Góp sức bảo tồn rùa biển quý hiếm

Đặt chân đến xã Vĩnh Thái, huyệnVĩnh Linh, khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về loài rùa biển quý hiếm, nhiều người dân, đặc biệt là ngư dân ở vùng biển bãi ngang này kể nhiều câu chuyện về việc cứu sống, bảo vệ và thả rùa biển về với môi trường tự nhiên. Tất cả những điều đó đều xuất phát trên tinh thần tự nguyện của người dân xã Vĩnh Thái, qua đó góp phần bảo tồn nhiều giống rùa biển quý hiếm.

 Chị Nguyễn Thị Hồng cung cấp thông tin về các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn rùa biển cho ngư dân -Ảnh: MĐ

Chị Nguyễn Thị Hồng cung cấp thông tin về các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn rùa biển cho ngư dân -Ảnh: MĐ

Theo thống kê, Việt Nam là nơi cư trú của rùa da, vích, quản đồng, đồi mồi và đồi mồi dứa, được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật. Trên địa bàn xã Vĩnh Thái có sự xuất hiện của một số loài rùa quý hiếm này. Những năm qua, xã Vĩnh Thái đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ rùa biển quý hiếm. Chính sự chung tay, góp sức trên tinh thần tự nguyện của người dân xã Vĩnh Thái đã góp một phần vào việc bảo tồn rùa biển.

Chị Nguyễn Thị Hồng, tình nguyện viên bảo tồn rùa biển phụ trách địa bàn xã Vĩnh Thái thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn biển (KBTB) đảo Cồn Cỏ cho biết, chị tình nguyện đảm nhận công việc này vào năm 2014. Chị Hồng luôn nghiên cứu, tìm hiểu trên tạp chí, sách, các phương tiện thông tin đại chúng để trang bị nhiều kiến thức, mở mang tầm hiểu biết cũng như biết cách bảo vệ rùa biển tốt hơn; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiểu về vai trò quan trọng của các loài rùa biển đối với môi trường sinh thái biển, từ đó có ý thức bảo vệ. Theo chị Hồng, trước đây, có một số người có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép rùa biển, giết rùa biển để ăn… Từ khi nhận thức được rùa biển là động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng nên nhiều ngư dân bắt đầu thả rùa biển khi vướng vào lưới trở về sinh sống trong môi trường tự nhiên. Đối với những cá thể rùa yếu sức khi vướng vào lưới, ngư dân Vĩnh Thái sẵn sàng xé lưới đưa rùa lên thuyền vào bờ, tạm gác lại chuyện đánh bắt hải sản để cứu rùa. Khi vào đất liền, họ lập tức báo cho chính quyền địa phương và Ban quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ để làm biên bản tiếp nhận, chăm sóc, gắn thẻ định danh và thả về lại môi trường tự nhiên khi sức khỏe của rùa tốt lên… Khi tổ chức thả rùa biển, họ thường gọi thêm nhiều người dân đến chứng kiến cảnh thả rùa biển và đăng tải lên các trang mạng xã hội, qua đó giúp mọi người thấy rõ việc làm ý nghĩa này để cùng chung tay, góp sức bảo tồn rùa biển.

Ông Đào Văn Chiến, thôn Đông Luật cho hay, nhiều năm đánh bắt hải sản, ông luôn ý thức rõ việc bảo vệ rùa biển quý hiếm. Trong quá trình đánh bắt, ông có rất nhiều lần thả rùa trực tiếp trên biển khi vướng vào lưới, trong đó có 2 lần vào đầu và cuối năm 2019, 2 cá thể rùa biển vướng vào lưới, ông nhanh chóng xé lưới cho rùa thoát thân, nhưng vì rùa do vướng mắc quá lâu ở lưới nên sức khỏe yếu, vì vậy ông tạm gác chuyến đánh bắt hải sản để đưa rùa vào bờ. Trên đường vào bờ, ông đã gọi điện báo cho Ban quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ và chính quyền địa phương tiếp nhận rùa biển, gắn thẻ định danh. Ông rất vui khi trực tiếp thả rùa về lại biển cả. Sau này, ông tiếp tục tuyên truyền cho người dân và con cháu bảo vệ rùa biển. Anh Nguyễn Quang Lam, thôn Đông Luật, có 3 lần thả rùa về với biển cả, trong đó có 1 cá thể rùa nặng tới 100 kg. Nhiều người dân xã Vĩnh Thái nhìn vào những việc làm ý nghĩa của ông Chiến, anh Lam cùng nhiều ngư dân khác đã thay đổi nhận thức và có trách nhiệm hơn đối với loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ của thế giới.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Trường cho biết thêm, thời gian qua, các hoạt động bảo vệ rùa biển được triển khai sâu rộng trong toàn xã, được đông đảo cán bộ, Nhân dân xã Vĩnh Thái hưởng ứng và thực hiện hiệu quả. Để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ rùa biển, xã Vĩnh Thái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, trong đó đề cao tinh thần tự nguyện của mỗi người dân cùng chung tay, góp sức bảo vệ rùa biển; đồng thời thực hiện quy hoạch vùng đất cát ven biển để rùa biển có thể lên bờ đẻ trứng. Xã Vĩnh Thái đề nghị các cấp, ngành liên quan quan tâm tổ chức thêm nhiều đợt tập huấn về bảo tồn rùa biển, kỹ năng bảo vệ, cứu hộ rùa biển; tuyên truyền quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn rùa biển; tổ chức chương trình ngoại khóa cho học sinh về bảo vệ rùa biển, vệ sinh môi trường biển, thu gom rác thải, nilon trên bãi biển, khen thưởng, động viên kịp thời đối với những tập thể, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ rùa biển, đồng thời có thêm chế độ hỗ trợ kinh phí cho ngư dân, bởi phần lớn các cá thể rùa khi vướng vào lưới đều làm hỏng lưới của ngư dân…, nhằm động viên, khuyến khích người dân có thêm nhiều đóng góp hơn trong công tác bảo vệ, bảo tồn loài động vật quý hiếm này.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152491