Góp phần làm giàu hơn kho tàng bảo vật quốc gia
Cả nước hiện có gần 270 bảo vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia (trong đó, 153 bảo vật được lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại các bảo tàng, di tích; 13 bảo vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân).
Bảo vật quốc gia là hiện vật hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật lớn đối với quốc gia. Việc quản lý chặt chẽ giúp bảo tồn giá trị của bảo vật, không bị tác động bởi giá trị kinh tế, giúp di sản được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau.
Đó là lý do dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - theo lộ trình sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 tới - cơ quan soạn thảo là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất quy định: “Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng thông qua mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật và không được kinh doanh”.
Đề xuất này nhằm ngăn chặn nguy cơ mất mát, hủy hoại hoặc mua bán trái phép bảo vật quốc gia; ngăn chặn nguy cơ lợi dụng danh hiệu bảo vật quốc gia để trục lợi; giúp bảo đảm di sản văn hóa được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Và để thực hiện quy định này, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư (năm 2020), cụ thể là bổ sung “Kinh doanh bảo vật quốc gia” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, và sửa đổi Phụ lục IV từ “Mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” thành “Kinh doanh di vật, cổ vật”.
Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mới đây, đề xuất “cấm kinh doanh bảo vật quốc gia” nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học. Bảo vật quốc gia là tài sản có giá trị đặc biệt, vì thế không được phép kinh doanh. Tuy nhiên, cần phân định cấp độ khác nhau giữa di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia để có ứng xử phù hợp.
Nhiều ý kiến đồng thuận với lập luận: Nếu cho kinh doanh bảo vật quốc gia thì sẽ làm suy giảm giá trị hiện vật, làm mất đi ý nghĩa, vinh dự của một danh hiệu có tính biểu tượng về văn hóa, lịch sử, khoa học của đất nước; dễ dẫn tới nguy cơ lợi dụng việc đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho mục đích trục lợi do sau khi được công nhận, giá trị kinh tế của hiện vật sẽ cao hơn rất nhiều.
Điều này cũng bảo đảm thống nhất với quy định “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản” và quy định “Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định” tại khoản 1 Điều 163 và khoản 1 Điều 196 Bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, đề xuất “cấm kinh doanh bảo vật quốc gia” trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng làm dấy lên những băn khoăn về việc sẽ làm hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu tài sản.
Nếu không có những quy định chặt chẽ, hợp lý sẽ xảy ra tình trạng các nhà sưu tập tư nhân có cổ vật quý sẽ cố tình không đăng ký xét công nhận bảo vật quốc gia, dẫn đến việc công chúng bị mất đi cơ hội được tiếp cận, chiêm ngưỡng hiện vật quý và hạn chế việc phát huy giá trị di sản văn hóa.
Một chuyên gia chính sách công cho rằng, việc “cấm kinh doanh” chỉ nên áp dụng với bảo vật quốc gia thuộc sở hữu nhà nước, còn không nên cấm kinh doanh bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân.
Lý do là, việc cấm sẽ hạn chế quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Hơn nữa, việc cho phép mua bán kinh doanh bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân, sẽ tạo động lực cho những người có tiền mua cổ vật xuất xứ Việt Nam có giá trị đặc biệt ở nước ngoài mang về nước, trong khi Nhà nước còn khó khăn về ngân sách cho việc này.
Thực tế thì danh hiệu chỉ là một yếu tố làm nên giá thành của bảo vật quốc gia, bên ngoài là do thị trường quyết định, vì thế Nhà nước cần quan tâm để làm sao thu thuế tốt từ hoạt động kinh doanh này.
Việc nhà sưu tập tư nhân có thể thu lợi từ danh hiệu bảo vật quốc gia thì luật có thể ràng buộc thêm quy định chủ sở hữu tư nhân bảo vật quốc gia phải có trách nhiệm trưng bày công ích một thời gian nhất định.
Khi được yêu cầu, các chủ sở hữu tư nhân phải chịu trưng tập của Nhà nước mang bảo vật quốc gia tham gia triển lãm phục vụ công chúng. Đây là điều mà cơ quan soạn thảo luật cần cân nhắc.
Có ý kiến đánh giá cụm từ “không được kinh doanh” bảo vật quốc gia trong dự thảo luật vẫn còn khá trừu tượng.
Bởi trên thực tế, một số bảo tàng có trưng bày bảo vật quốc gia vẫn bán vé cho khách vào tham quan, vậy hoạt động đó có gọi là kinh doanh hay không? Hoặc trong trường hợp nhà sưu tập tư nhân có bảo vật quốc gia muốn quảng bá giá trị hiện vật thông qua thu phí khách tới tham quan; hoặc cho đơn vị khác mượn, thuê để trưng bày có thu phí thì có gọi là kinh doanh không?...
Các chuyên gia cho rằng, cần có những quy định thật sự tường minh, đồng thời có những hướng dẫn cụ thể về “chuyển nhượng bảo vật thông qua mua bán” để không mâu thuẫn với quy định “không được kinh doanh”, và các chủ sở hữu bảo vật quốc gia không thể hiểu luật theo cách khác nhau, đồng thời bảo đảm đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của họ khi đăng ký công nhận bảo vật quốc gia nhằm góp phần làm giàu hơn kho tàng bảo vật quốc gia và nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gop-phan-lam-giau-hon-kho-tang-bao-vat-quoc-gia-post803485.html