Góp phần xây dựng đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại
Từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp mạnh của cả nước, hướng tới trung tâm công nghiệp của miền Bắc. Đây là thành quả từ sự đoàn kết, quyết tâm, cùng cơ chế, chính sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Trong đó, hạ tầng đô thị đóng vai trò quan trọng khi từng bước được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, góp phần tạo nên diện mạo đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại.
Để từng bước xây dựng, hoàn thiện mô hình đô thị văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống nhân dân, Vĩnh Phúc đã có sự đột phá về tư duy, cách làm, trong đó, việc phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm được thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt.
Trên cơ sở tích hợp các quy hoạch chuyên ngành vào quy hoạch tổng thể để đảm bảo tính đồng bộ, cũng như hiệu quả thu hút đầu tư, tỉnh đã xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư các công trình có khả năng thu hồi vốn như các tuyến giao thông trục chính, hệ thống cấp nước, nhà máy xử lý rác thải, hệ thống điện, viễn thông, công nghệ thông tin…
Đồng thời, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị và nhân dân về hạ tầng đô thị.
Cùng với tăng cường thu hút các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa, việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, giảm tối đa chi phí khởi nghiệp, chi phí đầu vào; khuyến khích đổi mới công nghệ, tạo nguồn lực phát triển bền vững… được chú trọng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Nhờ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực được xem là động lực cho phát triển, cũng như phân bổ và sử dụng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công hợp lý trong từng giai đoạn, các công trình, dự án đã rút ngắn được thời gian thi công; chất lượng, hiệu quả cũng được nâng lên.
Sau 25 năm tái lập tỉnh, hệ thống cơ cở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi và thông tin liên lạc đã được cải thiện một cách rõ rệt. Nhiều lĩnh vực hạ tầng vượt trội so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận.
Khi mới tái lập, các tuyến quốc lộ chủ yếu là đá răm, cấp phối, thì nay đã nhựa hóa 100%. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ từ chỗ đều là đường cấp phối xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng kém, đến nay cũng được cứng hóa 100%; các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp.
Hệ thống giao thông nông thôn năm 1997 mới kiên cố hóa 2,6%, nay tăng lên 95%... Vĩnh Phúc có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua địa bàn với 3 điểm lên xuống; các tuyến giao thông quan trọng được hình thành, mở rộng là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng Sông Hồng.
Nhiều tuyến đường nội thị thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, không chỉ đạt về chất lượng kỹ thuật mà còn đảm bảo tính mỹ thuật và sự đồng bộ.
Hệ thống giao thông tĩnh như các bến xe, điểm đỗ xe buýt; hạ tầng điện được đầu tư, nâng cấp. Tỷ lệ dân cư đô thị loại IV trở lên được cung cấp nước sạch đạt khoảng 92%; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải từng nước được quan tâm thông qua việc triển khai dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên; dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc và chương trình cải tạo hệ thống rãnh thoát nước thải khu vực nông thôn.
Nhiều công trình y tế lớn được xây dựng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh. Hoàn thành một số công trình trường THPT mới hiện đại như: Trường PTTH chuyên Vĩnh Phúc, trường THPT Nguyễn Thị Giang, trường THPT Trần Hưng Đạo.
Các công trình hạ tầng đã góp phần thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Nhờ sự đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân, toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm Kinh tế- Văn hóa- Chính trị của tỉnh, thành phố Phúc Yên là đô thị loại III cùng nhiều đô thị khác thuộc các huyện với tỷ lệ dân số đô thị khoảng 46%.
Nhiều dự án lớn, trọng điểm không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân mà còn tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc như Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh; Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Sản-Nhi Vĩnh Phúc; khu công viên giải trí thành phố Vĩnh Yên; khu công viên cây xanh các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc; các khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải…
Song song với phát triển đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng đạt được những kết quả quan trọng.
Tỉnh đã sớm hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới từ năm 2011; huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia.
Với cách làm phù hợp, hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bộ, công khai, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 36 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 6/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 20-22 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP.
Cơ sở kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện đã và đang góp phần hình thành diện mạo mới đô thị Vĩnh Phúc từng bước văn minh, hiện đại, là tiền đề để hướng tới đạt chuẩn đô thị loại I trong tương lai gần.