Gốm của 'kỳ nhân'
Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.
Lần đầu ra mắt, nhưng gần 200 tác phẩm gốm điêu khắc của Giáo sư - Viện sĩ Ngô Xuân Bính đã khiến người trong nghề phải sửng sốt, bởi trong mỗi hiện vật đều ẩn tàng gốc tích văn hóa sâu đậm.
Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo năm 2024, triển lãm gốm nghệ thuật “Hiện linh” của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. Triển lãm bắt đầu từ tháng 11/2024 và kéo dài đến hết tháng 12/2025, tại khu vực cổng làng Mông Phụ nhà cổ trường lang - ngoài sân vườn của Bảo tàng Hà Nội.
Nghệ thuật bám chặt tâm linh
Ngô Xuân Bính từng nổi danh trong rất nhiều lĩnh vực như: Võ sư sáng lập môn phái võ Nhất Nam - một môn võ dân tộc phát triển mạnh ở châu Âu. Ông còn là một thầy thuốc có tiếng trong việc sử dụng y học dân tộc để chữa bệnh.
Ông từng chữa cho Tổng Bí thư Lào Kaysone Phomvihane, Tổng thống Nga Boris Yeltsin và nhiều nguyên thủ khác. Ông được gọi là một “kỳ nhân” khi tham gia nghiên cứu, phát triển thành công và được nhiều người biết đến trên nhiều lĩnh vực khác nhau như điêu khắc, hội họa, thi ca, y học, võ thuật, âm nhạc.
Vài năm trở lại đây, Ngô Xuân Bính tiếp tục gây ấn tượng mạnh với công chúng Việt Nam với hàng loạt triển lãm quy mô lớn, với những tác phẩm ngoại cỡ. Năm 2022, ông có triển lãm nghệ thuật mang tên “Thông linh” nhằm diễn giải câu chuyện “con người thông linh với đất trời” với hơn 50 tác phẩm tượng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: Đá tự nhiên, gỗ, đồng với đa dạng kích cỡ và màu sắc.
Không gian nghệ thuật “Thông linh” được sắp đặt với nhiều tầng từ thấp đến cao, tái hiện không gian thực và ảo rực rỡ đầy màu sắc, mỗi tác phẩm là một bản thể sống động và cũng đầy nghiệt ngã.
Những tác phẩm tượng hoành tráng đã khẳng định tầm vóc của một nghệ sĩ có sức sáng tạo phi thường. Ông đã truyền tải những nỗi niềm khắc khoải về lịch sử, cội nguồn, và cả phần tâm linh quằn quại của kiếp người, kiếp sống, mà phải rất tinh tế mới có thể mô tả và truyền đi thông điệp ấy.
Ở triển lãm này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã khẳng định là một tài sản nghệ thuật đồ sộ của họa sĩ Ngô Xuân Bính: “Đây là thế kỷ của phương Đông, của châu Á và công trình nghệ thuật của họa sĩ Ngô Xuân Bính đã mang đến cho chúng ta những ngữ điệu lạ và những cách nhìn lạ trong một không gian lạ. Sự tinh túy, cô đọng của ngôn ngữ nghệ thuật bám chặt lấy những câu chuyện tâm linh”.
Cũng trong năm 2022, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, triển lãm “Ego - Người” của họa sĩ Ngô Xuân Bính tiếp tục gây sửng sốt đối với giới mỹ thuật cũng như công chúng bởi hơn 200 bức tranh sơn mài và sơn dầu. Triển lãm dựa trên dự cảm nghệ thuật điêu khắc vĩ mô đa chiều, tranh bích họa và ảo ảnh ánh sáng nhờ kỹ thuật số - thuật toán, hoành tráng về số lượng và kích cỡ.
“Nhân loại phải mất hàng nghìn năm để hình thành một bản thể (Ego). Nhưng nhân loại lạc hướng chỉ cần vài chục năm, thậm chí chỉ vài năm đã xóa đi chuỗi gắn kết văn hóa đặc trưng của một vùng miền, một dân tộc: Làng nghề, tập tục, kiến trúc, phương thức canh tác, tôn giáo, nguồn gen… Bởi vậy, “Ego - Người” thể hiện nơi con người tìm thấy bản ngã của chính mình”, họa sĩ Ngô Xuân Bính chia sẻ.
