Góp bài học kinh nghiệm cho Chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952, là chiến dịch đầu tiên sử dụng lực lượng lớn nhất về bộ binh và các binh chủng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) nhằm tiến công địch phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của quân Pháp, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch ở chiến trường trung du liên khu 3, góp phần làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của quân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình khẳng định khả năng tác chiến ở địa hình rừng núi và khả năng tiến công hệ thống cứ điểm địch phòng ngự trong công sự vững chắc, tạo bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952, là chiến dịch đầu tiên sử dụng lực lượng lớn nhất về bộ binh và các binh chủng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) nhằm tiến công địch phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của quân Pháp, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch ở chiến trường trung du liên khu 3, góp phần làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của quân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình khẳng định khả năng tác chiến ở địa hình rừng núi và khả năng tiến công hệ thống cứ điểm địch phòng ngự trong công sự vững chắc, tạo bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Trước Chiến dịch Hòa Bình, ta phần lớn tác chiến du kích ở quy mô nhỏ, mục tiêu tiến công chủ yếu là cứ điểm hoặc cụm cứ điểm của địch. Nhưng địch đã thay đổi thủ đoạn từ phòng ngự cứ điểm theo kiểu "đồn binh” chuyển sang phòng ngự kiểu tập đoàn cứ điểm, có lực lượng quân ứng chiến cơ động cao, dưới sự chi viện đắc lực của hỏa lực không quân, pháo binh. Thực tiễn đó đòi hỏi và đặt ra những yêu cầu khách quan trong chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật tác chiến chiến dịch.
Để bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch, Bộ Tổng Tư lệnh đã kịp thời chỉ đạo sâu sát công tác trinh sát nắm địch, nắm chắc sự thay đổi trạng thái và hình thái bố trí của địch sau khi chuyển vào phòng ngự chiến dịch. Theo phương pháp tác chiến mới, Bộ Tổng Tư lệnh tập trung ưu thế lực lượng và phương tiện nhằm đột phá phòng tuyến sông Đà, đánh bại hoàn toàn ý đồ đánh chiếm Hòa Bình của địch. Để phối hợp với mặt trận chính diện phía trước ở Hòa Bình, ta sử dụng một phần bộ đội chủ lực kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích tiến công địch trên mặt trận phía sau lưng địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, liên tục tiến công tiêu hao sinh lực địch, giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng, làm thay đổi cục diện chiến trường buộc địch phải rút khỏi Hòa Bình về cứu vãn cho trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Trong Chiến dịch Hòa Bình, bộ đội ta đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo phương châm "đánh điểm, diệt viện”. Theo đó, ta không tiến công toàn bộ hệ thống phòng ngự trên cả hai phân liên khu của địch mà tập trung lực lượng, phương tiện đột phá trên tuyến sông Đà, lựa chọn một vài cứ điểm hoặc cụm cứ điểm quan trọng của hệ thống phòng ngự trong hai phân liên khu của địch để thực hiện "đánh điểm”, như trận tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở cứ điểm Tu Vũ của Trung đoàn 88, Đại đoàn 308; trận tập kích các cao điểm 400, 600 của Trung đoàn 141, Đại đoàn 312; trận tiến công trận địa pháo địch trong thị xã Hòa Bình của Đại đoàn 308 và Trung đoàn 66, Đại đoàn 304. Khi đã hoàn thành mục tiêu "đánh điểm” ta nhanh chóng chuyển sang thực hiện mục tiêu "diệt viện” bằng các trận đánh địch chi viện đường sông trên phòng tuyến sông Đà của Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 141 tiến công địch chi viện đường bộ ở Gốp Bộp của Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Có thể nói nghệ thuật "đánh điểm, diệt viện” có nhiều nét phát triển mới sáng tạo và tiến bộ hơn trước, mang lại hiệu suất chiến đấu cao, thành công của chiến dịch đã khẳng định khả năng ưu việt trong tác chiến của bộ đội ta ở địa hình rừng núi.
Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thể hiện tinh thần không tiếc sức người, sức của cho chiến thắng. Đảng bộ, quân dân tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận và phân phối đến các đơn vị ngoài mặt trận hàng trăm tấn lương thực, vũ khí, đạn dược, đảm bảo cho bộ đội ăn no đánh thắng. Trong vòng hơn 100 ngày tham gia phục vụ chiến dịch, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã huy động 200.000 ngày công phục vụ công tác vận chuyển, ủng hộ bộ đội 323 con bò, 200 con lợn, hàng nghìn cây tre, bương để dựng lán trại, làm hàng trăm bè mảng giúp bộ đội vượt sông, suối. Phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị chủ lực, quân và dân Hòa Bình đã chiến đấu anh dũng góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Ngày 23/2/1952, tỉnh Hòa Bình hoàn toàn được giải phóng.
Chiến dịch Hòa Bình đã đập tan âm mưu lập "Xứ Mường tự trị” của thực dân Pháp trên đất Hòa Bình. Tổng kết chiến dịch, ta tiêu diệt 6.012 tên địch, 156 xe các loại, 17 tàu chiến cano, 24 đại bác, 9 máy bay cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác. Trong đó có những trận đánh điển hình như trận cầu Dụ ngày 12/12/1951, trong vòng 20 phút ta đã tiêu diệt 34 xe cơ giới cùng hàng trăm tên địch; trận phục kích đánh địch ở Giang Mỗ ngày 7/2/1952 ta tiêu diệt 200 tên địch, phá hủy 10 xe cơ giới, trong đó có cả xe tăng. Trong trận này, nổi lên là gương chiến đấu anh dũng của Anh hùng Cù Chính Lan dùng lựu đạn tiêu diệt xe tăng địch...
Khi nghiên cứu về chiến tranh của quân Pháp ở Đông Dương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Chiến dịch giải phóng Hòa Bình chính là cuộc tập dượt lớn của bộ đội ta cho trận Điện Biên Phủ sau này. Nếu không có Chiến dịch Hòa Bình thì sẽ không có chiến thắng ở Hồng Cúm, Him Lam...