tại.
Trao đổi với KTSG Online, TS Trần Triết, Giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á- người đồng hành cùng chương trình bảo tồn và phát triển sếu ở tỉnh Đồng Tháp cho biết, chương trình này được thực hiện dưới sự hợp tác với chương trình bảo tồn và phát triển sếu của Thái Lan.
Theo đó, sếu ở Thái Lan sau khi nở sẽ được nuôi dưỡng đến 6 tháng tuổi, ở giai đoạn này sếu con được tập luyện để có thể sống tự lập. “Sau đó, họ sẽ chuyển sếu 6 tháng tuổi đó qua Vườn quốc gia Tràm Chim”, ông Triết cho biết và thông tin, tại đây sếu sẽ được nuôi dưỡng tiếp 4 đến 6 tháng trước khi thả ra môi trường.
Theo ông, mục tiêu của chương trình là sếu đầu đỏ sau khi thả ra ngoài tự nhiên có thể sống quanh năm ở Vườn quốc gia Tràm Chim của tỉnh Đồng Tháp hoặc các tỉnh lân cận có điều kiện thích hợp, tức sếu không di cư. “Tập quán của đàn sếu tự nhiên, đó là hàng năm nó di chuyển từ vùng sinh sản nằm ở phía Bắc của Campuchia về Việt Nam trong mùa khô, trong khi đàn sếu phục hồi ở Tràm Chim, thì mục đích là muốn nó sống quanh năm ở đây”, ông giải thích.
Dựa trên tinh thần thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp với chương trình bảo tồn và phát triển sếu của Thái Lan, đợt sếu đầu tiên dự kiến sẽ được đưa sang Vườn quốc gia Tràm Chim trong năm 2024. “Mỗi năm họ chuyển sang 6 con, tức mình nhận 30 con trong 5 năm đầu”, Triết ông nói và cho biết, sau khi kết thúc thỏa thuận 5 năm đầu sẽ được gia hạn tiếp 5 năm vì dự kiến chương trình triển khai ít nhất 10 năm hoặc hơn nhằm đạt mục tiêu có được đàn sếu có thể tự sinh sản.
Được biết, đề án gồm có 4 hợp phần, bao gồm hợp phần 1 là nuôi sếu để nó có khả năng sống độc lập ngoài tự nhiên; thứ hai, là phục hồi sinh cảnh của sếu trong vùng lõi Vườn quốc gia Tràm Chim; thứ 3 là phát triển nông nghiệp sinh thái ở vùng đệm và cuối cùng là giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức của người dân và vận động tham gia của người dân trong xã hội.
Cách thức triển khai đề án nêu trên của tỉnh Đồng Tháp được thực hiện tương tự như chương trình phục hồi và phát triển sếu của Thái Lan. “Đàn sếu thả bên Thái Lan, họ cũng làm tương tư như vậy và nó làm tổ ở ruộng lúa”, ông Triết cho biết.
Lúa sinh thái – tốt môi trường, lợi nhà nông
Chính những lý do nêu trên nên huyện Tam Nông đã vận động nông dân sản xuất lúa sinh thái với mục đích làm giảm độc chất sử dụng để sếu không bị ngộ độc khi ra ruộng lúa sinh sản. “Sếu thả trong vùng lõi của Tràm Chim, nhưng mùa sinh sản nó sẽ sử dụng khu vực xung quanh (vùng đệm- PV), cho nên, với những diện tích ruộng không bị ngập trong mùa nước nổi là điều kiện thích hợp để sếu làm tổ sinh sản vì nó không di cư (sếu tự nhiên trước đây sẽ di cư về vùng phía Bắc của Campuchia để sinh sản trong mùa này- PV)”, ông Triết giải thích.
Trao đổi với KTSG Online, ông Lưu Văn Tiến, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết, địa phương đã vận động nông dân chuyển đổi phương thức canh tác lúa từ truyền thống sang hướng sinh thái.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại, một số nông dân ở vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim đã chuyển đổi được hai vụ, trong đó, vụ hè thu 2023 sản xuất được 37 héc ta và tăng lên 112 héc ta trong vụ thu đông 2023 này.
Theo ông Tiến, với cách thức sản xuất theo hướng sinh thái, quy trình áp dụng được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông đề ra, đó là ở vụ thứ nhất (vụ hè thu 2023, đã thu hoạch- PV), nông dân sẽ chuyển đổi sang sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học với tỷ lệ 30% thay vì là 100% phân thuốc hóa học như trước đây.
“Đến vụ thứ hai (vụ thu đông 2023, chuẩn bị thu hoạch- PV) tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học được chúng tôi đưa ra tăng lên 50%”, ông Tiến cho biết và thông tin, tỷ lệ này sẽ được nâng lên 70% ở vụ thứ ba và đến năm 2027 việc sản xuất lúa của nông dân vùng đệm sẽ áp dụng 100% phân hữu cơ và thuốc sinh học, tức loại bỏ hoàn toàn phân thuốc hóa học.
