Gợi ý giải đề thi lớp 10 THPT môn ngữ văn ở Hải Dương
Dưới đây là gợi ý giải đề thi lớp 10 THPT môn ngữ văn ở Hải Dương của một cô giáo dạy ngữ văn THCS có kinh nghiệm, chuyên môn tốt ở TP Hải Dương. Bạn đọc có thể tham khảo.
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. (0,5 điểm)
Văn bản: Chuyện người con gái Nam Xương
Tác giả: Nguyễn Dữ
Câu 2. (0,5 điểm)
- Cuộc đối thoại của Vũ Nương với Phan Lang diễn ra trong hoàn cảnh: Vũ Nương tự vẫn nhưng được các nàng tiên trong cung nước cứu thoát, tại đây nàng gặp Phan Lang - người cùng làng.
Câu 3. (0,5 điểm)
- Từ “tiên nhân” trong câu 1 chỉ cha ông, tổ tiên; trong câu 2 chỉ Trương Sinh.
Câu 4. (0,5 điểm)
Các phép liên kết:
Phép nối: vả chăng
Phép thế: nỗi ấy ngựa Hồ gầm gió bấc, chim Việt đậu cành nam
Câu 5. (1,0 điểm)
Việt Nam hiện lên trong đoạn văn với các vẻ đẹp đáng quý:
- Thủy chung, ân nghĩa, có trái tim nhân hậu, bao dung: Ngay cả khi trở thành tiên nữ dưới thủy cung, nàng vẫn nặng tình với cuộc đời và thương nhớ quê nhà. Khi nghe Phan Lang nói về tình cảnh nhà cửa “cây cối thành rừng”, “phần mộ tổ tiên cỏ gai rợp mắt”, nàng đã ứa nước mắt khóc. Giọt nước mắt lăn dài trên gò má của người thiếu phụ đâu chỉ là giọt nước mắt tủi phận mà còn là giọt nước mắt của nhớ nhung, thương xót. Thương cho nhà cửa không người chăm sóc. Thương mồ mả tổ tiên nhà chồng hương lạnh khói tàn. Thương chàng Trương ngày đêm ngóng đợi và bé Đản quấy khóc đòi mẹ.
- Trọng danh dự, nhân phẩm: Ở dưới cung nước vẫn đau đớn nghĩ về nỗi oan chưa được giải, khao khát trở về để phục hồi danh dự.
- Qua đoạn văn, Nguyễn Dữ đã làm hoàn chỉnh nét đẹp vốn có của Vũ Nương, khẳng định vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, thể hiện niềm trân trọng, yêu mến với vẻ đẹp của họ.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
- Học sinh biết viết một đoạn văn nghị luận xã hội nêu được suy nghĩ của bản thân về sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách của đất nước.
- Đoạn văn cần đạt được những ý cơ bản sau:
* Giải thích: Đoàn kết là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Đoàn kết là những cá nhân riêng lẻ kết thành một khối thống nhất cùng nhau hoạt động vì một mục đích chung.
- Người có tinh thần đoàn kết là người biết tương trợ, giúp đỡ người khác, nhất là những người gặp hoạn nạn, khó khăn.
* Sức mạnh của tinh thần đoàn kết:
- Đoàn kết là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn thử thách. Đoàn kết tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn.
- Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh lớn đưa con người đến thành công. Cuộc sống luôn đặt ra cho con người nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Con người không thể một mình mà có thể vượt qua tất cả. Đoàn kết giúp ta vượt qua những khó khăn, thử thách ấy.
- Tinh thần đoàn kết tiếp thêm cho con người sức mạnh để chiến thắng mọi khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Như Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết càng nhiều, thành công càng lớn.
- Đoàn kết giúp con người gắn kết lại với nhau, từ đó tạo nên những mối quan hệ xã hội tốt đẹp, làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.
- Đoàn kết sẽ tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát huy hết khả năng tiềm tàng của mình, tạo nên một sức mạnh tổng hợp không ai địch nổi…
- Tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giúp chúng ta dễ dàng hòa nhập, hợp tác với mọi người xung quanh.
- Người có tinh thần đoàn kết và giúp đỡ người khác sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng.
(Thí sinh lấy dẫn chứng về tinh thần đoàn kết của nhân dân ta trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm…, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.)
- Phải đoàn kết thì chúng ta mới có thể tồn tại và phát triển. Mỗi người chúng ta cần nhận thức rõ về đoàn kết bởi vì nó chỉ mang lại một kết quả tốt đẹp khi ta có mục đích đúng đắn. Nhận thức sai lầm về tình đoàn kết sẽ hại người và đôi khi ta cũng đã vô tình hại chính bản thân.
- Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đoàn kết còn là thước đo phẩm chất đạo đức của mỗi con người và giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân. Mỗi người cần nhận thức được vai trò, biết phát huy tinh thần đoàn kết trong cuộc sống.
Câu 2. (5 điểm)
Học sinh viết bài văn Nghị luận văn học có bố cục ba phần.
1. Mở bài:
* Giới thiệu nhà thơ Bằng Việt, bài thơ “Bếp lửa”
* Nêu vấn đề, giới hạn nghị luận: Dòng kỷ niệm đẹp đẽ của người cháu về tuổi thơ sống bên bà được nhà thơ tập trung thể hiện xúc động trong khổ thơ thứ 3 của bài.
