Góp phần siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục
Công tác thanh tra, kiểm tra luôn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của ngành giáo dục. Xác định rõ điều này, nhiều năm qua, ngành giáo dục tỉnh nhà luôn quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp từ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu ở các cơ sở giáo dục; đến tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm... nhằm siết chặt kỷ cương, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi cơ sở giáo dục cũng như trong toàn ngành.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại huyện Thiệu Hóa.
Theo chia sẻ của đại diện Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thời gian qua, thanh tra sở luôn quan tâm đổi mới hoạt động; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thanh tra đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành. Thường xuyên kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự làm công tác thanh tra đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, xây dựng kế hoạch cụ thể, nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và hướng tới mục tiêu đánh giá, kết luận trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu các đơn vị, cơ sở giáo dục trong việc tổ chức thực hiện pháp luật trong lĩnh vực GD&ĐT. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề còn bức xúc trong dư luận, những thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý tại các đơn vị, cơ sở giáo dục, giúp cho tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.
Từ quan điểm chỉ đạo cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động thanh tra trong ngành giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng siết chặt kỷ cương, nền nếp trường, lớp học, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục. Qua thống kê của Thanh tra Sở GD&ĐT, hàng năm tổ chức hàng chục cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất; xác minh nhiều văn bằng theo phản ánh... Tính riêng trong năm học 2022-2023, thanh tra sở đã tổ chức 22 cuộc, trong đó thanh tra theo kế hoạch 12 cuộc đạt 100%, kiểm tra, xác minh 10 cuộc. Nội dung các cuộc thanh tra, kiểm tra chủ yếu về việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ năm học; công tác tuyển sinh đầu cấp; thực hiện quy chế chuyên môn, đánh giá xếp loại học sinh; tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường học; thực hiện chế độ, chính sách; các khoản thu ngoài ngân sách; kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị của công dân.
Đơn cử như tổ chức thanh tra việc thực hiện quy chế chuyên môn và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách tại các trường THPT trên địa bàn huyện Hà Trung; thanh tra việc thực hiện quy định giờ dạy đối với cán bộ quản lý, công tác bảo quản, sử dụng thiết bị dạy học tại Phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương; công tác kiểm tra nội bộ trường học; các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục 2018... Qua thanh, kiểm tra cho thấy, các đơn vị đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học; xây dựng kế hoạch năm học; phân công nhiệm vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo yêu cầu...
Tuy nhiên, tại một số đơn vị vẫn còn những tồn tại, hạn chế như công tác lưu trữ hồ sơ kiểm tra, kiểm tra nội bộ trường học, hồ sơ công khai chưa đúng quy định; việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm tra nội bộ trường học chưa đúng theo hướng dẫn. Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều bất cập theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, vẫn còn trường học tổ chức huy động xã hội hóa giáo dục chưa đúng quy định... Trên cơ sở thanh, kiểm tra, Sở GD&ĐT đã kịp thời chấn chỉnh và yêu cầu đơn vị, cá nhân vi phạm khắc phục và kiểm điểm trách nhiệm theo quy định.
Cũng trong năm học 2022-2023, Thanh tra Sở GD&ĐT đã kiểm tra xác minh được 905 văn bằng, trong đó có trong danh sách công nhận tốt nghiệp 780 văn bằng, không có trong danh sách công nhận tốt nghiệp 90 văn bằng, không đủ điều kiện xác minh 35 văn bằng. Ngoài ra, qua đơn, thư và phản ánh của công dân và báo chí, Thanh tra Sở GD&ĐT cũng đã kiểm tra xác minh nhiều vấn đề như kiểm tra xác minh đơn, thư phản ánh của công dân tại Trường THCS Thọ Hải (Thọ Xuân) liên quan đến đánh giá xếp loại học sinh; kiểm tra xác minh đơn, thư phản ánh của công dân tại Trường THCS Đông Tiến (Đông Sơn) liên quan đến văn bằng của giáo viên...; kiểm tra xác minh đơn, thư phản ánh của công dân tại Trường THPT Lê Văn Hưu liên quan đến kêu gọi xã hội hóa...
Theo đánh giá của Thanh tra Sở GD&ĐT, kết quả đạt được trong công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần đổi mới công tác quản lý giáo dục; tạo chuyển biến trong kỷ cương, nền nếp ở các đơn vị, cơ sở giáo dục. Công tác dạy và học nói riêng, các hoạt động giáo dục nói chung đã đi vào nền nếp, được cán bộ, giáo viên đồng tình, Nhân dân đồng thuận, các cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá cao.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, các vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội, như lạm thu, dạy thêm, học thêm sai quy định, việc buông lỏng quản lý vẫn còn diễn ra ở một số trường học, địa phương... Điều này đòi hỏi ngành giáo dục cần nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý nhằm siết chặt kỷ cương, nền nếp học đường để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, mọi sai phạm liên quan phải xử lý theo đúng quy định pháp luật. Cùng với đó phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng, các cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu - vấn đề nhạy cảm dễ tạo dư luận xấu trong xã hội. Tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật cho giáo viên, học sinh. Nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” trong toàn ngành nhằm thực hiện tốt sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.