Goldman Sachs hoài nghi về hiệu quả của việc giải phóng kho dự trữ dầu
Goldman Sachs cho biết đã lường trước việc giải phóng dầu thô từ kho dự trữ quốc gia, đồng thời nói rằng Mỹ dự kiến sẽ giải phóng từ 20 đến 30 triệu thùng.
Mỹ đã thảo luận với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc về việc phối hợp giải phóng kho dự trữ chiến lược nhằm bình ổn giá dầu thô và gửi một thông điệp mạnh mẽ tới OPEC. Tuy nhiên, Ấn Độ và Nhật Bản được cho là đã từ chối việc xả dầu từ kho dự trữ chiến lược của họ, trong khi Hàn Quốc cũng tỏ ra do dự về điều này.
Nhà phân tích của Price Futures Group, Phil Flynn nói: “Nhật Bản và Hàn Quốc đã cho thấy sự không đồng thuận trong việc giải phóng kho dự trữ, vì vậy giá sẽ tăng trở lại một chút. Thị trường sẽ tiếp tục hồi hộp, bởi nó đang thận trọng trước một đợt xả kho dự trữ".
Trong khi đó, Trung Quốc đang chuẩn bị giải phóng dầu lần thứ hai từ kho dự trữ chiến lược, song không rõ liệu động thái này có được lên kế hoạch trước đó hay là chỉ nhằm đáp lại nỗ lực kêu gọi của Tổng thống Biden.
Hai nhà phân tích Damien Courvalin và Callum Bruce của Goldman Sachs cho hay: "Động thái xả kho như vậy sẽ chỉ mang lại một giải pháp ngắn hạn cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trên thực tế, nếu việc giải phóng dầu này được xác nhận và tìm mọi cách để hạ nhiệt giá dầu trong bối cảnh hoạt động giao dịch thấp vào cuối năm, nó sẽ tạo ra xu hướng tăng giá rõ rệt cho dự báo năm 2022 của chúng tôi".
Goldman Sachs cũng dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 85 USD/thùng trong quý cuối cùng của năm và 81,3 USD/thùng vào năm 2022. So với mức đỉnh vào tháng 10, chuẩn Brent đã giảm khoảng 5%.
Trên thực tế, ngân hàng đầu tư này không phải là tổ chức duy nhất hoài nghi về hiệu quả của việc giải phóng kho dự trữ. Nhiều chuyên gia dường như cũng đồng tình rằng, không thể "bơm" đủ khối lượng để gây ra sự sụt giảm lâu dài cho giá dầu. Điều này khiến một động thái như vậy trở nên vô nghĩa.