Golf - môn thể thao thời thượng

Vĩnh Phúc được chọn tổ chức thi đấu môn Golf và Muay tại SEA Games 31, tuy nhiên còn có nhiều người chưa hiểu rõ về 2 bộ môn này. Báo Vĩnh Phúc xin được lần lượt giới thiệu sơ lược về từng bộ môn thể thao này. Trong kỳ này, chúng tôi sẽ giới thiệu về môn Golf.

Sân Golf Đầm Vạc - nơi diễn ra các trận thi đấu môn Golf tại SEA Games 31

Sân Golf Đầm Vạc - nơi diễn ra các trận thi đấu môn Golf tại SEA Games 31

Trong cuốn Golf của tác giả Bùi Xuân Phong xuất bản tháng 2/2019 cho biết: Lịch sử môn thể thao Golf bắt đầu từ trò chơi Chuiwan ở Trung Quốc thế kỷ 8 đến thế kỷ 14, xuất hiện ở Scotland thế kỷ 15 hay bắt nguồn từ trò chơi Paganica thời La Mã cổ đại vẫn còn là điều tranh cãi trong giới nghiên cứu.

Môn thể thao được chơi gần giống với môn Golf ngày nay được đa số học giả ghi nhận phổ biến tại Scotland từ năm 1457, là trò chơi mà những người chăn cừu dùng gậy có một đầu to để thi với nhau xem ai đánh viên sỏi trò đi xa nhất và chính xác nhất.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tác giả, trò chơi Chuiwan mới là trò chơi nguyên thủy giống nhất môn Golf ngày nay căn cứ vào bức họa mang tên “Yến tiệc mùa thu” (the Autumn Banquet, theo Reuters) được vẽ thời nhà Minh ở Trung Quốc (1368-1644), hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Di sản Hồng Kông, Trung Quốc.

Trò chơi Chuiwan được tìm thấy qua các thư tịch cổ, thậm chí đã xuất hiện sớm hơn vào đời nhà Tống (960-1279), sau đó nhiều thế kỷ theo chân các thương nhân trên con đường Tơ Lụa vào châu Âu.

Scotland luôn được coi là quê hương của môn thể thao Golf hiện đại có lẽ vì người Scotland đã viết ra các tiêu chuẩn sân golf và luật chơi golf được áp dụng ngày nay cùng với sự phổ biến theo quá trình xâm chiếm thuộc địa của đế chế Anh trên toàn thế giới. Trong khi đó, môn thể thao Chuiwan tại Trung Quốc sau đó bị thất truyền do sự thống trị của nhà Thanh.

Năm 1567, sân golf đầu tiên trên thế giới được ghi nhận đưa vào sử dụng tại Musselburg, Scotland, sân Musselburgh Links. Tuy nhiên, mãi đến năm 1744, cũng tại Scotland thì luật chơi 18 đường golf mới được chính thức viết ra để quy định cách thức và tiêu chuẩn chơi golf cùng với sự ra đời của câu lạc bộ golf đầu tiên trên thế giới mang tên Thánh Andrews và sân golf The Old Course (tên đầy đủ là the Royal and Ancient Golf Club of St.Andrews).

Các năm 1884, 1887, sân golf thứ 2, thứ 3 được lần lượt ra đời tại bang Virginia, Hoa Kỳ mang tên The Oakhurst Golf Club và Bắc Mỹ mang tên the Foxburg Country Club. Năm 2018, Hoa Kỳ là thị trường golf đứng đầu thế giới với 13.000 sân golf và gần 24 triệu người chơi golf.

