Góp 'đẹp' cho đời
Không ồn ào như sản xuất các mặt hàng công nghiệp, không tiếng đục đẽo như nghề chế tác gỗ thủ công… nghề trồng hoa và cây cảnh ở thành phố Tuyên Quang lại mang một nét riêng độc đáo. Những người làm nghề giống như các 'nghệ sỹ' tài ba với bàn tay khéo léo của mình đã tạo ra những sản phẩm hoa, cây cảnh đẹp đẽ cung cấp ra thị trường khiến không khí ngày Tết càng thêm rực rỡ, vui tươi.
Từ tình yêu cây, hoa
Sáng nào cũng vậy, cứ 4, 5 giờ sáng ông Nguyễn Văn Sinh ở thôn Phú An, xã Thái Long đã dậy để chăm sóc vườn hoa của gia đình. Đây là nghề truyền thống được gia đình ông duy trì trong mấy chục năm qua. Nhờ nghề này mà gia đình ông nuôi các con học hành đầy đủ, trưởng thành. Ông Sinh quê gốc ở thành phố Vĩnh Yên - “vựa” hoa cung cấp cho thành phố Hà Nội. Nhà ông trồng hoa từ lâu nên có kinh nghiệm, biết đất nào hợp với từng loại hoa gì, gia đình ông còn trở thành đầu mối cung cấp hoa cho nhiều nông dân và các nhà vườn trên địa bàn tỉnh. Nối nghiệp gia đình, con gái cả của ông Sinh là chị Nguyễn Ánh Tuyết dù học xong cao đẳng nhưng lại gắn bó với nghề trồng hoa, thời gian gần đây chị đã lên ý tưởng tạo nên một thung lũng hoa, tạo địa điểm “check in” cho giới trẻ và du khách yêu hoa.
Vườn hoa của gia đình chị Nguyễn Ánh Tuyết ở xã Thái Long trở thành địa chỉthu hút giới trẻ, khách du lịch đến chụp ảnh, tham quan.
Đến thăm khu vườn hoa sặc sỡ sắc màu của gia đình ông Sinh vào một ngày gần đây, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi cơ man những loại hoa đua nhau khoe sắc như: Hoa thược dược, hoa cánh bướm, violet… Để tạo điểm nhấn cho khu vườn, ông Sinh còn khéo léo làm những mô hình cây anh đào, cây phong lá đỏ... Nhờ thế khu vườn của gia đình ông đã thu hút khách du lịch mang lại thu nhập khá. Ông Sinh bảo, để chăm sóc những vườn hoa đẹp ngày nào ông cũng phải dậy thật sớm hoặc thức khuya để chăm sóc hoa, bắt sâu cho hoa. Những khi thời tiết rét đậm còn lo hoa “ốm” hơn cả người bởi hoa héo, hay chết là gia đình ông thất thu.
Đối với Nghệ nhân Nguyễn Xuân Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh ở tổ 10 phường Phan Thiết lại dành tình yêu đặc biệt đối với những cây cảnh được ông chăm bẵm bao năm qua. Khu vườn “tình” được ông đặt trên mái với đầy rẫy những cây sanh, cây si, cây ô dô, duối... với dáng trực, xuyên, hoành, huyền... Ông Tuyến nói, nhìn mấy cây nhỏ thôi nhưng lại có “võ”. Những cây này được ông tạo dáng bonsai đã có tuổi đời vài chục năm nhưng lại rất gọn gàng, đẹp đẽ để trưng bày ở bàn làm việc hay trong nhà đều rất đẹp. Cây cảnh có lúc thăng, lúc trầm nhưng với những người yêu cây như ông, cây bonsai luôn có sức hút riêng, làm đẹp, giúp cho ngôi nhà có phong thủy tốt.
Theo ông Tuyến, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 300 người làm nghề cây cảnh. Các hội viên sinh vật cảnh của tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi, chia sẻ nghề với nhau và vào những dịp lễ, Tết Nguyên đán hàng năm Hội đều tổ chức triển lãm cây cảnh. Qua đó, góp phần tạo điểm nhấn cho hoạt động vui xuân, đón Tết của nhân dân và tạo khí thế phấn khởi thúc đẩy các hội viên sinh vật cảnh sáng tạo ra những “tác phẩm” mới, góp phần làm đẹp cho đời.
