Góp kiến giải phát triển giáo dục tỉnh Bình Dương
Chiều 17/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương.
Tham dự buổi làm việc phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, cùng lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ.
Về phía tỉnh Bình Dương có ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đại diện lãnh đạo các UBND huyện, thị xã.
Tỉnh cần tận dụng tốt những thế mạnh
Báo cáo về tình hình giáo dục tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Dù kết quả giáo dục 10 năm qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc, tỉ lệ trẻ ra lớp hoàn thành phổ cập các cấp đạt 100%, nhưng do gia tăng dân số cơ học quá nhanh nên tỉnh gặp áp lực rất lớn trong tuyển dụng giáo viên, đầu tư trường lớp.
Trong 10 năm qua (2011-2022), số học sinh của tỉnh tăng gấp đôi. Hiện tổng số học sinh của tỉnh hiện là 497.180 em, trong lúc 10 năm trước chỉ hơn 227.376 em, tăng 269.804 em.
"Giáo viên mầm non nghỉ việc nhiều thời gian gần đây do thu nhập thấp cũng tạo ra nhiều thách thức cho ngành giáo dục trong việc duy trì đảm bảo tỉ lệ giáo viên. Thực hiện chương trình GDPT 2018, học sinh được chọn tổ hợp môn nên các trường khó khăn trong việc sắp xếp biên chế" - ông Nguyễn Văn Phong nêu những khó khăn.
Nhìn nhận thực trạng trên, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết: Một năm tỉnh Bình Dương tăng thêm 20.000 học sinh, ngân sách đầu tư của tỉnh chỉ đáp ứng dưới 50% nhu cầu tăng học sinh hiện nay. Một năm tỉnh dành 2.000 tỉ đồng để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị. Trong giai đoạn 2021-2025 trung bình ngân sách chiếm 10% trong tổng đầu tư công của tỉnh.
Đại diện Sở Tài chính cũng cho biết: Ngân sách bố trí chi thường xuyên hàng năm của tỉnh Bình Dương ở lĩnh vực giáo dục khá cao, chiếm 30% tổng chi. Cụ thể, năm 2016, bố trí 2.600 tỉ đồng, năm 2017 bố trí 3.000 tỉ đồng. Năm 2019 bố trí 3.300 tỉ đồng. Năm 2020 bố trí 4.000 tỉ đồng. Tính bình quân tỉnh bố trí 3.200 tỉ đồng/năm.
Sau khi nghe báo cáo từ Sở GD&ĐT và các sở, ngành liên quan, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, chia sẻ: Các trường đang có mật độ 34 lớp/trường tiểu học vượt quy định. Số học sinh 42 em/lớp vượt xa 35 em/lớp theo quy định.
Không có kế hoạch bổ sung trường lớp thì 2-3 năm nữa gánh nặng trường lớp của tỉnh là rất khó khăn. Với những con số trên, hệ thống trường công của tỉnh chỉ có thể gồng gánh 1-2 năm nữa. Do đó tỉnh cần có giải pháp quy hoạch lại mạng lưới trường lớp để đón đầu bậc mầm non, tiểu học lên bậc trên.
Nói về công tác đào tạo nhân lực cho địa phương, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện 8 trường đại học trên địa bàn tỉnh quy mô đào tạo chưa cao. Quy mô của Trường ĐH Thủ Dầu Một là lớn nhất cũng chỉ có 16.000 sinh viên. Tổng giảng viên có trình độ Tiến sĩ ở các trường đại học trên địa bàn tỉnh hiện chỉ đạt 25% (đang ở mức thấp so với trung bình toàn quốc là gần 32%). Quy mô đào tạo sau đại học cũng rất thấp.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nguồn nhân lực của Bình Dương, tỉnh cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác đào tạo bậc đại học, xem xét xây dựng các làng đại học, hay đô thị đại học để gia tăng sức hút cho các trường.
Bình Dương cần có sự đầu tư trọng điểm, đầu tư cao, trong đó tập trung đầu tư cho Trường ĐH Thủ Dầu Một theo hai hướng. Thứ nhất phát triển nền tảng hiện tại trường đang có, thứ hai là đầu tư phát triển mới một số ngành trọng điểm về công nghệ cao ngay từ đầu tại cơ sở mới của nhà trường, nhằm bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu nhân lực của địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, nếu so với các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ, giáo dục Bình Dương ngày càng thuận lợi hơn, nền tảng tương đối tốt nhờ sự đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua.
Đại học Quốc gia TPHCM cũng có một phần lớn trên Bình Dương. Trên địa bàn tỉnh còn có Trường Đại học Việt - Đức đẳng cấp quốc tế, mục tiêu đào tạo xuất sắc, tinh hoa... nên tỉnh có tiềm năng định hình nguồn nhân lực chất lượng, gắn công nghiệp với khoa học công nghệ thuận lợi hơn các tỉnh khác rất nhiều. Nếu khai thác lợi thế này Bình Dương sẽ đi nhanh hơn.
