Góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế
Sau 7 năm thực hiện Luật Đất đai 2013, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có những chuyển biến tích cực. Cơ chế xây dựng và quản lý giá trị quyền sử dụng đất...

Lập quy hoạch sử dụng đất sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất... góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
(baophutho.vn)
- Sau 7 năm thực hiện Luật Đất đai 2013, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có những chuyển biến tích cực. Cơ chế xây dựng và quản lý giá trị quyền sử dụng đất, giá trị bất động sản gắn liền với đất được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho việc khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng đất trong mọi lĩnh vực, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách và trở thành một trong những nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiệu quả rõ nét
Thực hiện Luật Đất đai 2013, tỉnh Phú Thọ đã ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để cụ thể hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành; tạo hành lang pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị căn cứ các quy hoạch chuyên ngành đã được duyệt như: Quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch giao thông, thủy lợi… trong đó, tập trung đồng bộ các danh mục, chỉ tiêu sử dụng đất đối với các công trình trong kỳ quy hoạch để thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho 1.184 dự án, tổng diện tích hơn 3.200ha. Trong đó, giao đất không thu tiền sử dụng đất 552 dự án; thu tiền sử dụng đất 56 dự án; cho thuê 564 dự án; chuyển mục đích sử dụng đất 12 dự án. Về cơ bản, các tổ chức, cá nhân đều chấp hành nghĩa vụ tài chính, xây dựng theo đúng dự án được duyệt, sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích. Tỉnh cũng đã giao đất thực hiện 2 khu công nghiệp theo chủ trương của Chính phủ cho Khu công nghiệp Cẩm Khê (huyện Cẩm Khê) và Khu công nghiệp Phú Hà (thị xã Phú Thọ); giao đất 10 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với diện tích trên 248ha; đến nay đã có 60 tổ chức kinh tế thuê đất để đầu tư dự án.Ông YuXiang - Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Raindrop Việt Nam chia sẻ: “Khi đầu tư vào Khu CN Cẩm Khê, công ty nhận được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh nên các thủ tục đầu tư được thực hiện nhanh chóng, đúng luật. Đặc biệt việc giao mặt bằng sạch đúng tiến độ đã giúp công ty triển khai xây dựng nhà máy và sớm đi vào hoạt động”.Đối với các dự án phát triển nhà ở đô thị, trong 7 năm qua, tỉnh đã thực hiện giao đất 13 dự án nhà ở đô thị, khu dân cư nông thôn với tổng diện tích 114,9ha. Trong đó, thành phố Việt Trì 8 dự án, thị xã Phú Thọ 2 dự án; các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Sơn mỗi đơn vị 1 dự án. Nhằm tạo quỹ đất vì lợi ích công cộng, toàn tỉnh đã thực hiện thu hồi gần 955ha đất để thực hiện 646 dự án vì mục đích quốc phòng an ninh và thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện đảm bảo, đúng quy trình. Quyền và lợi ích của người dân được nâng cao; đã có 9.950 hộ gia đình, cá nhân nhận tổng kinh phí bồi thường trên 6.809 tỷ đồng; bố trí tái định cư cho 1.043 hộ, diện tích 22,1ha. Với mục tiêu hiện đại hóa công tác quản lý, cập nhật, chỉnh lý biến động nguồn dữ liệu, các địa phương đều đã hoàn thành dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, thực hiện cấp được trên 700 nghìn giấy chứng nhận lần đầu cho các loại đất, đạt 94,1%.Nhìn chung, thực hiện Luật Đất đai 2013, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai tại tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc cụ thể hóa các văn bản pháp luật, chính sách về đất đai và thị trường bất động sản đã được ban hành kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ đó, đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật Đất đai, không để ách tắc, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Quản lý, khai thác để tạo nguồn lực phát triển
Luật Đất đai 2013 đã cụ thể về chế độ sử dụng đất nông nghiệp, nâng thời hạn giao đất cho hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và cho phép các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư tích tụ đất đai phục vụ sản xuất theo hướng hiện đại hóa. Thực hiện chủ trương, nhiều địa phương trong tỉnh sau dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, từng bước khắc phục tính thời vụ, tạo việc làm ổn định cho lao động, từng bước xã hội hóa việc xây dựng hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao.Từ định hướng phát triển công nghiệp phù hợp quy hoạch sử dụng đất, gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch, phát triển vùng kinh tế động lực tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông, tỉnh đã tập trung phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, có lợi thế về nguồn nguyên liệu, nhân lực. Theo Sở TN&MT, để phát triển quỹ đất, Sở sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác giao đất, cho thuê đất, định giá đất, GPMB. Đặc biệt, tham mưu với tỉnh thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp công nghệ, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp môi trường. Ưu tiên phát triển các cơ sở công nghiệp khu vực nông thôn, miền núi, vùng khó khăn để sử dụng lao động và nguyên liệu tại chỗ. Quan tâm đầu tư đồng bộ các khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước yên tâm sản xuất. Để tăng cường cải cách hành chính trong quản lý đất đai; thực hiện tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực đất đai, các địa phương trong tỉnh cũng đã thành lập, đưa vào hoạt động ổn định các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Các văn phòng công chứng, tổ chức định giá, tư vấn pháp lý, tín dụng, ngân hàng… được hình thành và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Đặc biệt, đối với thị trường bất động sản, Phú Thọ đang từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm kiểm soát, điều tiết để thị trường này phát triển ổn định, lành mạnh. Hầu hết các dự án đất trong tỉnh hiện nay được thực hiện hình thức đấu giá để tăng nguồn thu cho ngân sách. Trong việc khai thác quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, hàng năm tỉnh đã ban hành các kế hoạch điều tra, xác định giá đất cụ thể, làm căn cứ để thu tiền khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn. Giai đoạn 2014-2020, toàn tỉnh đã thực hiện giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 307,9ha, số tiền thu được trên 7.094 tỉ đồng; trong đó, giao đất thông qua hình thức đấu giá 55,6ha, thu gần 1.651 tỉ đồng. Các nguồn thu từ tiền sử dụng đất, các thuế, lệ phí liên quan đến đất đai đạt trên 9.399 tỉ đồng. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý, khai thác nguồn lực đất đai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn khẳng định: Để khai thác hợp lý hiệu quả, việc phân bổ sử dụng hợp lý, tiết kiệm; bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái… luôn là điều cần thiết. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang thực hiện công tác đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Phú Thọ; đồng thời điều chỉnh Đề án tăng cường quản lý đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2024. Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, tỉnh Phú Thọ đã và đang khai thác được tiềm năng đất đai, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư... từng bước thay đổi diện mạo của tỉnh theo hướng phát triển nhanh, bền vững.