Goldman Sachs: Du khách Trung Quốc trở lại, Việt Nam thuộc nhóm hưởng lợi nhiều nhất

'Chúng tôi cho rằng Hồng Kông, Thái Lan, Việt Nam và Singapore sẽ hưởng lợi nhiều nhất nếu hoạt động du lịch nước ngoài của người Trung Quốc quay trở lại mức của năm 2019', một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định...

Một hành khách ở sân bay quốc tế Bắc Kinh hôm 30/12 - Ảnh: Bloomberg.

Một hành khách ở sân bay quốc tế Bắc Kinh hôm 30/12 - Ảnh: Bloomberg.

Trong những năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Trung Quốc là nguồn du khách quốc tế quan trọng nhất của thế giới. 155 triệu lượt người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài trong năm 2019, chi tiêu hơn 1/4 nghìn tỷ USD.

3 năm qua, khi Trung Quốc đóng cửa biên giới để chống Covid, nhiều nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào du lịch đã điêu đứng. Ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại và hàng triệu du khách nước này đã sẵn sàng để đi du lịch nước ngoài, mở ra những hy vọng mới cho sự khởi sắc của du lịch toàn cầu. Giới phân tích nói rằng hoạt động du lịch trên thế giới sẽ không thể ngay lập tức hồi lại mức trước đại dịch, nhưng các doanh nghiệp và nền kinh tế phụ thuộc vào du khách Trung Quốc chắc chắn sẽ nhận được một “cú huých” quan trọng trong năm 2023.

Năm 2019, Trung Quốc có bình quân khoảng 12 triệu lượt du khách đi du lịch nước ngoài bằng máy bay mỗi tháng. Trong những năm Covid, con số này giảm 95% - theo ông Steve Saxon, một chuyên gia thuộc văn phòng công ty tư vấn McKinsey ở Thẩm Quyến. Ông Saxon dự báo đến mùa hè năm nay, số du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài sẽ phục hồi lên mức khoảng 6 triệu lượt mỗi tháng.

Tháng trước, Trung Quốc tuyên bố sẽ dỡ bỏ quy định cách ly đối với người nhập cảnh từ ngày 8/1, bao gồm cả người Trung Quốc ở nước ngoài về nước. Ngay lập tức, số lệnh tìm kiếm chuyến bay quốc tế và khách sạn ở nước ngoài trên trang Trip.com, nền tảng du lịch lớn nhất Trung Quốc, tăng lên mức cao nhất 3 năm.

Cũng theo Trip.com, lượng đặt chuyến du lịch nước ngoài của người Trung Quốc trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 21-27/1 tăng 540% so với năm ngoái. Mức chi tiêu bình quân mỗi lượt đặt tăng 32%. Các điểm đến được lựa chọn nhiều nhất tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm Australia, Thái Lan, Nhật Bản và Hồng Kông. Mỹ và Anh cũng nằm trong top 10.

“Lượng tiền gửi ngân hàng tăng nhanh trong năm qua đồng nghĩa với việc các hộ gia đình Trung Quốc đang có nhiều tiền mặt” và họ có thể “chi tiêu báo thù”, tương tự như người dân nhiều nước phát triển khi nước họ mới mở cửa trở lại vào đầu năm ngoái - theo chiến lược gia vĩ mô Alex Loo của TD Securities.

Đó thực sự là tin tốt đối với nhiều nền kinh tế.

“Chúng tôi cho rằng Hồng Kông, Thái Lan, Việt Nam và Singapore sẽ hưởng lợi nhiều nhất nếu hoạt động du lịch nước ngoài của người Trung Quốc quay trở lại mức của năm 2019”, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.

Hồng Kông là thành phố đón nhiều du khách nhất thế giới trong năm 2019, với 56 triệu lượt, chủ yếu là du khách Trung Quốc. Theo Goldman Sachs, khi du khách từ Trung Quốc đại lục trở lại, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Hồng Kông có thể tăng thêm 7,6%. Năm 2022, GDP của Hồng Kông ước tính giảm 3,2%.

Tương tự, GDP của Thái Lan có thể tăng 2,9% và của Singapore có thể tăng 1,2% nhờ sự trở lại của du khách Trung Quốc.

Một nghiên cứu của Capital Economics cho rằng những nền kinh tế như Campuchia, Mauritus, Malaysia, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka, Hàn Quốc và Philippines cũng có thể hưởng lợi từ sự trở lại của du khách Trung Quốc. Hôm 5/1, chính quyền Hồng Kông tuyên bố sẽ cho phép tối đa 60.000 người từ đại lục nhập cảnh mỗi ngày bắt đầu từ ngày 8/1, nhằm quản lý giao thông.

Một số nước Đông Nam Á hiện giữ quy định nhập cảnh khá cởi mở đối với du khách Trung Quốc, cho dù quốc gia đông dân nhất thế giới đang bùng dịch mạnh. những nước này bao gồm Thái Lan, Indonesia, Singapore và Philippines.

“Đây là một trong những cơ hội để chúng tôi có thể đẩy nhanh phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan phát biểu mới đây.

New Zealand cũng tạm miễn yêu cầu xét nghiệm đối với du khách Trung Quốc - nguồn khách du lịch mang lại doanh thu lớn thứ nhì cho nước này trước đại dịch.

Tuy nhiên, nhiều nước khác tỏ ra thận trọng hơn. Hiện có khoảng hơn một chục quốc gia gồm Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc có yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với du khách Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Tư tuần trước kêu gọi các nước thành viên đưa ra quy định phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc.

Theo ông Saxon, có một sự xung đột rõ ràng giữa cơ quan quản lý du lịch với giới chức y tế ở một số quốc gia.

Các hãng hàng không và sân bay cũng chỉ trích lời kêu gọi nói trên của EU. Hiệp hội Giao thông đường không Quốc tế (IAEA) hôm thứ Năm ra một tuyên bố gọi động thái của EU là “đáng tiếc” và “phản ứng vội vã”.

Ngoài một số hạn chế nêu trên, hoạt động du lịch toàn cầu cũng cần thời gian để phục hồi hoàn toàn, vì du khách Trung Quốc cần xin cấp hộ chiếu mới và thị thực.

Điệp Vũ

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/goldman-sachs-du-khach-trung-quoc-tro-lai-viet-nam-thuoc-nhom-huong-loi-nhieu-nhat.htm