Gọi vốn Shark Tank mùa 5 không thành công, ứng dụng hẹn hò Fika nói gì?
Sau lần gọi vốn thành công được 1,6 triệu USD vào năm ngoái, mới đây ứng dụng hẹn hò Fika đã tham gia Shark Tank mùa 5 song gọi vốn không thành công.
Fika là ứng dụng hẹn hò do Denise Sandquist (Trần Thanh Hương) sáng lập cuối năm 2020, hiện có 1,5 triệu lượt tải về và hiện đứng thứ 2 Việt Nam với 100.000 người dùng hoạt động. Đây được đánh giá là ứng dụng hẹn hò miễn phí tốt nhất trên Google Play và đứng thứ 4 về ứng dụng đời sống trên App Store tại Việt Nam.
Vào năm ngoái, Fika đã thành công gọi vốn được 1,6 triệu USD. Mới đây Fika có tham gia Shark Tank mùa 5 nhưng gọi vốn không thành công. Lý giải việc chưa “thành công” trong lần gọi vốn này, Fika cho rằng, ở tập 2 mới nhất của Shark Tank, Fika chưa có nhiều thời lượng để chia sẻ thêm về công ty khán giả được biết.
Thực tế, việc gọi vốn không thành công của Fika xuất phát từ nguyên nhân ứng dụng hẹn hò này chưa có doanh thu. Cụ thể, trong tập 2 của Shark Tank mùa 5, shark Bình (nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập Đoàn NextTech) cho rằng rất nhiều ứng dụng hẹn hò khác như Tinder và Bumble đã có doanh thu còn còn Fika thì chưa nên không thuyết phục được nhà đầu tư. Thậm chí, dù chưa có doanh thu nhưng nữ CEO của Fika còn tự tin định giá ứng dụng này tương đương 150 triệu USD.
Theo lý giải của Denise Sandquist, Fika theo mô hình kinh doanh quảng cáo để tạo doanh thu và bên cạnh đó sẽ có thu phí đăng ký. Ban đầu, người dùng sẽ được sử dụng miễn phí nhưng nếu muốn sử dụng các gói cao hơn, người dùng phải đăng ký và trả phí. Cụ thể, với những ứng dụng hẹn hò, khoảng 10 - 15% người dùng thực đang trả tiền cho các gói đăng ký. Fika đưa ra mức 150.000 đồng/tháng và mức này thấp hơn Tinder tại Việt Nam. Và giả sử rằng Fika có 100.000 người dùng tích cực hàng tháng và 10% của con số đó là 10.000 người trả phí đăng ký, sẽ tương đương 50.000 USD nhân cho 12 tháng. Đây là một mô hình kinh doanh rất có lợi nhuận!
Tuy nhiên, shark Bình đã lập luận và tính toán định giá của Fika không hơn 4 triệu USD. Shark Bình cũng tiết lộ, mình từng thẩm định một số ứng dụng hẹn hò và hầu hết đã biến mất sau một vài năm.
Trao đổi với báo giới, Denise Sandquist cho biết, với các công ty công nghệ thì việc chưa làm ra doanh thu ngay trong vài năm đầu tiên là điều không hiếm vì những năm đầu này, bạn phải xây dựng sản phẩm và thu hút người dùng. Điều này cũng phổ biến với các công ty lớn như Facebook, Instagram, Google, Snapchat, TikTok... nên cũng không có gì là yếu điểm hay lạ lùng khi các công ty công nghệ mới thường tập trung vào việc phát triển và xây dựng sản phẩm trước khi có doanh thu, nhất là với các công ty startup B2C.
Liên quan đến định giá, Denise Sandquist khẳng định đã định giá Fika dựa theo các số liệu sẵn có và tiềm năng trong tương lai. “Khi tôi định giá Fika là 150 triệu USD, tức là tôi không chỉ tin tưởng vào bản thân, vào đướng lối phát triển của Fika và đội ngũ của chúng tôi, mà tôi còn tin tưởng vào thị trường Việt Nam cũng như các tiềm năng mà thị trường đang mở ra. Tôi chắc chắn rằng Fika sẽ là một kỳ lân công nghệ của Việt Nam trong thời gian tới”- Denise Sandquist nói.
Chia sẻ việc vì sao tạo ra Fika vì Việt Nam, vị CEO này cho biết: Vì muốn mang đến một điều ý nghĩa cho Việt Nam, để tạo ra công việc và một sản phẩm, thương hiệu để trân trọng phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn. Theo vị CEO của Fika, trước khi bắt đầu ứng dụng hẹn hò này, Denise Sandquist đã được rất nhiều người Việt Nam giúp đỡ để tìm ra mẹ ruột của mình. “Nếu lúc ấy tôi nghe theo những lời khuyên rằng đừng tìm nữa, sẽ chẳng thể tìm ra đâu thì chắc chắn tôi đã không thành công đoàn tụ cùng gia đình. Tôi mất 3 năm và sau đó là 18 ngày để tìm ra mẹ ruột của mình. Và với việc không từ bỏ bất cứ điều gì tôi hướng đến, tôi luôn tin rằng mình sẽ thành công”- Denise Sandquist cho biết.
Cũng theo Denise Sandquist, Fika tin tưởng vào tiềm năng của mình, nhất là ở thị trường Việt Nam và sẽ tự hào khi huy động được những nguồn vốn từ các nhà đầu tư Việt Nam cũng như thế giới để mang tới vô vàn cơ hội việc làm cho nhân lực nơi đây.
Vị CEO này cho biết luôn muốn làm những điều có ý cho Việt Nam và tạo ra một sản phẩm hàng đầu thế giới từ chính Việt Nam, bởi người Việt, cho người dùng Việt Nam trước tiên và sau đó là tiến ra thế giới.
Mai Ca