Vừa thu nhập cao, vừa làm đẹp phố phường
Ngoài góp phần làm đẹp phố, phường, thì nghề trồng đào ở phường Nông Tiến đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Cây đào trước đây chỉ được trồng lẻ tẻ ở nhà các hộ dân, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây cây đào đã trở thành cây thế mạnh góp phần làm thay đổi “bộ mặt” của phường.
Gia đình ông Bùi Xuân Dũng ở tổ 9, phường Nông Tiến, Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay có gần 100 gốc đào thế cung cấp ra thị trường, giá trị mỗi cây đào khi cho thuê vào dịp Tết rơi vào khoảng từ 2 đến gần chục triệu đồng mỗi cây. Đây là một khoản thu không nhỏ với người nông dân khi chỉ làm nông nghiệp đơn thuần, nếu đem so với các loại cây khác thì giá trị khó có thể vượt qua cây đào. Tuy nhiên, để những cây đào có hồn, có dáng và trổ hoa vào đúng dịp tết thì ông Dũng và vợ phải chăm bẵm cây như chăm con, phải cắt tỉa, tuốt lá, bón phân… đúng thời vụ và còn phải biết “trông trời, trông đất, trông mây”. Ông Dũng chia sẻ, yếu tố thời tiết rất quan trọng đối với nghề trồng đào, khi lạnh thúc cho đào nở phải tưới nước ấm đều, khi cần hãm đào ra hoa lại ít tưới nước. Nhìn những “đốm” hoa nhỏ nhắn thế thôi nhưng đằng sau đó là cả sự vất vả, công sức lao động của một năm trời.
Cách gia đình ông Dũng không xa là ngôi nhà 2 tầng khang trang của gia đình bà Lê Thị Minh bên khu vườn đào đang e ấp nụ. Thấy khách đến chơi, bà Minh đon đả thông báo, năm nay chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi nên chắc chắn hoa sẽ trổ đúng dịp Tết Nguyên đán, giá trị cây đào sẽ được nâng lên. Hiện đã có nhiều khách đến gia đình bà đặt mua, nhiều khách quen của gia đình bà từ nhiều năm trước đã đặt sẵn, trên cành cây đào cổ thụ đã treo bảng tên chờ ngày khách “rước” về làm đẹp cho ngôi nhà của gia đình.
Theo thống kê của UBND phường Nông Tiến, hiện nay trên địa bàn có 143 hộ trồng đào, tập trung chủ yếu ở các tổ 8, 9 và 10. So với các loại cây khác thì cây đào là loại cây có giá trị cao góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân trên địa bàn, chính vì thế UBND phường đã có kế hoạch phát triển, nâng cao giá trị loại cây này. Đồng chí Dương Văn Thìn, Chủ tịch UBND phường Nông Tiến cho biết, nhằm cụ thể hóa Kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện “Mỗi xã một sản phẩm chủ lực” đến năm 2020, phường đang triển khai kế hoạch thực hiện việc phát triển, nâng cao giá trị cây đào trên địa bàn. Theo đó sẽ quy hoạch, phát triển diện tích đào lên trên 91 nghìn m2 với giá trị kinh tế ước tính khoảng trên 19 tỷ đồng. Nghề trồng đào không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao còn tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch trên địa bàn thành phố Tuyên Quang vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, một du khách đến từ Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bày tỏ, chị đã từng đi thăm vườn đào nhiều nơi, trong đó có cả vườn đào Nhật Tân, nhưng những vườn hoa đào, cây cảnh ở Tuyên Quang lại mang những nét riêng. Đặc biệt, phong cảnh, khí hậu ở đây trong lành, khoáng đạt đã giúp việc “thưởng hoa” thực sự nhẹ nhàng, không xô bồ, làm cho tinh thần người chơi thực sự thoải mái khi du xuân.
Nghề trồng hoa và cây cảnh ở thành phố Tuyên Quang đã thực sự mang lại hiệu quả, khiến cuộc sống của những người nông dân có cơ hội được “đổi đời”. Vào mỗi dịp lễ, Tết… nhu cầu mua hoa và cây cảnh thường tăng lên. Vì vậy, trong quá trình phát triển, các phường của thành phố cũng đã chú ý đến việc quy hoạch, định hướng người dân để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân trên địa bàn.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/gop-dep-cho-doi-127267.html