Góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội
Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Gio Linh được thành lập năm 2003 nhằm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/ NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Gio Linh Hoàng Đình Mẫn cho biết, qua 20 năm xây dựng và phát triển, hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội với Ngân hàng CSXH, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, viên chức Ngân hàng CSXH là yếu tố then chốt hàng đầu tạo nên sự thành công trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Đội ngũ cán bộ của Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, coi trọng đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Ngân hàng CSXH đã ký văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội được Ngân hàng CSXH huyện thực hiện trên cơ sở văn bản liên tịch được ký kết với tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, hợp đồng ủy thác ký với tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và hợp đồng ủy nhiệm ký với tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội của huyện là 470.863 triệu đồng với 9.172 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỉ trọng 99% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại huyện.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chính là cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của các tổ TK&VV tại cơ sở. Từ đó, người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách dễ dàng, giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Đến nay toàn huyện có 17 điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH; được UBND cấp xã bố trí trong khuôn viên trụ sở của UBND, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hằng tháng. Toàn huyện hiện có 245 tổ TK&VV đang hoạt động hiệu quả tại 97 khu phố, trực thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số 9.172 thành viên, bình quân mỗi tổ có 37 thành viên.
Tổ TK&VV đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ; tạo lập nguồn vốn tự có để đầu tư tái sản xuất, mở rộng quy mô nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, Ngân hàng CSXH huyện đã tập trung nguồn lực tín dụng qua ngân hàng cho vay được 86.117 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.304.825 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 847.908 triệu đồng.
Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách đến ngày 30/6/2022 đạt 474.456 triệu đồng, với 9.222 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn, dư nợ bình quân là 46 triệu đồng/khách hàng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.
Đã có 16.898 lượt hộ nghèo được vay vốn, 5.549 lượt hộ cận nghèo, trên 7.272 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 6.883 lao động, giúp cho 15.621 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính.
42 lượt khách hàng thuộc đối tượng thụ hưởng được vay vốn để xây mới và sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/ NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội...
Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh cho biết, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng được phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng CSXH trên địa bàn, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao.
Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo của các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, ổn định chính trị, trật tự xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 7,7%, đời sống của Nhân dân, đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện. Qua đó, khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là đúng đắn và phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo Nhân dân nói chung và hộ nghèo nói riêng.