Góp phần thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, từ khu vực nông thôn đến thành thị, người dân đi chợ không cần dùng tiền mặt, mà chỉ cần quét mã Qrcode (QR) là có thể thanh toán dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng, chính xác. Đây là kết quả của việc thúc đẩy xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số.

Hình thức thanh toán bằng mã QR không sử dụng tiền mặt đã trở nên quen thuộc tại nhiều chợ khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Hình thức thanh toán bằng mã QR không sử dụng tiền mặt đã trở nên quen thuộc tại nhiều chợ khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tìm hiểu thực tế tại chợ Chào, xã Thanh Sơn (Nghi Sơn), được biết phần lớn tiểu thương kinh doanh tại chợ đều mở tài khoản, ví điện tử cấp mã QR. Thực hiện mô hình chợ thông minh 4.0, tiểu thương đã chấp nhận thanh toán tiền hàng, thanh toán các loại phí dịch vụ sử dụng bằng chuyển khoản ngân hàng hoặc tài khoản Viettel Money. Ban quản lý chợ sẽ thanh toán các khoản phí thu tại chợ và chi trả lương cho cán bộ, nhân viên hưởng lương bằng phương thức không dùng tiền mặt; sử dụng các loại hóa đơn, biên lai thu phí bằng hình thức điện tử. Ngay sau khi mô hình chợ 4.0 được khởi động, các tiểu thương đều hài lòng khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Chị Nguyễn Thị Loan, tiểu thương tại chợ, cho biết: "Một năm qua, tôi đã dùng mã quét QR để thuận tiện cho khách hàng thanh toán. Quá trình sử dụng, tôi thấy hình thức này đơn giản, bảo mật, thuận tiện. Mỗi tiểu thương được tạo một mã QR. Người mua hàng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán thay cho tiền mặt, dùng phương thức thanh toán này tôi cũng không lo thu phải tiền giả, khi nhà phân phối chuyển hàng về tôi cũng thanh toán tiền hàng dễ dàng hơn thay vì phải đến tận nơi hoặc lên ngân hàng mới thanh toán được".

Chị Lương Thị Hải, người dân ở xã Thanh Sơn cũng chia sẻ: "Tôi làm nhân viên thị trường của một nhãn hàng, phần lớn thu nhập đều được công ty chi trả qua thẻ. Trước đây, mỗi khi đi chợ tôi thường phải ra các điểm ATM để rút tiền mặt, khá mất thời gian; vào các dịp cao điểm, việc rút tiền không thuận lợi. Giờ đây, nhờ các tiện ích của công nghệ số mà không chỉ thanh toán các hóa đơn dịch vụ thiết yếu như tiền điện, tiền nước... mà việc mua bán nhỏ lẻ tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa cũng không cần tiền mặt. Phương thức thanh toán này không khó, chỉ cần điện thoại thông minh có kết nối internet là thực hiện được".

Mô hình chợ thông minh 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt tại các địa phương là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ. Đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại. Với mô hình chợ thông minh 4.0, toàn bộ tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua tài khoản, ứng dụng Viettel Money vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, việc giao dịch tài chính trực tuyến tại nhiều chợ vẫn gặp một số khó khăn do các tiểu thương phần lớn là các hộ buôn bán nhỏ lẻ, giao dịch thấp, nhiều tiểu thương là người lớn tuổi không sử dụng điện thoại thông minh. Ngoài ra, ở những nơi vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người dân và hộ kinh doanh còn giữ thói quen sử dụng bằng tiền mặt, chưa am hiểu, thành thạo, lúng túng khi giao dịch trên môi trường điện tử.

Để thúc đẩy xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn, cùng với mô hình chợ 4.0, hiện tỉnh ta cũng đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt với kết quả 100% địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện đạt trên 94%; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước đạt gần 90%...

Để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đã tập trung nâng cấp, xây dựng hạ tầng công nghệ thanh toán tài chính trực tuyến hiện đại với 367 máy ATM/CDM và gần 4.000 máy POS với hơn 4.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn và tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, Trung tâm Phục vụ hành chính công, trường học... Các ngân hàng đã tập trung phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại như mở tài khoản, mở thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), thanh toán và rút tiền tại ATM bằng QR... Nhiều ngân hàng còn áp dụng chính sách miễn phí toàn bộ dịch vụ ngân hàng số, bao gồm miễn phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền và không yêu cầu số dư tài khoản... Từ đó, tạo cơ hội cho người dân thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ số, sử dụng công nghệ số, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số, góp phần thực hiện mục tiêu đến hết năm 2025, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 30% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn.

Bài và ảnh: Lương Khánh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/gop-phan-thuc-day-kinh-te-so-tren-dia-ban-244212.htm