Tại châu Á, sân golf đầu tiên được xây dựng ở Ấn Độ - sân Royal Calcutta Golf Club năm 1829. Theo chân người Anh và người Hà Lan, các sân golf khác lần lượt ra đời tại Đông Nam Á như Indonesia - sân Batavia Golf Club, ngày nay là The Jakarta Golf Club (1872), Myanmar - sân Thayet Golf Club (1887), Hồng Kông - sân Royal Hong Kong Golf Club (1889), Malaysia - sân Royal Selangor Golf Club, Kuala Lumpur (1893), Thái Lan - sân The Gymkhana Golf Course (1898), Philiphines - sân Manila Golf Club (1901), và Singapore (trước kia thuộc Malaysia) - sân Singapore Island Country Club (1932)…

Từ Hoa Kỳ, Nhật Bản đến Hàn Quốc, lịch sử phát triển hay thoái trào của môn thể thao Golf luôn gắn liền với những biến động của nền kinh tế. Số lượng người chơi golf tại các quốc gia luôn tăng hoặc giảm tỷ lệ với mức tăng hoặc giảm của thu nhập bình quân đầu người tại các quốc gia đó. Lịch sử phát triển môn thể thao Golf ở các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và Việt Nam đều không tránh khỏi tiến trình lịch sử đó.

Tại Việt Nam, một điều thú vị và khác biệt là sân golf đầu tiên quy hoạch ở Đà Lạt bởi một kiến trúc sư người Pháp, ông Ernest Hébrard vào năm 1923, sau đó vào những năm đầu 1930 được xây dựng theo yêu cầu của hoàng đế Bảo Đại khi ông phát hiện ra môn thể thao này tại Pháp.

Người Pháp và nhà vua Việt đã chọn Đà Lạt để xây dựng sân golf đầu tiên của Việt Nam, xứ sở cao nguyên mát mẻ và thích hợp bậc nhất cho môn thể thao này. Sân golf được thiết kế chi tiết 9 lỗ golf đầu tiên và hoạt động vào năm 1933 như một phần trong các hoạt động vui chơi giải trí của quần thể khách sạn Langbiang Palace (Khách sạn Đà Lạt Palace ngày nay). Sân golf này sau đó bị bỏ hoang vào năm 1945 khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị.

Năm 1993, sân golf được tỷ phú người Mỹ Larry Hillblom đầu tư sửa chữa và mở cửa lại với tên sân golf Dalat Pine Lake Golf Club. Sân golf sau đó được đổi tên thành Da Lat Palace Golf Club vào năm 1995 và còn hoạt động đến ngày nay với tên thường gọi là sân Đồi Cù.

Cũng khoảng từ năm 1930 đến năm 1933, sân golf thứ hai của Việt Nam rộng gần 40 ha được xây dựng bởi hội Golf Club Sài Gòn có tên là Go Vap Golf Course (hay còn gọi là Sai Gon Golf Club).

Kể từ đó, các sân golf lần lượt ra đời trên khắp dải đất hình chữ S từ miền Bắc đến miền Nam. Những năm gần đây, số lượng sân golf tại Việt Nam ngày càng tăng nhanh. Theo thống kê mới nhất từ R&A và dữ liệu toàn cầu của National Golf Foundation, Việt Nam có gần 80 sân golf đã đi vào hoạt động và hơn 40 sân khác đang hoàn thiện. Với Vĩnh Phúc, hiện có 4 sân golf như Tam Đảo, Đại Lải, Đầm Vạc và Thanh Lanh; một số sân Golf khác cũng đang được quy hoạch, đầu tư.

Với thiết kế độc đáo mang nhiều phong cách khác nhau, mỗi sân golf là một vẻ đẹp hấp dẫn gắn kết với thiên nhiên tươi đẹp có địa thế núi, hồ… Những sân golf Tam Đảo, Đại Lải, Đầm Vạc, Thanh Lanh hằng năm thu hút khá nhiều du khách và các Golfer chuyên nghiệp tới thăm quan, trải nghiệm và thi đấu tranh tài ở nhiều giải thể thao lớn trong nước và quốc tế.

Môn Golf ở SEA Games 31 được chọn thi đấu tại Sân Golf Đầm Vạc được nhiều Golf thủ tới từ các nước ưa thích bởi thiết kế riêng biệt, nằm giữa lòng thành phố Vĩnh Yên bên hồ Đầm Vạc thơ mộng, mát mẻ, khí hậu trong lành.

Tới đây, vận động viên các nước đánh giá cao về tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như cảnh quan tươi đẹp giữa mênh mang hồ nước, tre xanh cò bay mà vẫn giữ gìn giữa thành phố cùng nhịp độ phát triển hiện đại.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/the-thao/77232/golf---mon-the-thao-thoi-thuong.html