Google trả 1,1 tỉ đô la để dàn xếp vụ điều tra gian lận thuế tại Pháp

Google chấp nhận trả 965 triệu euro (gần 1,1 tỉ đô la Mỹ) tiền phạt và tiền nợ thuế để dàn xếp hai vụ kiện thuế tại Pháp, nơi hãng công nghệ này bị điều tra về cáo buộc khai báo không đầy đủ các hoạt động kinh doanh để trốn thuế.

 Google chấp nhận trả 965 triệu euro (gần 1,1 tỉ đô la Mỹ) tiền phạt và tiền nợ thuế để dàn xếp hai vụ kiện thuế tại Pháp. Ảnh: AFP

Google chấp nhận trả 965 triệu euro (gần 1,1 tỉ đô la Mỹ) tiền phạt và tiền nợ thuế để dàn xếp hai vụ kiện thuế tại Pháp. Ảnh: AFP

Hôm 12-9, Văn phòng công tố viên tài chính Pháp cho biết một tòa án ở Paris đã cho phép Google nộp phạt 500 triệu euro (553 triệu đô la) để chấm dứt một vụ điều tra gian lận thuế tại Pháp.

Google xác nhận về thỏa thuận đóng phạt trên và cho biết công ty cũng nhất trí trả 465 triệu euro (515 triệu đô la) tiền nợ thuế cho Cục Thuế quốc gia Pháp (FTA).

Trong nhiều năm qua, Google bị FTA kiện với cáo buộc trả thuế không đầy đủ. FTA cho rằng Google ghi nhận hầu hết doanh thu quảng cáo ở châu Âu bao gồm Pháp cho Google Ireland Ltd, công ty con của Google tại Ireland.

Bộ trưởng Ngân sách Pháp Gerald Darmanin nói rằng vụ dàn xếp nộp phạt và trả nợ thuế của Google sẽ đặt ra một tiền lệ pháp lý. Ông nói rằng Pháp đang đàm phán với một số công ty công nghệ về các dàn xếp tương tự.

Đây không phải là lần đầu tiên Google dàn xếp các vụ kiện gian lận thuế tại châu Âu. Năm 2016, Google đồng ý trả tiền nợ thuế 160 triệu đô la để khép lại vụ kiện của cơ quan thuế Anh về cáo buộc gian lận thuế trong giai đoạn 2005-2015. Một năm sau đó, Google chấp nhận nộp tiền nợ thuế 306 triệu euro cho cơ quan thuế Ý trong vụ kiện tương tự.

Vụ dàn xếp nộp phạt và trả nợ thuế tại Pháp là một diễn biến bất ngờ vì cách đây hai năm, một tòa hành chính ở Paris đã bác bỏ yêu cầu của FTA đòi Google trả khoản nợ thuế 1,1 tỉ euro trong giai đoạn 2005-2010. FTA cho rằng Google phải nộp thuế vì Google và công ty con Google Ireland Limited bán dịch vụ chèn quảng cáo trực tuyến cho các khách hàng ở Pháp trong nhiều năm.

Tuy nhiên, tòa án hành chính Paris lưu ý Google Ireland Limited không thiết lập cơ sở thường trú tại Pháp thông qua công ty Google France. Tòa án cũng xác nhận Google France không sử dụng các nhân lực và các phương tiện công nghệ để bán các dịch vụ quảng cáo cho khách hàng Pháp.

Trong thông báo hôm 12-9, người phát ngôn của Google nói rằng họ muốn khép lại các vụ kiện tụng kéo dài trong nhiều năm ở Pháp để hướng về phía trước. Hiện các nước châu Âu đang xoay sở tìm hướng đánh thuế đối với các khoản lợi nhuận thực tế mà các công ty công nghệ quốc gia kiếm được từ nước họ.

Pháp đã thúc đẩy mạnh mẽ một hệ thống đánh thuế nhằm vào các dịch vụ kỹ thuật số áp dụng cho toàn thể các nước thành viên Liên minh châu Âu nhưng nỗ lực này vấp phải sự phản đối của các nước như Ireland, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan.

Hồi tháng 7, Quốc hội Pháp thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số. Vì dự luật này nhắm đến những công ty công nghệ khổng lồ toàn cầu, chủ yếu đến từ Mỹ nên nó còn gọi được gọi là dự luật GAFA (viết tắt chữ đầu tiên trong tên bốn công ty công nghệ Mỹ gồm Google, Apple, Facebook và Amazon).

Theo dự luật, các công ty công nghệ lớn nhất đang cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số (quảng cáo trực tuyến, dịch vụ kết nối, bán dữ liệu cá nhân...) cho các khách hàng Pháp sẽ chịu mức thuế 3% trên tổng doanh thu hàng năm của họ tại Pháp. Dự luật áp dụng cho các công ty công nghệ có doanh thu dịch vụ kỹ thuật số hàng năm ít nhất 750 triệu euro trên toàn cầu và ít nhất 25 triệu euro tại Pháp.

Phản ứng trước động thái trên của Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ mở cuộc điều tra dự luật GAFA để tìm kiếm các biện pháp trả đũa.

Sau cuộc gặp với ông Trump bên lề hội nghị cấp cao của khối Bảy nước công nghiệp phát triển (G7) ở Pháp hồi cuối tháng 8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp và Mỹ đã đạt được thỏa hiệp về thuế dịch vụ kỹ thuật số. Theo đó, Pháp sẽ hủy bỏ áp dụng luật GAFA một khi Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) soạn thảo xong cơ chế đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số để áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Pháp cũng đồng ý trả lại phần chênh lệch nếu như mức thuế dịch vụ kỹ thuật số mà OECD đưa ra thấp hơn mức thuế trong dự luật GAFA.

Các “ông lớn” công nghệ như Apple, Amazon, Google chọn các nước châu Âu có mức thuế thấp hoặc có các chế độ ưu đãi thuế như Ireland, Hà Lan hay Luxembourg để đặt trụ sở đại diện của họ và báo cáo doanh thu, trong khi đó ghi nhận chi phí tiếp thị, hỗ trợ và các chi phí phụ khác cho các công ty con ở các nước khác.

Điều này khiến lợi nhuận phải nộp thuế của các công ty công nghệ này ở các nước châu Âu mà họ kinh doanh chỉ còn lại rất ít. OECD cho biết các chiến lược như vậy đã khiến các quốc gia trên toàn thế giới mất 240 tỉ đô la trong nguồn thu thuế mỗi năm. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết trên thực tế, Apple chỉ nộp mức thuế thu nhập 0,005% trên lợi nhuận ròng của họ ở châu Âu vào năm 2014, tức chỉ 50 euro/1 triệu euro lợi nhuận nhờ chuyển doanh thu và lợi nhuận ở châu Âu đến công ty con tại Ireland.

Theo WSJ, Reuters

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294071/google-tra-11-ti-do-la-de-dan-xep-vu-dieu-tra-gian-lan-thue-tai-phap.html