Góp phần bình ổn thị trường

Sau gần 2 thập kỷ hình thành và phát triển, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - mã chứng khoán DPM) luôn nỗ lực không ngừng để hoàn thiện, phát triển hệ thống sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh hiện đại hóa và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Từ đó, đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, góp phần đáng kể vào bình ổn thị trường phân bón.

Khẳng định vị thế thương hiệu

Chia sẻ về quá trình và các thành tố quan trọng làm nên một PVFCCo lớn mạnh như hôm nay,Chủ tịch HĐQT PVFCCo Hoàng Trọng Dũng cho biết, thành tố quan trọng và quyết định chính là quyết sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nhà máy phân đạm ure để tự chủ nguồn cung phân bón cho nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Từ quyết sách đúng đắn này, Chính phủ đã giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên của Việt Nam sử dụng khí tự nhiên ở khu vực Đông Nam Bộ để sản xuất phân đạm ure.

Với nỗ lực cao độ, Nhà máy đạm Phú Mỹ đã hoàn thành và chính thức sản xuất thương mại những tấn đạm ure đầu tiên đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế vào năm 2004, đồng thời tiết kiệm chi phí xây dựng so với dự toán ban đầu. Đây chính là dấu mốc thành công của dự án, là động lực quan trọng để sản phẩm của PVFCCo từng bước nâng cao sức cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả trên thị trường, đặc biệt là với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác.

Cùng với nhà máy Đạm Hà Bắc, sự ra đời của nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đáp ứng 45% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần bình ổn thị trường và tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu phân bón. Đến nay, Đạm Phú Mỹ đã chiếm khoảng 35% thị phần phân đạm ure trong nước.

Không dừng lại ở sản phẩm phân ure, PVFCCo còn đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp NPK, hiện đang cung ứng khoảng 15% nhu cầu phân NPK chất lượng cao cho thị trường.

Kể từ khi cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu (mã chứng khoán DPM) trên thị trường chứng khoán vào năm 2007, mô hình quản trị của PVFCCo đã thay đổi theo các tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại, minh bạch, tiệm cận quy chuẩn quốc tế. Đến nay, với thị giá cổ phiếu đang ở mức 70.000 đồng/cổ phiếu, PVFCCo đã trở thành doanh nghiệp phân bón “tỷ đô” về vốn hóa thị trường.

Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 kéo dài, PVFCCo đã thực hiện giải pháp làm việc 3 tại chỗ, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 sớm cho người lao động và rất nhiều các biện pháp phòng, chống dịch khác. Cùng với đó, tập trung nâng cao công tác dự báo thị trường, đánh giá các khó khăn, nhất là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, từ đó có các đối sách phù hợp. Nhờ vậy, chuỗi sản xuất cung ứng phân bón Phú Mỹ được duy trì liên tục, góp phần đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp trên khắp mọi miền đất nước, cũng như chủ động, linh hoạt xuất khẩu khi nhu cầu trong nước vào thời kỳ thấp điểm.

PVFCCo quyết tâm khẳng định vị thế và thương hiệu phân bón hàng đầu tại Việt Nam

PVFCCo quyết tâm khẳng định vị thế và thương hiệu phân bón hàng đầu tại Việt Nam

Tập trung chiến lược phát triển theo ba trụ cột chính

6 tháng đầu năm, PVFCCo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Vì vậy, năm 2022, Tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu ở mức 17.239 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.130 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với năm 2021, và đặc biệt giữ mức chia cổ tức 50% như năm 2021.

Hiện, PVFCCo đang phối hợp với tư vấn để xây dựng chiến lược phát triển cho giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, PVFCCo sẽ xây dựng chiến lược phát triển theo 3 trụ cột chính. Đầu tiên là hoàn thiện bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ để góp phần tạo ra các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Đối với trụ cột này, sẽ cân nhắc việc phát triển dòng sản phẩm phân bón hữu cơ song hành với phân bón vô cơ chất lượng cao để xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp, bám sát xu hướng nông nghiệp xanh trên thế giới và các định hướng phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thứ hai là nghiên cứu để gia tăng các sản phẩm liên quan đến hóa chất, hóa dầu trên cơ sở tìm kiếm các liên kết chuỗi với các đơn vị trong ngành. Thứ ba là gia tăng chuỗi giá trị của ngành phân bón.

“Để thích ứng với cách mạng 4.0 và chuyển đổi số thành công, PVFCCo thành lập Ban chỉ đạo và Ban dự án chuyển đổi số, tập trung rà soát, đánh giá mức độ tăng năng lực số của Tổng công ty cũng như cơ sở hạ tầng, từ đó xây dựng chiến lược chuyển đổi số” - ông Hoàng Trọng Dũng cho hay.

Với kế hoạch cụ thể, tập trung vào các mục tiêu gồm xây dựng văn hóa số trong doanh nghiệp; xây dựng các dự án, lộ trình chuyển đổi số trong quản trị, kinh doanh, sản xuất; đẩy mạnh thương mại điện tử, văn phòng điện tử… PVFCCo quyết tâm tiếp tục giữ vững danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, khẳng định vị thế và thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam.

Hạ An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gop-phan-binh-on-thi-truong-post293364.html