2. Thân bài
* Khái quát chung
- Bài thơ “Bếp lửa” với 7 khổ viết theo thể thơ 8 chữ xen những dòng 7 chữ, 9 chữ, vừa là dòng hồi tưởng, vừa là suy tưởng về một thời thơ bé sống với bà trong sự chăm sóc, yêu thương của bà. Lời thơ là lời tâm tình của người cháu hiếu thảo nơi phương xa nhớ về bà. Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ quá khứ đến hiện tại, từ những kỉ niệm nâng lên thành suy ngẫm.
- Hai khổ đầu là hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cảm xúc và hồi tưởng của cháu về kỷ niệm năm lên 4 tuổi sống bên bà.
* Phân tích
Đoạn thơ là kỷ niệm đẹp đẽ của người cháu về tuổi thơ trong 8 năm sống cùng bà, xa cha vắng mẹ:
- Chữ “ròng” trong câu thơ đầu tạo cảm giác thời gian trôi đi rất chậm, dằng dặc và nặng nề. Bố mẹ công tác ở chiến khu, chỉ có 2 bà cháu sống cùng nhau nơi miền quê hiu quạnh. Mỗi sớm mai, “cháu cùng bà nhóm lửa” là nhóm lên ngọn lửa của sự sống, của tình yêu cháy bỏng trong tâm hồn.
- Trong nỗi nhớ ấy, tiếng chim tu hú trở thành ấn tượng không nhòa, âm vang lòng cháu:
+ Trong 11 câu thơ vang âm đến 5 lần tiếng chim tu hú. Tiếng chim tú hú gợi ra hoàn cảnh cô đơn, vắng vẻ của hai bà cháu.
+ Trong nỗi nhớ của nhà thơ, thanh âm ấy lúc mơ hồ, vang vọng, chới với từ những cánh đồng xa; lúc lại gần gũi, cụ thể; khi dồn dập, khi khắc khoải, da diết như than thở, sẻ chia “sao mà tha thiết thế”. Tiếng chim tu hú khắc khoải, như giục giã làm cho dòng kỷ niệm của cháu trải ra dài hơn, rộng hơn trong không gian xa thẳm của nỗi nhớ thương.
+ Tiếng chim tu hú là âm thanh của đồng quê vọng về, dội vào tâm hồn an ủi lòng người. Hình ảnh tiếng chim tu hú cùng người bà trở đi trở lại nhiều lần như dệt nên bức tranh lung linh, gây xao xuyến.
- Trong âm thanh tiếng chim tu hú, hình ảnh người bà hiện lên rõ nét:
+ Trong ánh lửa chập chờn mờ ảo, bà hiện ra giống như một bà tiên trong câu chuyện cổ tích nuôi dưỡng cháu từng miếng ăn, giấc ngủ, kề cận bên cháu sớm hôm, bảo ban, ân cần dạy dỗ cháu nên người. Các động từ “kể”, “bảo”, “dạy”, “chăm” đã diễn tả 1 cách sâu sắc tấm lòng đôn hậu, tình thương bao la và sự chăm chút của bà dành cho đứa cháu nhỏ. Bà không chỉ là người bà, mà còn là người mẹ, người cha, người thầy đầu tiên. Bà chính là chỗ dựa vững chắc về tinh thần và vật chất cho cháu. Vì thế, dẫu có xa cha vắng mẹ thì cháu vẫn vui và hạnh phúc.
+ Năm lần hai từ “bà” - “cháu” được điệp lại theo lối sóng đôi, cho thấy sự gắn bó và quấn quýt không rời của 2 bà cháu.
- Chia sẻ, trải nghiệm cùng bà mà cháu hiểu được sự hy sinh, vất vả của đời bà. Từ “nghĩ” gợi sự thấu hiểu, từ sự thấu hiểu mà dẫn đến “thương”. Chữ “thương” gói gọn trong đó bao nỗi nhớ, niềm thương và cả lòng biết ơn sâu sắc.
- Hai câu thơ cuối, người cháu hỏi tu hú, cũng là tự hỏi lòng mình. Phép nhân hóa kết hợp với câu hỏi tu từ, khiến lời thơ trở thành lời tâm tình, than thở, hờn trách khi thấy mình chưa trọn vẹn tình yêu thương với bà, để bà tuổi già cô đơn, lẻ bóng nơi quê nhà.
- Khổ thơ cho ta hình dung về một người bà giàu lòng yêu thương con cháu. Bà cùng bếp lửa và âm thanh quen thuộc của làng quê mãi là kỷ niệm không bao giờ quên.
* Nhận xét, đánh giá:
- Nghệ thuật: Khổ thơ, bài thơ giống như 1 câu chuyện nhỏ tâm tình - một hồi ký bằng thơ với 2 giọng tự sự và trữ tình sâu lắng. Câu từ bình dị, hình ảnh thơ đa nghĩa, giàu sức biểu cảm, các biện pháp tu từ đặc sắc...
- Nội dung: Qua dòng tâm sự dạt dào của người cháu, người đọc thấy hiện lên hình ảnh của bà, người phụ nữ Việt Nam tần tảo với tấm lòng đôn hậu, giàu lòng yêu thương con cháu. Đoạn thơ còn cho thấy lòng kính yêu, biết ơn sâu sắc của cháu đối với bà, rộng ra đó còn là tình cảm với gia đình, quê hương, đất nước. Đoạn thơ cũng như cả bài thơ cất lên lời nhắc nhở thiết tha: Những gì thân thiết nhất của tuổi thơ mối người đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời. Mỗi người hãy biết trân trọng, giữ gìn tình cảm gia đình thân thương, tình yêu quê hương đất nước nồng hậu, truyền thống đạo lý quý báu của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề
- Khẳng định thành công, sức sống của bài thơ.
- Liên hệ bản thân...