Đánh thức phần linh của đất
Theo họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh, tác phẩm của Ngô Xuân Bính mặc dù đã đạt đến những giới hạn về kích thước, tư duy và khát vọng biểu hiện những nỗi niềm lớn lao mà giới nghệ thuật gọi là xưa nay hiếm, nhưng ông tiếp tục cho ra những khám phá mới mẻ về cách thể hiện trên chất liệu đất truyền thống của người Việt cổ trong triển lãm gốm “Hiện linh”.
Không chỉ tiếp tục khai thác mạch sáng tác “về nguồn”, mà còn làm sống dậy, hiện diện, tỉnh thức những chiều kích vô ngôn trong không gian tâm linh đầy thách thức nhưng cũng rất gần gũi nơi mỗi người.
Tạo hình vững chãi, bề thế, dựa trên họa tiết cổ, gốm của Ngô Xuân Bính trong “Hiện linh” mở ra những không gian tâm linh rộng lớn dưới bề mặt của đất gốm, với dấu tích cung điện, đền đài của văn minh Ấn Độ, Ăngkor và đình chùa, lăng miếu của văn minh Việt cổ.
Tượng đất nung khổ lớn của ông mang đậm phong cách hiện thực, song là một hiện - thực - thức - tỉnh - tâm - linh. Vô số chấm nhỏ được khéo léo tạo ra trên các bề mặt của các tác phẩm một cách có chủ ý đã tạo nên những chuyển động thị giác đặc biệt, khiến các bức tượng không chỉ sống động, mà còn nhức nhối. Gần mà xa, đanh rắn mà mềm mại, đất gốm như được thổi hồn một cách dung dị mà hiệu quả.
Những linh vật gốm của ông, tựa như các vị thần từ cổ tích, sừng sững như những ngôi đền, mang trên mình truyền thuyết huyền sử. Chúng nhắc nhở con người về cội nguồn bằng ký tự và họa tiết cổ, về những thực tại đang ngủ trong tiềm thức con người.
Những nhóm tượng người của ông quằn quại, nhào lộn, ngơ ngác trong kiếp nhân sinh, cuộn vào nhau, đóng tảng tựa như trong một cuộc đánh mất mình của tập thể. Chất gốm của đất mẹ ôm trọn nỗi đau nhân thế, từ bàn tay người nghệ sĩ, đã đánh thức nơi người xem một tình yêu thương, một niềm xót xa đồng loại đến nao lòng.
“Hình hài và đường nét của mỗi tác phẩm như được nhào nặn từ sâu thẳm tâm hồn và khát vọng biểu hiện cái vô ngôn của Ngô Xuân Bính. Tác phẩm của ông mang sức nặng và hào quang của huyền sử, dẫn dắt người xem trở về với những giá trị tâm linh đang dần bị quên lãng trong thế giới hiện đại - một thế giới mà con người ngày càng trở thành nô lệ cho những cỗ máy mà chính họ tạo ra, đánh mất bản ngã vì những khát vọng thực dụng, vô hồn và vô thần”, họa sĩ Tuấn Thịnh nhấn mạnh.
Chất men bao phủ tác phẩm được Ngô Xuân Bính sử dụng loại men cổ giản dị nhưng bề thế, gần gũi mà thuyết phục, mang sức nặng, chiều sâu của thời gian và không gian. Mỗi pho tượng sống động như thể đang hít thở bầu không khí của chiều dài những kỷ nguyên mà tác giả vừa gọi về thực tại.
Họa sĩ Tuấn Thịnh cho rằng: “Chiêm ngưỡng “Hiện linh”, tôi cảm nhận rõ nét và tin rằng người yêu nghệ thuật cũng sẽ cảm nhận được phong cách nghệ thuật Ngô Xuân Bính không lẫn vào đâu được. Chất bác học, chất vị nhân sinh tràn đầy giúp người xem khám phá và khai mở giữa những điều lạ mà quen, huyền bí mà dung dị, nối hiện thực với tâm linh, truyền thống với đương đại và nối dài mạch tác phẩm từ về nguồn đến khai mở”.
Giới nghệ thuật cũng đánh giá, sáng tác của Ngô Xuân Bính trong triển lãm “Hiện linh” đạt đến độ hòa quyện độc đáo giữa tư duy sâu sắc của một nhà nghiên cứu lý luận mỹ thuật và cảm thức mãnh liệt của một nghệ sĩ đã bén rễ vững chắc trên những giá trị nhân văn cốt lõi.
Ở tác giả đã hội tụ và hun đúc đầy đủ đam mê, tri thức và trí tuệ để có thể đánh thức được phần linh của đất, gọi dậy những âm vang huyền sử cùng căn tính linh thiêng và sâu thẳm, giản dị và nhân từ vốn có tự ngàn đời của đất.
