Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về một số Dự án Luật, Dự thảo Nghị quyết
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 15/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Tổ về một số Dự án Luật, Dự thảo Nghị quyết.

Quang cảnh buổi thảo luận Tổ chiều ngày 15/5/2025.
Trong phiên họp buổi sáng, qua thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các đại biểu thống nhất với việc cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về năng lượng nguyên tử để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành; kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về năng lượng nguyên tử, đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật khác có liên quan. Tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phát triển bền vững ứng dụng năng lượng điện tử, thực hiện cam kết nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam. Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển năng lượng nguyên tử, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, đưa đất nước phát triển, bứt phá giàu mạnh, đạt được các mục tiêu đề ra trước mắt và lâu dài.
Các đại biểu cũng tập trung góp ý về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, giải thích từ ngữ, các hành vi bị cấm, quy định chuyển tiếp… Để hoàn thiện dự án luật, các đại biểu đề nghị rà soát các điều khoản để đảm bảo thống nhất với các luật khác, kể cả các luật đang trình Quốc hội sửa đổi, rà soát để hoàn thiện các chính sách ưu tiên và ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hạt nhân.
Đồng thời, các đại biểu đề nghị hoàn thiện quy định về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, phân cấp trong công tác quản lý Nhà nước, hoạt động thanh sát hạt nhân, ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân và nghiên cứu xây dựng Quỹ An toàn hạt nhân…
Trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.
Cũng trong chương trình phiên họp buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
* Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Gia Lai và thành phố Đà Nẵng.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ.
Cho ý kiến về Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đồng thời đề nghị bổ sung chính sách của Nhà nước quy định về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn và hỗ trợ lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài (Điều 7 và Điều 25). Tán thành với các nội dung quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm (Điều 14), tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung thêm nội dung: khuyến khích lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại các địa bàn phù hợp với văn hóa và pháp luật tại nước sở tại như hướng dẫn sản xuất, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục…, góp phần lan tỏa văn hóa và tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam, tăng cường ngoại giao nhân dân.
Cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, để Nghị quyết đảm bảo khả thi, đạt mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu rà soát lại phạm vi điều chỉnh, đối tượng, cơ chế, chính sách.
Trong phiên thảo luận tại Tổ, các đại biểu đã tập trung thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng hiện nay, mối quan tâm của doanh nghiệp chính là việc giải quyết thủ tục hành chính, vì vậy cần quy định cụ thể các chính sách liên quan đến giảm thủ tục hành chính; đồng thời đề nghị giảm chi phí tuân thủ và những chi phí khác. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu để có những cơ chế, chính sách đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề cụ thể như: đất đai, thuế…, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Cùng tham gia góp ý về dự thảo, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với mục tiêu xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết 68, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách trong Dự thảo Nghị quyết vẫn còn chung chung, chưa thực sự đột phá. Góp ý về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, đại biểu cho rằng hiện nay dự thảo vẫn chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để, đột phá cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đại biểu đề nghị cần rà soát lại thực trạng hiện nay các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và các hộ kinh doanh đang gặp khó khăn ở đâu, trên cơ sở đó có những cơ chế, chính sách vượt trội để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ.
Tham gia thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Mai Khanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng cần phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng các điều khoản, nội hàm các quy định, bảo đảm chặt chẽ, hợp pháp.
Theo đại biểu, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về. Tuy nhiên, cần cân nhắc các quy định liên quan đến các ưu đãi lựa chọn nhà thầu, tránh tình trạng trục lợi chính sách. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể vào các khoản 2, khoản 3, Điều 5 của dự thảo Nghị quyết.