Góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển trong sản xuất, kinh doanh nông sản

Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định hiện có 45 hội viên, trong đó có 41 hội viên là tổ chức, doanh nghiệp và 4 hội viên cá nhân. Thời gian qua, Hiệp hội đã tích cực liên kết, hỗ trợ các thành viên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030.

Sản phẩm OCOP của các đơn vị thành viên Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định tham gia hội chợ thương mại của tỉnh.

Sản phẩm OCOP của các đơn vị thành viên Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định tham gia hội chợ thương mại của tỉnh.

Hiệp hội đã chủ động hướng dẫn hội viên triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và tạo điều kiện để được tiếp cận hiệu quả các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ; hướng dẫn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thương mại điện tử, phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp…

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, Hiệp hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) hướng dẫn, hỗ trợ các hội viên triển khai sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết giá trị. Đến nay, Hiệp hội đã xây dựng và phát triển được 28 chuỗi sản xuất liên kết giá trị; góp phần tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến, nâng cao giá trị gia tăng cho các thành viên và nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Tiêu biểu như chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân với quy mô trên 1.000ha; chuỗi liên kết sản xuất thịt lợn của Công ty Công Danh; chuỗi liên kết thủy hải sản khai thác Thành Vui, Hùng Vương, Quý Thịnh…

Với mục tiêu sản xuất các sản phẩm chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm, được sự hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) đã có 32/40 cơ sở sản xuất trong Hiệp hội xây dựng và duy trì áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến theo tiêu chuẩn HACCP, CFS, VietGAP, ISO. Trong đó, có 21 cơ sở áp dụng tiêu chuẩn HACCP, CFS, ISO; 11 cơ sở áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, 1 vùng nuôi ngao liên kết của Công ty TNHH Thủy sản Lerger Việt Nam tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) với quy mô 500ha được cấp chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC. Nỗ lực hưởng ứng chương trình phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh, các thành viên Hiệp hội đã chủ động, sáng tạo trong tổ chức sản xuất các sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm. Đến nay đã có 101 sản phẩm của 29 hội viên trong Hiệp hội được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao, 4 sao.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được Hiệp hội quan tâm tổ chức tốt, giúp các hội viên tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Hiệp hội phối hợp với các cơ quan thông tin của Trung ương và của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hiệp hội; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch do Hiệp hội sản xuất, kinh doanh đến đông đảo người tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu. In ấn, phát hành catalog, clip giới thiệu, quảng bá về các chuỗi liên kết sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp sạch của Hiệp hội, tiềm năng, lợi thế để kêu gọi liên kết, liên doanh đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và là tài liệu phục vụ hội chợ, triển lãm, hội thảo trong nước và quốc tế.

Đồng chí Trần Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định cho biết: Được sự hỗ trợ của Sở NN và PTNT, Sở Công Thương, trong 9 tháng năm 2024 các hội viên của Hiệp hội đã tích cực tham gia 8 đợt hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối giới thiệu, quảng bá 85 sản phẩm của 17 cơ sở, như: Hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm nhân dịp Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2024-2029; triển lãm quảng bá sản phẩm tiêu biểu bên lề Diễn đàn kết nối Việt Nam - Đài Loan năm 2024 tại Hà Nội; Hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành phố: Sơn La, Hà Nội, Quảng Ninh… Tổ chức đoàn chia sẻ, giao lưu, kết nối cho các hội viên tại huyện Giao Thủy; phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tổ chức đoàn kết nối thương mại, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn. Phát động, hỗ trợ hội viên đầu tư cửa hàng tiện ích để quảng bá, kinh doanh các sản phẩm, đến nay đã phát triển được 115 cửa hàng tiện ích kinh doanh các sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm sạch ở tất cả các huyện và thành phố. Ngoài ra, Hiệp hội còn phối hợp với các cơ quan tư vấn chứng nhận, các cơ quan thuộc Sở NN và PTNT đào tạo cho chủ cơ sở và người lao động của các hội viên kiến thức thực hành quy phạm sản xuất tốt GMP, quy phạm vệ sinh chuẩn SSOP, quy phạm thực hành nông nghiệp tốt VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, các quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất, kinh tế tuần hoàn, cập nhật kiến thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời tổ chức khóa đào tạo về kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, kỹ năng bán hàng, nghệ thuật đàm phán và thương lượng, quản trị marketing, xây dựng thương hiệu mạnh, kiểm soát chất lượng hàng hóa cho các hội viên và người lao động tại các cửa hàng tiện ích của Hiệp hội...

Thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các hội viên có sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” năm 2024 theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tổ chức Tuần hàng giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định năm 2024; trực tiếp tham gia 15/35 gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm của hội viên; tư vấn, hướng dẫn cho các hội viên tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại tại các địa phương: Thanh Hóa, Hà Nội…; phối hợp với các đơn vị thuộc Sở NN và PTNT các tỉnh Tuyên Quang, Quảng Ninh tổ chức các chương trình kết nối học tập, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh Nam Định. Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch đến người tiêu dùng trong nước, nước ngoài để hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản. Tiếp tục tư vấn, hướng dẫn hội viên đưa sản phẩm tham gia ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và phát triển thương hiệu; kỹ năng bán hàng trên nền tảng số; xây dựng, phát triển hệ thống bán hàng online. Phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị để hỗ trợ hội viên tham gia các chương trình phát triển về khoa học, khởi nghiệp, xúc tiến thương mại. Tiếp cận các tổ chức ngân hàng tìm kiếm các gói tín dụng ưu đãi cho các hội viên có nhu cầu đầu tư phát triển mở rộng quy mô sản xuất; khai thác, vận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức cho Hiệp hội và các hội viên.

Bài và ảnh: Văn Đại,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202410/gop-phan-thuc-day-hop-tac-phat-trientrong-san-xuat-kinh-doanh-nong-san-e443f3b/