Góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản sạch
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định đã triển khai chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch. Đây là mô hình được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung, sản phẩm của chương trình
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định đã triển khai chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch. Đây là mô hình được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung, sản phẩm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh phát triển.
Từ hơn 1 năm nay, Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định (Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định) trở thành địa chỉ mua sắm thực phẩm tin cậy của người tiêu dùng. Chị Trần Thị Nga, ở đường Trường Chinh (thành phố Nam Định) cho biết: “Tôi thường chọn mua các loại rau, củ, quả tươi sống tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định bởi sản phẩm đều ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, có tem nhãn và được đóng gói, bảo quản cẩn thận. Các sản phẩm “Rau sạch Ngọc Anh”, “Gạo sạch Toản Xuân”, “Ngao sạch Giao Thủy”... luôn được tôi chọn mua để chuẩn bị cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Thực tế hiện nay, các loại sản phẩm rau củ tươi cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Nam Định chủ yếu thông qua các chợ đầu mối, sau đó vận chuyển đến các chợ dân sinh, bếp ăn, nhà hàng. Phần lớn hàng hóa này người mua không có cách nào để nhận biết và kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, việc sản xuất và tiêu thụ rau củ tươi của nông dân sản xuất theo các quy trình sạch, an toàn hiện nay chưa có sự liên kết chặt chẽ nên chưa tạo ra kênh phân phối sản phẩm hàng hóa ổn định ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của người tiêu dùng và uy tín nông sản địa phương. Do đó, việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau sạch, an toàn là xu thế tất yếu. Ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định cho biết: “Tiếp nối những kết quả bước đầu, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động của Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tỉnh, Hiệp hội đã nỗ lực xây dựng và đưa thêm 2 cơ sở giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm nông nghiệp sạch vào hoạt động ở thành phố Nam Định, từng bước tạo thành chuỗi cửa hàng cung cấp các sản phẩm nông sản sạch được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đồng thời nâng cao khả năng quảng bá, giới thiệu nông sản của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nông dân. Theo ông Toản, để xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực, cụ thể của Nhà nước. Trong đó, doanh nghiệp phải giữ vai trò nòng cốt, còn Nhà nước hỗ trợ trong việc giám sát quy trình kỹ thuật sản xuất, chất lượng sản phẩm và hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, xúc tiến thương mại cho chuỗi vận hành. Đến nay, Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định đã quy tụ được trên 37 doanh nghiệp và hàng chục cơ sở sản xuất uy tín tại các làng nghề truyền thống nổi tiếng của các địa phương trong tỉnh tham gia chuỗi liên kết. Chuỗi cửa hàng của Hiệp hội đang giới thiệu, quảng bá và phân phối hơn 200 sản phẩm nông sản, trong đó có hơn 33 sản phẩm OCOP của các xã, thị trấn trong tỉnh. Là một trong những thành viên tích cực tham gia chuỗi, Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh (Trực Ninh) là một cơ sở trồng rau, quả sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP bằng phương pháp thủy canh và theo hướng hữu cơ an toàn. Với diện tích 10ha trồng rau hữu cơ khép kín, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng khu trồng rau thủy canh hiện đại với công nghệ trồng rau, hệ thống điều khiển lượng nước, dẫn chất dinh dưỡng nuôi cây tự động, hệ thống nhà lưới bảo vệ rau trước các điều kiện thời tiết không thuận lợi và dịch bệnh hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Trung bình mỗi tháng Công ty sản xuất được khoảng 45 tấn rau. Tuy nhiên, ban đầu việc tiêu thụ sản phẩm rau thủy canh trên thị trường gặp không ít khó khăn, giá bán sản phẩm không chênh lệch nhiều so với giá bán rau thường. Nguyên nhân do người tiêu dùng chưa biết và chưa nhận thức đầy đủ về giá trị mà các loại rau thủy canh mang lại. Nhận thức được điều đó, Công ty đã liên kết với Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch Nam Định để tiêu thụ sản phẩm. Nhờ tìm được đầu ra cho sản phẩm, Công ty đã phát triển ổn định, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho 50-60 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Theo đại diện của các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết cho biết, khi kết nối với nông dân trong tiêu thụ nông sản, các doanh nghiệp đều ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân, có điều khoản cam kết trách nhiệm của các bên rõ ràng để thực hiện, tránh bị “đứt” chuỗi. Về phía nông dân cũng phải cam kết chỉ sản xuất và cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp theo đúng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng như đã hợp đồng sản phẩm được cơ quan Nhà nước chứng nhận, gắn tem nhãn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Việc trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp với người sản xuất phải được thực hiện thường xuyên để khắc phục những hạn chế của sản phẩm, điều chỉnh quy mô sản xuất căn cứ trên nhu cầu của thị trường, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”. Bên cạnh đó, nhằm góp phần thay đổi nhận thức và thói quen cho người tiêu dùng, thời gian tới Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định sẽ tổ chức một số hội thảo với mục đích kết nối giữa doanh nghiệp với người sản xuất và người tiêu dùng; tổ chức các buổi tham quan ở các tỉnh, thành phố cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như tiếp đón các đoàn thăm quan là các nhà sản xuất, doanh nghiệp của các tỉnh bạn đến trao đổi, gặp gỡ, liên kết với doanh nghiệp. Tiếp tục kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân./.
Bài và ảnh: Văn Đại