Gộp giấy phép lái xe phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng phải sửa nhiều quy định
Theo chuyên gia, về lâu dài, việc gộp giấy phép lái xe B1 và B2 về cùng hạng B sẽ mang lại nhiều ưu điểm, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng sẽ phải sửa nhiều quy định hiện hành.
Gộp bằng B1 và B2 về cùng hạng B lâu dài mang lại nhiều ưu điểm
Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, hiệp hội về dự thảo báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại dự thảo báo cáo đang lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất thay đổi một số hạng giấy phép lái xe (GPLX).
Trong dự thảo báo cáo mới, Bộ Công an đề xuất bỏ hạng A4 và không quy định hạng GPLX cho người điều khiển máy kéo vì căn cứ vào kiểu loại, công dụng của phương tiện, loại phương tiện này sẽ được xếp vào nhóm xe máy chuyên dùng. Đồng thời, Bộ Công an cũng đề xuất đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B do căn cứ để phân hạng GPLX là từ công suất, kiểu loại, động cơ, số chỗ ngồi.
Việc cấp GPLX theo hạng mới này, theo Bộ Công an, sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những GPLX thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại. Điều khoản chuyển tiếp sẽ quy định GPLX cấp trước khi luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo thời hạn và giá trị ghi trên GPLX.
Giải thích về đề xuất trên, đại diện Bộ Công an cho rằng, việc đưa nội dung phân hạng GPLX vào dự thảo luật nhằm nội luật hóa các quy định về phân hạng GPLX quy định tại Công ước Viên năm 1968, đảm bảo cam kết của Việt Nam khi ký kết, gia nhập công ước.
Theo Bộ Công an, việc này còn tạo thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập tại các nước là thành viên Công ước Viên năm 1968; không mất chi phí đổi, học để được cấp GPLX, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, thương mại, hợp tác quốc tế, đồng thời phát triển đầu tư, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện trong nước và quốc tế do có sự đồng bộ về phân hạng phương tiện và GPLX. Việc chuyển đổi chỉ thực hiện đối với sát hạch, cấp mới và các trường hợp cấp đổi, cấp lại, chuyển đổi thực hiện theo hướng có lợi cho người dân, không gây mất an toàn giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho biết: “Giấy phép lái xe hạng B1 và B2 hiện có ba loại: B1 số tự động (B11), B1 và B2. Việc đưa tất cả giấy phép lái xe hạng B1 và B2 về cùng hạng B cần xem xét nhiều mặt".
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, Công ước Vienna về giao thông đường bộ năm 1968 - Công ước về Giấy phép lái xe quốc tế là một hiệp định quốc tế về việc công nhận và chấp nhận giấy phép lái xe của một quốc gia tại các quốc gia khác. Được gọi là “Vienna Convention on Road Traffic”, công ước này được ban hành bởi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) vào năm 1968 tại Vienna, Áo.
Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna năm 1968 từ ngày 20/8/2014. Việc phân hạng giấy phép lái xe phải đảm bảo vừa kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và không trái với quy định của Công ước Vienna 1968.
Công ước Vienna quy định 11 hạng Giấy phép lái xe, bao gồm các hạng A, B, C, D, E, F, G, H, I, K và M. Mỗi hạng Giấy phép lái xe cho phép người lái xe điều khiển một loại xe cụ thể. Ví dụ, hạng B cho phép lái xe ô tô con, hạng C cho phép lái xe tải, hạng D cho phép lái xe khách.
TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, việc đưa tất cả giấy phép lái xe hạng B1 và B2 về cùng hạng sẽ phù hợp với Công ước Vienna. Đơn giản hóa hệ thống bằng lái xe, dễ hiểu hơn, giảm bớt sự nhầm lẫn cho người dân.
“Người lái xe có bằng B sẽ được phép lái tất cả các loại xe thuộc hạng B, bao gồm cả xe số sàn và số tự động, xe tải hay máy kéo dưới 3,5 tấn, và xe chở người đến 9 chỗ; được dùng giấy phép này để kinh doanh hay không kinh doanh dịch vụ vận tải. Việc gộp hai hạng bằng giúp người học chỉ cần học và thi một lần, tiết kiệm chi phí và thời gian so với việc học và thi hai lần cho hai hạng bằng riêng biệt”, TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Hữu Đức lo ngại việc cho phép người lái xe chỉ học và thi lái xe số tự động có thể dẫn đến việc họ không đủ kỹ năng để lái xe số sàn, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác khi tham gia giao thông. Hiện nay các GPLX hạng B11, B1 và B2 khác nhau về một số nội dung như thời gian đào tạo, loại xe được điều khiển, thời hạn sử dụng… Cần sửa đổi nhiều quy định hiện hành cho thống nhất.
“Việc đưa tất cả giấy phép lái xe hạng B1 và B2 về cùng hạng B có cả ưu điểm và nhược điểm; nhưng ưu điểm nhiều hơn về lâu dài. Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề như cần có biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông. Nếu gộp hai hạng B1 và B2, cần có biện pháp để đảm bảo người lái xe số tự động được đào tạo đầy đủ kỹ năng để lái xe số sàn, bổ sung kiến thức về lái xe kinh doanh vận tải. Việc gộp hai hạng B1 và B2 cần có sự đồng thuận của các bên liên quan, bao gồm Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị đào tạo lái xe, và người dân”, TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Bỏ bằng hạng A4 phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh gây chồng chéo
Cũng theo TS. Nguyễn Hữu Đức, giấy phép lái xe hạng A4 cấp cho người lái xe để điều khiển các loại máy kéo có trọng tải đến 1.000kg. Công ước Vienna quy định 2 hạng giấy phép lái xe máy kéo là hạng T, cho phép lái xe máy kéo có trọng lượng toàn bộ không quá 3,5 tấn. Hạng G, cho phép lái xe máy kéo có trọng lượng toàn bộ trên 3,5 tấn. Như vậy, không có GPLX riêng cho loại máy kéo có trọng tải đến 1.000kg.
Lý do nên bỏ hạng A4 được TS. Nguyễn Hữu Đức lý giải là số lượng người sử dụng rất ít, chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng số giấy phép lái xe được cấp. Việc duy trì hạng A4 tốn kém chi phí cho công tác quản lý, đào tạo và sát hạch.
“Hạng B1, B2 đã cho phép lái xe máy kéo có trọng tải đến 3.500kg, Việc duy trì hạng A4 là không cần thiết và gây chồng chéo với hạng B1, B2. Hầu hết các quốc gia trên thế giới không phân biệt hạng giấy phép lái xe cho các loại máy kéo có trọng tải đến 1.000kg. Việc bỏ hạng A4 sẽ giúp Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông quốc tế”, TS. Nguyễn Hữu Đức nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hữu Đức, việc bỏ giấy phép lái xe hạng A4 cũng có một số hạn chế như: “Một số người dân có nhu cầu sử dụng máy kéo có trọng tải dưới 1.000kg sẽ phải học và thi lấy giấy phép lái xe hạng B. Việc này có thể gây khó khăn cho những người không có điều kiện học tập và thi cử. Nhưng đây là số ít và có thể khắc phục”.