Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo hướng đổi mới gắn với nhu cầu thực tiễn nhằm tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động (NLĐ). Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nhiều hộ dân xã Hà Lai (Hà Trung) được tập huấn, đào tạo nghề đã mạnh dạn đưa các giống cây mới vào sản xuất.
Sau khi tham gia lớp tập huấn về trồng rau an toàn do địa phương phối hợp với các sở, ngành tổ chức, bà Nguyễn Thị Hạnh, xã Hà Lĩnh (Hà Trung) đã chủ động trồng, chăm sóc diện tích rau của gia đình theo hướng an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Bà Hạnh cho biết: “Trước đây, chúng tôi trồng rau chủ yếu theo kinh nghiệm, thói quen và tập quán canh tác nên thu nhập bấp bênh. Từ khi tham gia lớp tập huấn, tôi được trang bị kiến thức cơ bản, thực hành kỹ thuật trồng rau an toàn, tiếp cận các mô hình nông nghiệp mới, từ đó áp dụng thực tế vào ruộng rau của gia đình nên hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với trồng lúa trước đây”.
Trong quá trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT, huyện Hà Trung đã tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới; có chế độ khuyến khích người học nhằm từng bước nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ lao động đáp ứng được yêu cầu công việc. 5 năm gần đây, huyện phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề cho gần 5.000 LĐNT. Các lớp nghề tập trung chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đan chiếu tre, thảm cói mỹ nghệ, may túi xuất khẩu, may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, mộc mỹ nghệ... Qua khảo sát, NLĐ sau khi hoàn thành khóa học đều ứng dụng thành công các kiến thức tiếp thu được vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Cũng nhờ công tác đào tạo nghề đã đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện Hà Trung đạt 76%. Nhiều lao động sau học các nghề phi nông nghiệp đã chuyển nghề và có việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.
Toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hằng năm, các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của NLĐ, nhu cầu sử dụng lao động để có chương trình đào tạo phù hợp; đẩy mạnh liên kết 4 nhà: nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp trong công tác dạy nghề và phát triển ngành nghề nông thôn. Việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội đã giúp nhiều LĐNT trên địa bàn tỉnh có việc làm ổn định. Chỉ tính riêng năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 100.000 lao động, trong đó, gần 90.000 lao động có việc làm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh lên 72%. Tuy nhiên, việc triển khai công tác dạy nghề LĐNT ở một số địa phương còn hạn chế, thiếu đồng bộ do kế hoạch đào tạo và kinh phí được giao chậm; việc lập kế hoạch hỗ trợ dạy nghề cho LĐNT hàng năm chưa sát thực tế, chưa đạt được theo chỉ tiêu kế hoạch. Trong khi đó lực lượng lao động nông nghiệp ở khu vực nông thôn chủ yếu đã lớn tuổi nên việc tiếp thu kiến thức học nghề và gắn bó với nghề được học còn hạn chế... Mặt khác, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Để đạt chỉ tiêu số lao động qua đào tạo trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với tỷ lệ lao đạt trên 80%, trong đó, tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát nhu cầu học nghề nông nghiệp của LĐNT để điều chỉnh, bổ sung danh mục cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khuyến khích người dân hiểu rõ lợi ích và chủ động đăng ký tham gia đào tạo nghề; gắn chương trình đào tạo nghề với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đẩy mạnh tư vấn học nghề, hướng nghiệp thông qua các chương trình, hội nghị, các chuyên trang, chuyên mục trên tạp chí và các phương tiện truyền thông. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia công tác đào tạo nghề nông nghiệp; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội tăng cường tham gia, giám sát việc học và dạy nghề, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.