Phát biểu ý kiến, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, Bình Dương cần phải đặt mục tiêu lớn hơn để làm sao dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao. Làm sao để Bình Dương phải có thế mạnh cạnh tranh số 1-2 cả nước về nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi nếu Bình Dương chỉ dựa vào nhân lực thấp, nguồn lực lao động phổ thông thì rất khó để thúc đẩy phát triển bền vững.
Cần có các dự báo chính xác hơn về nhu cầu nhân lực
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đoàn công tác đặc biệt ấn tượng về sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự đầu tư đồng bộ đã đưa quy mô kinh tế Bình Dương vươn lên thứ 3 trong cả nước.
Theo Bộ trưởng, để Bình Dương phát triển một cách bền vững, chất lượng thì câu chuyện về GD-ĐT cần phải được giải quyết một cách thấu đáo, bài bản và có chiến lược.
Cơ hội của Bình Dương đến từ chính sức ép gia tăng dân số cơ học. Nhìn ở góc độ lạc quan thì tỉ lệ dân số trẻ tạo ra nhu cầu học tập của người dân là rất lớn. Nhu cầu học tập cao đó là môi trường tuyệt vời cho phát triển giáo dục.
Tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, được Trung ương quan tâm đầu tư. Sự chủ động của tỉnh cũng là nội lực lớn giúp Bình Dương thúc đẩy và thuận lợi trong triển khai các hoạt động giáo dục. Với những khó khăn và thách thức mà Bình Dương đang đối mặt như: tỉ lệ học sinh/lớp cao, thiếu giáo viên… nếu tỉnh không nhanh chóng giải quyết thì sẽ gây thiệt thòi rất lớn cho học sinh. Dự báo sát hơn là cách để giải quyết thách thức này.
Thách thức về giáo dục toàn diện và phát triển con người cũng là vấn đề tỉnh Bình Dương cần lưu tâm và đặc biệt phải sớm tìm kiếm giải pháp. Dân trí cao, chất lượng giáo dục tốt là thuận lợi nhưng cũng là thách thức trong việc phát triển giáo dục toàn diện so với các vùng khác.
Trong chiến lược phát triển giáo dục, tỉnh cần có định hướng rõ hơn về nhu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế 10-20 năm tiếp theo. Muốn làm được điều đó thì tỉnh cần có chính sách, đầu tư phải có tính chất đột phá ở nhiều mặt.
"Chúng ta không chỉ đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, mà còn cần ưu tiên đầu tư nguồn lực về cơ sở vật chất, SGK, một sự đầu tư có tính chất đặc biệt để đảm bảo giữ vững nhịp phát triển và sự đồng bộ khi triển khai chương trình GDPT 2018. Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp, nâng cao tỉ lệ người đi học nghề, học đại học và nâng cao chất lượng nhân lực”, Bộ trưởng đề nghị.
Ngoài việc đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở vật chất, dành nguồn lực cho kiện toàn trường lớp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn còn đề nghị Bình Dương cần phải tính toán nhân lực khoa học, kỹ thuật cho tương lai một cách khoa học, đầy đủ để đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế địa phương và vùng trong giai đoạn sau này.
Tỉnh cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho hệ thống GD đại học, trường nghề… để đảm bảo cân bằng trong cơ cấu nhân lực cho nhiều nhóm ngành nghề mũi nhọn của tỉnh (thông qua việc định hướng nhóm ngành, nghề đào tạo cho vùng).
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương ghi nhận những đóng góp, ý kiến của lãnh đạo Bộ và đoàn công tác cho sự phát triển giáo dục của tỉnh, giúp cho lãnh đạo tỉnh nhìn rõ hơn bức tranh giáo dục tỉnh nhà đang ở đâu, cần phải thực hiện các giải pháp gì, tháo gỡ khó khăn cụ thể ra sao cho hiệu quả trong thời gian tới.
“Trong thời gian tới, quy hoạch của Bình Dương là phát triển xanh, phát triển bền vững, phát triển đô thị thông minh…Chúng tôi nhận thức và xác định cố gắng đầu tư bằng mọi nguồn lực để đến năm 2030, Bình Dương cơ bản đạt được những tiêu chí trên, đưa Bình Dương lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong giai đoạn tới chúng tôi dành từ 1.000 đến 1.500 ha đất để phát triển giáo dục phổ thông và đại học, nhằm có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho hướng phát triển giai đoạn tới theo tầm nhìn 2030”, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết.
Theo Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, chính sách xây dựng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những kế hoạch, mục tiêu mà tỉnh đang tích cực thực hiện. Lãnh đạo tỉnh đã giao các sở, ngành khảo sát các số liệu cụ thể về các chính sách thu hút như nhà ở, tài chính, cơ chế… để từ đó có chiến lược thực hiện cụ thể, chứ nhất quyết không thể để chính sách thu hút nhân tài về tỉnh thiếu hiệu quả.