Góp phần bảo đảm an ninh năng lượng
Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an ninh năng lượng
(HNM) - Giữa tháng 9-2019, một sản phẩm thuộc đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia là máy biến áp nguồn 3 pha 467MVA-500kV, lần đầu tiên đã được xuất xưởng tại Việt Nam. Thành công này là cú hích, tạo tiền đề quan trọng cho ngành cơ khí Việt Nam tiếp tục phát triển và mở rộng các sản phẩm tương tự, dần thay thế cho thiết bị ngoại nhập, góp phần vào sự phát triển của ngành Điện cũng như bảo đảm an ninh năng lượng nói chung.
Nhà máy Thủy điện Sơn La sẽ lắp đặt, vận hành máy biến áp nguồn 3 pha 467MVA-500kV.
Đáp ứng nhu cầu cấp thiết
Với nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng, hằng năm hệ thống điện Việt Nam cần phải bổ sung 5.000-6.000MW điện. Do đó, nhu cầu các thiết bị điện cấp điện áp 500kV ngày càng trở nên cấp thiết. Ngày 29-11-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025. Thực hiện một trong các giải pháp đề ra nhằm bảo đảm mức độ sẵn sàng phát điện liên tục, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) trong hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm máy biến áp nguồn 500kV.
EEMC là đơn vị có truyền thống và kinh nghiệm, từng đưa Việt Nam trở thành một trong 12 quốc gia trên thế giới chế tạo được máy biến áp công suất lớn 500kV. Những thành công đó giúp cho ngành Điện Việt Nam chủ động chống quá tải và sửa chữa các máy biến áp khác mà không phải thuê các nhà sản xuất ngoài nước, là đối trọng để hạ giá thành sản phẩm cùng loại nhập của nước ngoài xuống 15-20%.
Theo ông Nguyễn Vũ Cường, Tổng Giám đốc EEMC, tại thời điểm năm 2013, toàn bộ các máy biến áp nguồn 3 pha 500kV-467MVA của Nhà máy Thủy điện Sơn La đều được nhập khẩu. Đó cũng là loại máy biến áp sẽ được sử dụng tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu vận hành vài năm sau đó. Như vậy, sẽ có tổng số 9 máy biến áp nguồn ba pha 500kV-467MVA được sử dụng sau khi Nhà máy Thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động. Trong khi đó, rất ít nước trên thế giới có công nghệ chế tạo dòng máy biến áp nguồn 3 pha siêu cao áp công suất lớn.
Tại Việt Nam, EEMC là đơn vị đã từng sản xuất máy biến áp 500kV nhưng chỉ là máy biến áp 1 pha và là dòng máy truyền tải. Nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực của các đơn vị sản xuất trong nước có kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện cơ chế đấu thầu đặc biệt đối với gói thầu mua sắm máy biến áp dự phòng cho Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu. Ngày 26-5-2016, hợp đồng cung cấp máy biến áp dự phòng 500kV cho Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu đã chính thức được ký kết và có hiệu lực.
Vận hành an toàn cho nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu
Ông Nguyễn Trọng Tiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị EEMC cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi đã cố gắng và nỗ lực không ngừng”. Kết quả là sau hơn ba năm triển khai công tác thiết kế, nghiên cứu công nghệ, chuẩn bị điều kiện sản xuất và tiến hành chế tạo, máy biến áp 467MVA-500kV đã được EEMC hoàn thành việc chế tạo, thử nghiệm đạt tiêu chuẩn IEC 60076, có thông số đáp ứng tốt so với yêu cầu đề ra.
Để thực hiện dự án này, EEMC đã chủ động mở rộng thêm nhà xưởng hiện có, bảo đảm độ ẩm, độ sạch đạt tiêu chuẩn, đồng bộ với các thiết bị công nghệ, thiết bị nâng hạ, thiết bị thí nghiệm… đủ điều kiện đáp ứng sản xuất máy biến áp 500kV có công suất đến 900MVA. Đặc biệt, EEMC đã kịp thời ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế, giám sát thi công và chuyển giao công nghệ với đơn vị tư vấn từ Cộng hòa Liên bang Nga trong việc thẩm định thiết kế, giám sát thi công và đánh giá sản phẩm trong quá trình thí nghiệm. EEMC đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương trong việc nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm các mô hình máy biến áp và đặc biệt là việc đầu tư hệ thống xử lý, thí nghiệm đo lường ruột máy biến áp. Điều này có ý nghĩa then chốt đối với thành công trong việc chế tạo các máy biến áp có công suất lớn.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, đánh giá cao một số thành công tiêu biểu của hoạt động nghiên cứu phát triển của dự án. Theo đó, công trình đã ứng dụng các phần mềm công cụ tính toán, mô phỏng điện từ trường trong thiết kế, chế tạo cuộn dây hạ áp với dòng điện định mức lên đến 14kA; làm chủ quy trình công nghệ của các hệ thống thiết bị siêu trường, siêu trọng. Đáng lưu ý, lần đầu tiên tại Việt Nam, công nghệ làm mát máy biến áp bằng cách bơm dầu trực tiếp vào bối dây trong chế tạo máy biến áp 500kV đã được ứng dụng.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, thành công lớn nhất của dự án chính là việc doanh nghiệp trong nước đã làm chủ công tác thiết kế, chế tạo, sửa chữa máy biến áp nguồn 500kV, qua đó bảo đảm khả năng vận hành liên tục, an toàn cho các nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu nói riêng và an ninh năng lượng quốc gia nói chung.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/946729/gop-phan-bao-dam-an-ninh-nang-luong