Văn hóa 4.000 năm trên gốm “Hiện linh”
Nếu “Ego - Người” là khởi đầu chu du trong thế giới của bản thể khai nguyên diễn trình theo giáo lý nhà Phật, được thuyết với một thể tính trường tồn, không bị ảnh hưởng của tụ tán, sinh tử.
“Thông linh” lại dẫn dắt người xem trở về hoàn nguyên vũ trụ và giờ đây “Hiện linh” với những tác phẩm điêu khắc lớn hơn trong một không gian điêu khắc thuần túy, mở ra một không gian nhiều tổ khúc của đất và lửa.
Hai chữ “Hiện linh” được họa sĩ Ngô Xuân Bính giải thích như sau: “Hiện” là sự hiện diện, đi ra từ bên trong; “linh” trong nghĩa linh thiêng, huyền diệu. Sự xuất hiện của “Hiện linh” chỉ xảy ra trong các trường hợp là sự xuất hiện của một thực thể hoặc hiện tượng mang tính tôn giáo tín ngưỡng, như để báo hiệu, chở che, khẳng định sự linh thiêng của hiện tượng đang xảy ra. “Hiện linh” mang ý nghĩa sâu sắc, thường gắn liền với niềm tin vào sự hiện diện của các thực thể siêu nhiên, thần thánh, hoặc linh hồn trong đời sống con người.
Đây là một khái niệm phổ biến trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo trên thế giới, đặc biệt là ở những nơi mà niềm tin vào tâm linh đóng vai trò quan trọng. Nhưng “Hiện linh” trong sự xuất hiện này là một hiện thực hiện hình, hiện diện cốt lõi của một nền văn hiến lâu đời hơn 4.000 năm lịch sử với chiều dài văn hóa từ khởi thủy chấm, khắc vạch Phùng Nguyên, tín hiệu hoa văn Đông Sơn, âm hưởng của văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo… được tái hiện trong một sức vóc đương đại đầy nội lực.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Minh cho rằng: “Ký ức hơn 4.000 năm của người Việt gợi đến những huyền tích, như: Con cóc là cậu ông trời, Hóa rồng, Tín ngưỡng phồn thực, sinh thực khí nam - nữ; các hành vi giao phối… với tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và con người của văn hóa thuần Việt, hòa với quan niệm xa xưa “vạn vật hữu linh”, để một “Hiện linh” đầy hào hùng của dân tộc đã trải qua nhiều biến cố trỗi dậy, hiển hiện dưới bàn tay nhào nặn thăng hoa của nghệ sĩ.
Ngắm nhìn gần 200 tác phẩm gốm quy mô của họa sĩ Ngô Xuân Bính, có lẽ người xem cũng gợi tưởng đến sự kỳ dị, kỳ ảo của một kỳ nhân. Bởi ở trong lĩnh vực gốm, không ít người đã “ăn đời ở kiếp” mấy chục năm với nghề, song không thể tạo ra những tác phẩm mà thông điệp và tư duy nghệ thuật lại rành mạch đến thế.
Hoạt động lao động sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt với các tác phẩm gốm điêu khắc “Hiện linh”, họa sĩ Ngô Xuân Bính cũng chứng tỏ mạch nguồn văn hóa không ngừng nghỉ của nghề gốm Việt Nam.
Đồng thời qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển của gốm Việt; nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cha ông; gắn kết, lan tỏa các giá trị truyền thống và hiện đại; tạo dựng không gian sáng tạo mới, đưa mỹ thuật đến gần với đời sống hơn.
Họa sĩ Ngô Xuân Bính sinh năm 1957 tại Nghệ An. Ông là giáo sư, viện sĩ người Việt tại Nga, hiện là Ủy viên Ủy ban Liên bang Nga về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Chủ tịch Liên đoàn võ Nhất Nam tại Liên bang Nga và châu Âu.
Ông nghiên cứu, tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau và thành danh với những công trình hoặc tác phẩm nổi tiếng. Ông là võ sư sáng lập môn phái võ Nhất Nam, từng xuất bản sách võ thuật Nhất Nam căn bản 5 tập; xác lập kỷ lục về “Bộ sách châm cứu nhiều trang nhất”; từng có nhiều triển lãm về mỹ thuật - điêu khắc ở trong và ngoài nước; nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gom-cua-ky-nhan-post709521.html