Góp phần nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng
Thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Hà Giang đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kịp thời chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho người dân. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo động lực cho nhân dân tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Hiện nay, diện tích rừng trên địa bàn toàn tỉnh có cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 460.044,3 ha; có 7 chủ rừng là tổ chức, 32.473 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân; 194 chủ rừng là nhóm hộ, cộng đồng dân cư. Tùy theo vị trí và tính chất của từng khu rừng mà đơn giá DVMTR khác nhau. Đây là nguồn thu nhập đáng kể, ổn định lâu dài, góp phần tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo.
Từ đầu năm đến nay, Quỹ BV&PTR tỉnh đã ký kết hợp đồng ủy thác DVMTR với các công ty, nhà máy thủy điện trên địa bàn, đôn đốc các công ty, nhà máy nộp tiền về Quỹ theo quy định, để từ đó nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ rừng, đặc biệt là đồng bào ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh. Phối hợp với UBND cấp huyện, chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã, tổ chức khác được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tiến hành niêm yết công khai danh sách chi trả tiền DVMTR năm 2021 tại trụ sở 163 xã và 1.628 trụ sở thôn, tổ dân phố trước khi thanh toán tiền để công khai, minh bạch cho nhân dân được biết.
Qua quá trình niêm yết đã kịp thời bổ sung, điều chỉnh một số nội dung theo ý kiến, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân có liên quan như: Điều chỉnh sai họ tên của 83 chủ rừng; chỉnh sửa, bổ sung về diện tích rừng 84 trường hợp; đề nghị UBND xã phối hợp với kiểm lâm địa bàn rà soát, lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng năm 2021 cho 20 hộ có rừng nhưng chưa được giao rừng; điều chỉnh tên chủ quản lý của một số hộ đã chuyển nhượng; không chi trả tiền cho một số gia đình, cộng động dân cư để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép…
Theo báo cáo của Quỹ BV&PTR tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, số tiền DVMTR đã thu là 27,269 tỷ đồng; số tiền đã chi cho bên cung ứng DVMTR là 39,192 tỷ đồng (đạt 40% kế hoạch).
Anh Sùng Mí Dình, thôn Lố Thàng 2, xã Thái An (Quản Bạ), cho biết: Việc chi trả kịp thời tiền DVMTR đã trở thành động lực giúp người dân trong thôn nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các hộ dân được giao khoán đều coi rừng như tài sản của gia đình mình, trong thôn không còn tình trạng chặt cây lấy gỗ hay phá rừng làm nương rẫy như trước đây nữa. Thôn cũng đã thành lập 2 tổ tuần tra, bảo vệ rừng, các thành viên thường xuyên luân phiên đi tuần tra, kiểm soát, nhờ đó diện tích rừng của thôn luôn được bảo vệ tốt.
Đồng chí Vàng Thanh Hầu, Chủ tịch UBND xã Đản Ván (Hoàng Su Phì), cho biết: Thông qua việc chi trả kịp thời tiền DVMTR cho các chủ rừng đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức quản lý, bảo vệ rừng của nhân dân. Các chủ rừng đã quan tâm thường xuyên tuần tra, canh gác, bảo vệ diện rừng được giao khoán. Khi phát hiện khu vực nào có hiện tượng xâm hại, lấn chiếm rừng thì thông báo kịp thời với chính quyền địa phương và cán bộ kiểm lâm xử lý, ngăn chặn kịp thời. Nhờ đó, những năm gần đây, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn đã giảm đáng kể. Ý thức bảo vệ và phát triển rừng trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao.
Có thể khẳng định, chính sách chi trả DVMTR đã thực sự mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội và môi trường; thay đổi nhận thức và cải thiện sinh kế của người dân sống gần rừng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.