Góp phần xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 'Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027' được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 938/QĐ- TTG, ngày 30/6/2017 (Đề án 938), góp phần xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

 Diễn đàn “Tôi tin tôi có thể” mang lại nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích cho phụ nữ - Ảnh: M.H

Diễn đàn “Tôi tin tôi có thể” mang lại nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích cho phụ nữ - Ảnh: M.H

Đề án 938 hướng tới mục tiêu cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi về sự cần thiết phải giữ gìn và rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; về khả năng, vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn thực phẩm; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ cán bộ chuyên trách của các cơ quan chức năng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ; không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em …

Bám sát các mục tiêu này, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo trong các cấp hội thực hiện Đề án 938 gắn với chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Để thực hiện tốt các mục tiêu của đề án, việc phối hợp với các ban, ngành, tổ chức liên quan là một yếu tố quan trọng. Vì vậy, hội LHPN các cấp đã chủ động kết nối, phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức phi chính phủ, qua đó có sự hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật để triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng về nuôi dạy con, an toàn thực phẩm, phòng chống bạo lực gia đình, về giáo dục đạo đức, văn hóa... Đặc biệt năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh về việc thực hiện công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái (PN&TEG) giai đoạn 2019 - 2022, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của PN&TEG; bảo đảm các vụ việc liên quan đến PN&TEG được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời.

Nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan, đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 17 lớp tập huấn cho 950 cán bộ hội các cấp về các vấn đề như phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm, mất cân bằng giới tính khi sinh, kỹ năng điều hành mô hình, câu lạc bộ... Cùng với đó, công tác truyền thông luôn được chú trọng triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Các cấp hội đã tổ chức 1.203 buổi tuyên truyền, hội thi, 20 diễn đàn/tọa đàm cùng hàng nghìn buổi sinh hoạt câu lạc bộ, thu hút 417.349 hội viên phụ nữ, trẻ em tham gia. Tích cực xây dựng và phát sóng tin, bài tuyên truyền các nội dung của Đề án 938 trên Đài PT - TH tỉnh, website của hội và xây dựng trang fanpage cập nhật thường xuyên các hoạt động. Riêng ở cấp tỉnh, năm 2020, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như phối hợp tổ chức diễn đàn “Chia sẻ niềm tin - nâng cao vị thế phụ nữ khuyết tật”; tổ chức 2 diễn đàn “Tôi tin tôi có thể”; tổ chức ngày hội truyền thông thúc đẩy thực thi quyền trẻ em với chủ đề “Gia đình - yêu thương và chia sẻ”…

Trước tình hình COVID - 19 diễn biến phức tạp, Hội LHPN tỉnh đã phát động cuộc thi “Đề xuất sáng kiến cộng đồng xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em sau dịch COVID-19”, kết quả đã có 47 sáng kiến của 9/10 huyện, thị xã, thành phố tham gia. Ban tổ chức cuộc thi đã chấm, lựa chọn 1 ý tưởng tham gia hội thi của Trung ương Hội LHPN, 2 ý tưởng tham gia cuộc thi do UBMTTQVN tỉnh tổ chức, trao 6 giải thưởng cho các ý tưởng có chất lượng và tính khả thi cao… Bằng việc phát động đợt thi đua đặc biệt “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”, đã có 100% cơ sở hội đăng ký thực hiện gần 500 hành động và hàng chục nghìn hội viên, phụ nữ hưởng ứng đợt thi đua bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả như tham gia phòng, chống COVID-19, vệ sinh môi trường, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đỡ đầu hộ nghèo, cứu trợ và giúp đỡ người dân trong mưa lũ...

Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo 100% cơ sở hội tiếp tục kiện toàn các mô hình phù hợp với địa phương hướng tới mục tiêu mỗi cơ sở hội có ít nhất 1 mô hình hiệu quả về hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Tiêu biểu như câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; can thiệp, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại; phụ nữ với thực phẩm an toàn; câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; nhóm giáo dục cha mẹ có con dưới 3 tuổi. Công tác giám sát quá trình giải quyết vụ việc về bạo lực, xâm hại tình dục luôn được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo sâu sát, 3 năm qua các cấp hội đã nhận và giải quyết 32 đơn thư liên quan đến hôn nhân gia đình, bạo lực, xâm hại trẻ em, đã tham gia giải quyết 25 vụ việc, không để xảy ra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục nghiêm trọng mà hội không lên tiếng.

Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Đề án 938 đã giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, hình thành nếp sống theo Hiến pháp và pháp luật. Vai trò “lên tiếng” của tổ chức hội phụ nữ trong các vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ, trẻ em đã được cải thiện đáng kể. Trong thời gian tới, các cấp hội tiếp tục triển khai các nội dung hoạt động của Đề án 938, trong đó tập trung xây dựng mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em”.

Hoàng Thị Minh Hồng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155910