Gợi ý giải đề thi ngữ văn lớp 10 tại TP HCM
Hơn 96.000 thí sinh tại TP HCM đã hoàn thành xong môn thi ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Sau đây là gợi ý giải đề
Thí sinh xem gợi ý giải đề thi TẠI ĐÂY.
Đề thi tuyển sinh môn ngữ văn lớp 10 tại TP HCM được đánh giá là bám sát nội dung ôn tập, ngữ liệu tốt, sáng tạo, không bị rập khuôn. Tuy nhiên để kiếm điểm cao không dễ. Cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên ngữ văn Trường THPT Trưng Vương (quận 1), cho biết đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn năm nay khá vừa sức, bám sát nội dung ôn tập. Ngữ liệu tốt, không bị rập khuôn.
Đề năm nay sáng tạo, đặc biệt là việc đưa ra chủ đề năm nay được đánh giá là hay, có chiều sâu, mới lạ và toàn bộ các phần đều có tính thống nhất. Về hình thức cũng có sự sáng tạo. Cô Quỳnh Anh cũng cho biết, đề thi ngữ văn tuyển sinh lớp 10 có sức gợi, khá mở với việc trao cho học sinh quyền được lựa chọn.
Đặc biệt, đề đã tạo được sự “cá nhân hóa” ở các phần liên hệ bản thân. Có thể tránh được việc học tủ, học vẹt, chép văn mẫu. Mặc dù vậy, đề thi này yêu cầu học sinh phải có kỹ năng đọc hiểu tốt và đọc kỹ yêu cầu đề bài. "Đề đọc qua có vẻ dễ, nhưng với các yêu cầu đi kèm sẽ tạo được tính phân hóa cho học sinh"- cô Quỳnh Anh nhận xét.
Trong khi đó, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), nhận xét đề gây ấn tượng đầu tiên với hình thức mới lạ: lá thư của cô giáo được đóng khung, trang trí đẹp; một bảng thông báo của CLB Lớn lên cùng sách… Đề nhìn có vẻ dài những lại không khó. Nội dung của đề gần gũi, dễ hiểu, thiết thực. Chủ đề phù hợp với năng lực nhận thức và tình cảm của HS tuổi 15.
Ở các câu hỏi, đề có sáng tạo, chưa bao giờ trùng lặp với các năm trước. Đề không đánh đố, các câu hỏi đều vừa sức, học sinh có học lực trung bình cũng có thể đáp ứng được tất cả các câu. Thầy Bảo cũng cho rằng, đề có tính phân hóa ở 2 phương diện: kỹ năng làm bài và tư duy sáng tạo.
Cụ thể, học sinh cần có kỹ năng đọc, hiểu đề, phân tích đề và trình bày các ý đúng với yêu cầu của đề nhưng trong thực tế nhiều HS không có kỹ năng phân tích để đáp ứng yêu cầu đề. Đối với câu 2 và câu 3 (đề 2) rất cần kỹ năng sáng tạo. Các ý tưởng độc đáo cho câu hỏi mở (câu 2) và câu hỏi phụ (câu 3, đề 2) chắc chắn sẽ được đánh giá cao.
Đúng như dự đoán của các giáo viên và học sinh, đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, ngữ liệu phần Đọc- Hiểu được đưa vào với hình thức một bức thư của cô giáo gửi các học sinh của mình. Trong bức thư này, người giáo viên đã trích những đoạn từ cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" và bài thơ "Gửi mẹ" của nhà thơ Lưu Quang Vũ và tác phẩm "Mặt kính không vướng bụi" của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima. Từ những ngữ liệu đó, học sinh thực hiện các yêu cầu của đề thi.
Ở phần nghị luận xã hội, đề thi cũng thể hiện sự sáng tạo khi để học sinh được tự chọn một khổ thơ hoặc đoạn thơ khiến các em suy nghĩ về tình yêu nước của con người Việt Nam (ở đề số 1). Và ở đề số 2, từ một thông báo của câu lạc bộ lớn lên cùng sách, học sinh sẽ thực hiện các yêu cầu để viết về tình cảm gia đình.