Vị Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết, việc chuyển hướng sản xuất lúa sinh thái được chia làm hai giai đoạn, bao gồm giai đoạn 1, từ năm 2023- 2027, có diện tích triển khai là 200 héc ta đạt chứng nhận sinh thái; giai đoạn 2 từ năm 2028- 2032 nhân rộng lên hai ô bao với tổng diện tích 950 héc ta. “Nhưng với thực tế thực hiện, có khả năng sẽ vượt kế hoạch đề ra”, ông nói.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Mẫn, ngụ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông- một hộ nông dân có 10 héc ta diện tích thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hướng sinh thái- cho biết, tham gia mô hình nông dân được hỗ trợ 50% chi phí lúa giống, phân bón hữu cơ và chi phí phun thuốc phòng trị bệnh.
Theo ông, quá trình canh tác nông dân được khuyến cáo áp dụng kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng, cho nên, lượng giống gieo sạ giảm đáng kể, trong khi năng suất và hiệu quả đầu tư vẫn đảm bảo, thậm chí tăng cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống.
Thực tế, báo cáo tổng kết về kết quả triển khai trong vụ hè thu 2023 của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông đã đưa ra nhận xét, ruộng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (ruộng mô hình) như: sạ hàng, sạ cụm, bổ sung phân hữu cơ, bón cân đối NPK và quản lý dịch hại tổng hợp đã giúp chi phí giảm so với ruộng đối chứng.
Cụ thể, hiệu quả kinh tế của ruộng trong mô hình và ngoài mô hình ở xã Phú Đức, thì ruộng mô hình có tổng chi phí đầu tư là 18,801 triệu đồng/héc ta, trong khi ruộng ngoài mô hình là 20,076 triệu đồng/héc ta; năng suất lúa ruộng trong mô hình đạt 6 tấn/héc ta trong khi ngoài mô hình là 5,7 tấn/héc ta; doanh thu ruộng trong mô hình đạt 40,8 triệu đồng/héc ta trong khi ngoài mô hình là 38,76 triệu đồng/héc ta (có cùng giá bán là 6.800 đồng/kg); lợi nhuận ruộng trong mô hình là 21,999 triệu đồng/héc ta trong khi ngoài mô hình đạt 18,683 triệu đồng/héc ta.
Đối với mô hình ở xã Tân Công Sính và xã Phú Thành, thì ngoài chỉ tiêu về năng suất, giá bán và doanh thu giữa ruộng trong và ngoài mô hình đều bằng nhau, thì các chỉ tiêu về chi phí đầu tư và lợi nhuận của ruộng trong mô hình đạt hiệu quả cao hơn so với ruộng đối chứng.
Còn xét về hiệu quả môi trường và xã hội, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông đánh giá, bước đầu đã thiết lập được phương thức canh tác theo hướng sinh thái mang tính cộng đồng, khả thi, dễ thực hiện và có khả năng nhân rộng với quy mô lớn. “Mô hình bước đầu cũng nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc bón phân hữu cơ vào sản xuất, từng bước thay thế dần phân hóa học”, đơn vị này đánh giá.
Ông Tiến của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết, địa phương có định hướng sẽ tiến tới xây dựng sản phẩm gạo sinh thái mang nhãn hiệu “Gạo sếu Tam Nông”. “Khi doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sẽ làm bao bì sản phẩm gắn với nhãn hiệu này”, ông cho biết và nói rằng, đây là cách thức quảng bá sản phẩm gạo sinh thái kết hợp với bảo tồn sếu đầu đỏ để người tiêu dùng trong và nước biết đến.
Ông Triết của chương trình bào tồn sếu Đông Nam Á cho biết, định hướng phát triển vùng lúa sinh thái ở vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim cũng phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, đó là nông nghiệp xanh, sinh thái, tức giảm bớt sử dụng các loại hóa chất độc hại. “Mục đích phục hồi đàn sếu với mục đích phát triển nông nghiệp xanh của tỉnh Đồng Tháp trùng hợp, bổ sung cho nhau, cho nên, tôi nghĩ đó là lý do địa phương rất ủng hộ chương trình nay”, ông cho biết.
Vườn quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích vùng lõi hơn 7.300 héc ta, là đại diện cho hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên còn lại của vùng Đồng Tháp Mười xưa. Đây là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.Vườn quốc gia Tràm Chim có khoảng 232 loài chim, trong đó, có 32 loài quý hiếm; có 16 loài nằm trong sách đỏ của IUCN, trong đó, có sếu đầu đỏ.Sách đỏ IUCN (IUCN Red List of Threatened Species hay IUCN Red List) được bắt đầu từ năm 1964, là danh sách toàn diện nhất về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động, thực vật trên thế giới. Sách đỏ IUCN sử dụng một bộ tiêu chí để đánh giá nguy cơ tuyệt chủng của hàng ngàn loài và phân loài. Danh sách này được giám sát bởi Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources, IUCN).