Gợi ý đáp án đề minh họa Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội
Ngày 2/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố cấu trúc đề minh họa môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025. Dưới đây là gợi ý đáp án đề minh họa môn Ngữ văn.
Sau đây là gợi ý đáp án đề minh họa Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội
Phần I
Câu 1. Đoạn trích trên nằm trong tình huống ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc và ông trở về nhà trong sự lo lắng, buồn tủi. Tác dụng của việc xây dựng tình huống truyện: giúp nhân vật ông Hai bộc tình yêu làng, yêu nước sâu sắc và lòng căm thù giặc.
Câu 2. Xét theo mục đích nói, các câu văn "Mụ nói cái gì vậy?" "Mụ nói cái gì mà lào xào thế?" là câu nghi vấn. Các câu văn thể hiện sự lo lắng, bất an của ông Hai khi mụ chủ nhà cho rằng dân Chợ Dầu cũng theo giặc và gia đình ông có thể bị đuổi đi bất cứ lúc nào.
Câu 3. Viết đoạn văn tổng-phân-hợp làm rõ nỗi lòng của ông Hai từ lúc nói chuyện với những người tản cư dưới xuôi lên đến khi trò chuyện với bà Hai. Đoạn văn có sử dụng câu đặc biệt và thành phần phụ chú.
- Đoạn tổng – phân – hợp là đoạn văn phối hợp diễn dịch với qui nạp. Câu mở đầu đoạn nêu ý khái quát bậc một, các câu tiếp theo triển khai cụ thể ý khái quát. Câu kết đoạn là ý khái quát bậc hai mang tính chất nâng cao, mở rộng. Những câu triển khai ý được thực hiện bằng các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận…
- Câu chủ đề: Sự bất an của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.
- Các câu triển khai câu chủ đề: 1) Khi mới nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, ông Hai sững sờ, đau đớn (nêu dẫn chứng). 2) Lúc về nhà: Ông Hai tủi thân, thương con, không tin đó là sự thật nhưng rất lo lắng (nêu dẫn chứng). 3) Những ngày sau: Ông Hai sợ hãi khi phải đối diện với cuộc sống xung quanh (nêu dẫn chứng).
- Câu kết: Khẳng định tình yêu làng, yêu nước của ông Hai trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Câu đặc biệt là câu không có cấu tạo theo mô hình cụm chủ ngữ – vị ngữ như các câu thông thường.
Thành phần phụ chú là thành phần được dùng để chú thích bổ sung thông tin một số chi tiết cho nội dung chính của câu và có công dụng bổ sung chi tiết cho nội dung chính của câu nêu thái độ , tâm trạng, ... kèm theo lời nói của nhân vật hoặc có thể là nêu xuất xứ của lời nói, văn bản.
Dựa vào lí thuyết này, trong quá trình viết đoạn văn, học sinh vận dụng vào làm bài sao cho chính xác.
Ví dụ: Đi đâu? (câu đặc biệt) Ông Hai – người có đôi mắt đượm buồn – (thành phần phụ chú)…
Câu 4. Đoạn cuối "Kiều ở lầu Ngưng Bích" (đoạn bắt đầu từ Buồn trông…) của đại thi hào Nguyễn Du sử dụng nghệ thuật độc thoại nội tâm của nhân vật Thúy Kiều.
Phần II
Câu 1. Phép liên kết: phép lặp (nghĩ-nghĩ; họ-họ; điều-điều); phép nối (trong khi đó).
Câu 2. Học sinh nên chọn đồng tình với nhận định "Sống không mục tiêu cũng như lái xe trong một màn sương mù dày đặc". Bởi vì, khi không có mục tiêu, chúng ta không xác định được cuộc đời mình sẽ đi về đâu, mình sẽ phải làm gì và trở thành người như thế nào trong tương lai. Chúng ta cũng không có được tâm thế chủ động, can đảm khi gặp khó khăn, do vậy, dễ nản chí, thất bại.
Câu 3. Kiên định với mục tiêu là chìa khóa của thành công. Gợi ý:
- Kiên định, kiên trì là một trong những phẩm chất của con người. Sự kiên định giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thành công.
- Thomas Edison, nhà phát minh người Mỹ. Ông đã thử nghiệm hơn 1.000 vật liệu khác nhau trước khi tìm ra vật liệu thích hợp để làm ra chiếc bóng đèn điện đầu tiên.
Để kiên định với mục tiêu, chúng ta cần thực hiện các bước sau: xác định mục tiêu cụ thể và lập kế hoạch; tìm hiểu về những lợi ích và giá trị mà mục tiêu đó sẽ mang lại; cần luyện tập và nuôi dưỡng sự kiên trì như một thói quen…